Sunday, August 10, 2014

Việt Nam đang đứng ở đâu?


Trần Văn Trộn (Danlambao) - Quyết nghị của đại hội đảng toàn quốc XI, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015 sắp đến hồi kết mà đảng cầm quyền vẫn bình thản trước trăm mối ngổn ngang, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra ngày càng trở nên xa vời.

Riêng GDP bình quân đầu người phấn đấu 2.000 USD, hết năm 2015 có với nổi 1.500 không? Không có mức GDP cho năm 2020 nhưng để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại 2020 thì mức thu nhập bình quân đầu người ít nhất phải có 10.000 USD.

Ba triệu cánh tay đảng viên đảng CSVN đã đồng họa nên một bức tranh tăng trưởng những 5 năm và một chiến lược quá tham vọng 10 năm để đến năm 2020 trở thành nước CN theo hướng hiện đại. Hoang tưởng, không biết tự lượng sức mình và không cần xác định xem mình đang đứng ở đâu.

Một bản kế hoạch chết không cần điều chỉnh theo thời cuộc phải chăng vì đó là nghị quyết của độc đảng. Hay là những tham vọng trên được dựa vào tính "ưu việt" của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một mục tiêu khiêm tốn nhất là bắt kịp Thái Lan thôi cũng đã khó, họ vẫn giữ mức thu nhập đầu người khoảng 8.000 USD, không dám mơ tới Hàn Quốc, 30.000 USD. Thái Lan vẫn cứ tăng trưởng và người dân Thái Lan vẫn cứ biểu tình, bạo loạn, bạo động..., hãy chạy đua cho kịp người Thái đi, lúc đó mới tính chuyện vượt lên họ.

Nền kinh tế VN là một cái quần mà đôi chân phải cố xỏ vào trong một ống, đời sống chính trị kinh tế văn hóa VN là cái áo cổ lọ bị mục, cố chui vào là rách. Suy ra khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại thì các láng giềng họ đã dọn lên các hành tinh mới để sinh sống rồi.

Đến giờ mà chính phủ VN vẫn mơ hồ về quyết sách, về năng lực thực hiện kế hoạch kinh tế, vậy thì kế hoạch công nghiệp hóa dựa trên năng lực cụ thể nào? Không ai có thể tìm thấy một dấu hiệu khả thi. Ai đang nắm giữ, thao túng hầu hết các mảng kinh tế chủ yếu đất nước? 

Đến giờ mà các quyết sách chính phủ đơn giản chỉ là phấn đấu giảm nghèo bền vững, xây dựng cấp bách nông thôn mới, ráo riết một tổng lực lập kế hoạch đầu tư công 5 năm, nó nói lên sự chắp vá và lệch lạc trọng tâm điều khiển. Đến giờ mà vẫn cứ canh cánh ngày đêm: "Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp." Vậy thì có thời gian đâu mà lo cho kinh tế đất nước.

Vậy thì đứng thử vai trò của đảng cầm quyền, thử tự vấn một số vấn đề sau:

1- Chính trị Việt Nam có ổn định không? Xin thưa là không, sở dĩ bề ngoài có gì đó ổn định là do hệ quả của một chính sách hà khắc trấn áp công khai và ngấm ngầm về tự do con người, không ai được phép tự do bày tỏ phản đối đường lối. Tất cả thường dân bị bắt với tư cách dân oan, thế lực thù địch gán ghép đều rơi vào hoàn cảnh đơn độc, không được quyền chứng minh công lý mà luôn bị công quyền định đoạt số phận. Sự bất công là nguyên nhân làm cho sức phản kháng ngày càng lan rộng, công khai.

Làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải trái phép đã nổ ra từ 9-5-2014 tại Sài Gòn và chấm dứt 15-5-2014 tại khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Động cơ yêu nước đã không được ai nhắc đến, đảng cầm quyền đã kết luận rằng thế lực thù địch nước ngoài lợi dụng biểu tình để phá hoại tài sản XHCN, nói lên một nền an ninh non kém, bị động và hoàn toàn mất kiểm soát. Sau đúng 3 tháng đảng cầm quyền chưa công bố được mặt mũi bọn thế lực thù địch Việt Tân dọc ngang thế nào cho thế giới và trong nước được biết. Chỉ biết rằng sau đó đảng cầm quyền chưa có một lời cám ơn đối với đồng bào yêu nước đã tận tâm tận lực trước giặc thù, chỉ biết rằng ngay sau đó ngài thủ tướng đã quyết liệt tẩy chay và chia tay với biểu tình. Trong 1.000 người biểu tình bị bắt bớ, có bao nhiêu người thực sự căm thù Trung Quốc, căm thù chế độ đến nỗi đã dẫn đến một sự giải phóng năng lượng uất có sức công phá mạnh mẽ đến như vậy?

Đảng cầm quyền nên cám ơn các tổ chức "thế lực thù địch" mặc dù chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm nhưng nhờ vin vào nó nó mà đã cắt được một cơn sốt làm qua được cơn sụp đổ nguy kịch cho chế độ. Một đất nước thật sự không ổn định về an ninh chính trị.

2- Kinh tế Việt Nam có tốt lên không? Xin thưa là không. Tất cả mọi thành phần nhân lực chủ chốt đứng trong guồng máy điều hành, vận hành đất nước đều phải là đảng viên, quyết nghị của đảng không cho phép một trí tuệ ngoài luồng nào được can thiệp dưới vào mọi hình thức. Tất cả mọi sự sáng tạo phát minh tự phát đều vô giá trị khi không có sự lãnh đạo của đảng. Một gia đình khấm khá lên là nhờ có thu nhập khá và hạn chế tối đa mọi tư túi, thất thoát, hoang phí. Xin nói chắc như bắp là kinh tế VN sẽ ngồi chung lớp với Lào, Kampuchea, Népan trong một tương lai rất gần.

Công nghiệp hỗ trợ thì đã thảm bại dưới tay Trung Quốc, 100% made in China, một nền công nghiệp hỗ trợ mang tiền đề cho giấc mơ công nghiệp hóa trở nên tang thương hơn bao giờ hết.

3- Quân đội VN có mạnh không? Xin thưa rất mạnh là đằng khác nhưng với điều kiện không phụ thuộc tuyệt đối vào một độc đảng. Trong biến cố giàn khoan HD891, hoàn toàn không có vai trò gì của quân đội, vận mệnh đất nước do đảng cầm quyền định đoạt, người dân còn mất luôn cả quyền yêu nước. Nghịch lý là trong cuộc đấu tranh với giàn khoan ăn cướp, vận động ngư dân chống chọi ở tiền tuyến, còn quân đội thì ở trên bờ, giặc cứ ngang nhiên tung hoành, còn nỗi hèn nhục nào hơn cho người cầm súng.

4- Toàn cảnh kinh tế VN sáng, tối như thế nào? Xin thưa là rất lỗ chỗ, kinh tế nhà nước thì ôm vốn lắm, ưu tiên nhiều nhưng hiệu quả không bao nhiêu, đâu cũng thấy bê bối và chực phá sản, kinh tế tư nhân vừa làm vừa xin cơ chế, làm ăn có lãi cũng chết mà làm ăn lỗ thì thiệt thân, tự mình phải cứu lấy mình. Nông dân quê lúa không sống được bằng lúa, ngư dân bám được biển nhờ tín dụng đen, công nhân cậy nhờ sức khỏe, ngày nào nghỉ ốm là nghỉ ăn.

5- Công nghệ VN phát triển như thế nào? Xin thưa là rất rầm rộ trong nhân dân và quần chúng, không sáng tạo, sáng chế là đói vì đảng cầm quyền quá chú trọng kinh tế vĩ mô, một cục súc sích muốn khai sinh được phải có 7 Bộ tham gia, một tàu ngầm tự chế là phải qua chục lần kiểm tra hành...chính.

Sự thật đau lòng là cán bộ công nghệ người ta vẫn đang miệt mài nghiên cứu xem người phát minh ra cái phong bì là ai, tác dụng của nó như thế nào. Thực sự có ông Tiến sĩ còn chưa biết có cả cái máy làm lông chó, lông gà, lông vịt của dân chạy chợ. Nghịch lý là cả đảng cầm quyền đều ăn đồng lương từ xã hội, nhưng tất cả những tiện nghi mưu sinh thì dân phải tự thỏa mãn.

Nghĩ gì về một đảng chuyên về chăm lo vun vén cho chính trị cầm quyền, theo tôi nghĩ nên đặt ra kế hoạch từ 2011 đến 2020, có đông gấp ba, bốn số lượng đảng viên, chứ không cần phải đặt mục tiêu viễn tưởng công nghiệp hóa đất nước vào năm 2020.

No comments:

Post a Comment