Sunday, August 10, 2014

Thách thức Trung Quốc, Nhật-Ấn đánh đổi gì?

(Baodatviet) - Không nhận được cái gật đầu của Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ không thể ngồi chung mâm của những ông lớn!
Ấn-Nhật chung thuyền
Thời gian qua, người ta nói nhiều tới sự trỗi dậy của Nhật Bản và Ấn Độ trong vai trò “đối trọng” hay “thách thức” đối với Trung Quốc. Nhật Bản có tiềm lực kinh tế mạnh, nền tảng khoa học kỹ thuật tiên tiến bậc nhất, sức mạnh quân sự đáng nể…Trong khi đó, Ấn Độ đất rộng, người đông, nhiều tiềm năng…
Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực vươn lên nào của Nhật Bản và Ấn Độ đều phải đi qua “cửa” Trung Quốc. Một khi Bắc Kinh không hài lòng và không đồng ý, tất cả sự cố gắng của Tokyo và New Delhi sẽ là vô ích.
Cần phải nói ngay rằng, nỗ lực vươn lên ở đây là giành được sự thừa nhận chính thức của cộng đồng quốc tế đối với sức mạnh cũng như vai trò của Nhật Bản và Ấn Độ. Để có được điều đó, cả Nhật Bản và Ấn Độ đang nỗ lực để trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), cơ quan quyền lực hàng đầu thế giới.
Một phiên họp của HĐBA LHQ
Một phiên họp của HĐBA LHQ
Đầu tháng Tám này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến công du tới Nam Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribe. Báo chí thường viết nhiều về chủ đề cạnh tranh Trung-Nhật ở khu vực này mà quên đi vấn đề khác rất được Nhật Bản quan tâm.
Chuyến đi của ông Abe không chỉ tập trung vào mục tiêu tạo dựng ảnh hưởng về mặt kinh tế mà còn chú ý tới các vấn đề ngoại giao và an ninh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tư cách thành viên của Nhật Bản tại HĐBA LHQ.
Nhật Bản đang mong muốn sẽ được bầu làm ủy viên không thường trực của HĐBA vào năm sau. Để giành được chiếc ghế này cần phải có đầu tư về mặt ngoại giao và kinh tế. Vì thế, không có gì là lạ khi ông Abe sử dụng các cuộc gặp gỡ với Cộng đồng Caribe (CARICOM) nhằm tranh thủ lá phiếu của họ tại cuộc bỏ phiếu vào tháng 10 tới tại Đại hội đồng LHQ, nơi mỗi quốc gia được một phiếu bầu bình đẳng.
Tuy nhiên, Nhật Bản còn có tham vọng lớn hơn chiếc ghế ủy viên không thường trực hiện nay tại HĐBA. Nhật Bản từ lâu đã lập luận rằng các ủy viên thường trực của HĐBA - hiện gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc - nên được mở rộng cho cả Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ và Đức (được gọi là "Bộ Tứ"). Trong cuộc gặp tại Brasilia, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và ông Abe đã tái tuyên bố lập trường chung của họ về việc cải cách cơ quan này.
Đối với Ấn Độ, việc trở thành thủ lĩnh của phong trào không liên kết, nắm trong tay vũ khí hạt nhân và trở thành ủy viên thường trực HĐBA LHQ là “ba bước đi quan trọng” của một nước lớn hướng ra thế giới.
Sau khi trở thành thành viên của G-20, Ấn Độ đã không ngừng yêu cầu các nước như Mỹ, Trung Quốc ủng hộ Ấn Độ trở thành ủy viên thường trực HĐBA LHQ. Là nước đang phát triển với dân số hơn 1 tỷ người, kinh tế cũng đang phát triển mạnh mẽ, Ấn Độ có lý do để đưa ra yêu cầu này. 
Kẻ ngáng đường
Cải tổ HĐBA là một chủ đề đã được đưa ra bàn thảo từ lâu, song thực tế việc cải tổ mới chỉ được thực hiện duy nhất một lần vào năm 1965 với việc tăng số ủy viên không thường trực từ 6 lên 10.
Sau Chiến tranh Lạnh, 7 nước gồm Brazil, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Nigeria, Ai Cập và Nam Phi (ở mức độ thấp hơn là 2 tổ chức khu vực, Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi) đã vận động để giành ghế ủy viên thường trực cơ quan này.
Nhiều nước trong số kể trên đã đi xa đến mức đe dọa giảm mức đóng góp tài chính và quân sự cho LHQ nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng. Để “xoa dịu” tình hình, vấn đề này một lần nữa được đưa ra thảo luận vào năm 2005 với các phương án mở rộng HĐBA được đưa ra. Tuy nhiên, mọi việc vẫn dẫm chân tại chỗ khi có quá nhiều “kẻ ngáng đường”.
Binh sĩ Nhật Bản tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ
Binh sĩ Nhật Bản tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ
Đối với Nhật Bản và Ấn Độ, “kẻ ngáng đường” đầu tiên không ai khác ngoài Trung Quốc. Trung Quốc từng công khai với Mỹ rằng họ không muốn mở rộng số thành viên HĐBA và tuyên bố kiên quyết chống lại Nhật Bản và Ấn Độ trở thành ủy viên thường trực của hội đồng này.
Trung Quốc có thể cản trở Nhật Bản và Ấn Độ là vì nước này có quyền phủ quyết của 5 nước ủy viên thường trực (P5). Để cải tổ cơ cấu thành viên của HĐBA cần phải sửa đổi Hiến chương LHQ và để sửa đổi Hiến chương LHQ cần 2/3 số thành viên LHQ và 3/5 số thành viên HĐBA ủng hộ, trong đó phải bao gồm sự ủng hộ của tất cả các thành viên P5.
Như vậy, chỉ cần một trong số các nước P5 lắc đầu, cánh cửa ngay lập tức sẽ bị đóng sập lại.
Đối với Nhật Bản, mục tiêu hiện càng trở nên khó khăn hơn khi Tokyo liên tiếp có những bước đi khiến “Trung Quốc” không hài lòng. Việc Trung Quốc phản đối không cho Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực HĐBA LHQ là rất dễ dàng bởi với tư cách là một ủy viên thường trực của tổ chức này, Trung Quốc sẽ sẵn sàng phủ quyết bất kỳ đề xuất nào mà họ cảm thấy bất lợi. Nhật Bản sẽ không thể đạt được mong muốn của mình nếu không có sự đồng thuận của Trung Quốc.
Hồi tháng 4/2005, trong quá trình thảo luận về việc cải tổ LHQ, hàng chục nghìn người đã tập trung biểu tình ở các thành phố lớn của Trung Quốc, ném đá vào các văn phòng Nhật Bản, đập phá các quán ăn, cửa hiệu Nhật Bản tại đây. Gần một thập kỷ đã trôi qua, thực tế này không những không thay đổi mà có khi còn trở nên “cực đoan” hơn. 
Các ông lớn giữ ghế
Không chỉ Trung Quốc mà ngay cả Anh, Pháp, Mỹ và Nga cũng không muốn cải tổ HĐBA- cơ quan quyết sách có thực quyền nhất của LHQ. Việc tăng thêm số ghế ủy viên thường trực không chỉ đơn giản là sự thay đổi về số lượng mà còn là sự tái phân chia quyền lực. Cả Anh, Pháp, Mỹ và Nga đều công khai tuyên bố ủng hộ Ấn Độ (hay cả Nhật Bản, Brazil và Đức) trở thành ủy viên thường trực HĐBA, nhưng thực chất đều muốn bảo vệ địa vị bất biến trong HĐBA.
Không một thành viên P5 nào muốn thay đổi quy chế đang dành cho họ đặc quyền có tiếng nói quyết định cuối cùng đối với các nghị quyết có ý nghĩa của HĐBA, như áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với các nước vi phạm và triển khai lực lượng quân sự và lực lượng gìn giữ hòa bình.
Về cơ bản, quyền phủ quyết đang dành cho các nước P5 đặc quyền bác bỏ mọi nghị quyết của LHQ không phù hợp với lợi ích của họ và đồng minh, bất chấp nguyên tắc các nước thành viên HĐBA phải hành động vì lợi ích của cộng đồng quốc tế.
Đại diện thường trực của Trung Quốc phát biểu trong một phiên họp của HĐBA về Syria hồi tháng 7/2012. Sau đó, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết do phương Tây đệ trình.
Đại diện thường trực của Trung Quốc phát biểu trong một phiên họp của HĐBA về Syria hồi tháng 7/2012. Sau đó, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết do phương Tây đệ trình.
Để thúc đẩy việc cải tổ HĐBA, nhiều nước đề nghị sửa đổi quyền phủ quyết chứ không đòi hủy bỏ ngay hoặc hủy bỏ dần đặc quyền này của các nước P5. Một gợi ý theo hướng này là cấm một nước P5 riêng rẽ sử dụng quyền phủ quyết khi các biện pháp thích hợp đã được tất cả các thành viên HĐBA khác ủng hộ.
Một ý tưởng khác là thay đổi sức nặng của quyền phủ quyết bằng quy định một dự thảo nghị quyết của HĐBA bị bác bỏ phải cần 2-3 thành viên P5 phủ quyết, hạn chế số lần phủ quyết của một thành viên P5 trong một khoảng thời gian nhất định hoặc hạn chế sử dụng quyền phủ quyết đối với các dự thảo nghị quyết về chiến tranh hoặc khủng hoảng trong đó có liên quan tới lợi ích sống còn của một thành viên P5.
Một phương thức khác để cải tổ HĐBA được nêu ra là thay đổi phương pháp hoạt động. Hiện nay, HĐBA bị chỉ trích về những tính toán không minh bạch và quá trình thương lượng kín trong đó các nước thành viên LHQ không phải là ủy viên HĐBA không được tham dự. Các nhà cải tổ muốn Hội đồng Bảo an công khai, minh bạch và cung cấp nhiều thông tin hơn nữa về các cuộc thương lượng này.
Mọi đề xuất mới chỉ nằm trên giấy tờ và không ai biết khi nào thì người ta đưa chúng ra thảo luận chứ chưa nói tới việc thực hiện. Cho tới khi đó, chắc chắn Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tiếp tục các nỗ lực không biết mệt mỏi để được đứng ngang hàng với nhóm các quốc gia quyền lực nhất thế giới. Tuy nhiên, tất cả sẽ là vô nghĩa một khi Trung Quốc (không loại trừ Anh, Pháp, Mỹ và Nga) lạnh lùng phủ quyết!
  • Đông Triều

No comments:

Post a Comment