Từ năm 2011, mô hình nuôi cá không cần cho ăn hình thành ở sông La Ngà (huyện Định Quán), Đồng Nai, đến nay đã có nhiều gia đình ứng dụng cách làm này.
Năm đầu, ngư dân chỉ cần đầu tư một số thùng phuy, vài chục mét lưới mắt nhỏ, ít cây tre là có thể làm vèo để nuôi cá mè tự lớn. Khoảng 3 tháng sau, người nuôi chọn những con cá dài 5-7 cm thì tách đàn nuôi riêng, cho đến khi cá nặng từ 0,7- 1kg thì xuất chuồng...
Nhánh sông Suối Co thuộc ấp 1, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) chi chít vèo nuôi cá mè tự lớn. Ảnh: T.NGUYÊN
Độc đáo ở chỗ, với nguồn nước thiên nhiên có nhiều dưỡng chất là sinh vật phù du, rong, tảo nên cá mè trong vèo dễ kiếm thức ăn để tự lớn.
Người tiên phong nuôi cá tự lớn
Ông Trần Văn Minh, năm nay 67 tuổi, hiện ở với vợ chồng con trai út trên bè cá. Những năm 1990, theo dòng người từ Campuchia hồi hương về Việt Nam, ông Minh đưa 9 người con đến vùng sông nước La Ngà lập nghiệp.
Có nghề nuôi cá bè từ hồi bên xứ người, khi tới đây ông Minh cùng các con trở lại nghề cũ, ban đầu chỉ nuôi các loại cá, như: điêu hồng, bống tượng, rô phi. Cuộc mưu sinh trên sông La Ngà của ngư dân nói chung nhiều lúc thăng trầm và đầy bất trắc, bởi có những thời điểm nguồn nước bị ô nhiễm khiến người nuôi cá bè thua lỗ; có người sạt nghiệp vì cá nuôi chết hàng loạt. Tất cả thành viên trong gia đình ông Minh hàng ngày phải vật lộn trên sông để đánh bắt thủy sản và chăm chút cá nuôi trong từng chiếc bè. Vất vả là vậy, nhưng có lúc vẫn trắng tay khiến ông Minh luôn trăn trở tìm lối thoát cho gia đình mình. Cái khó ló cái khôn, bằng những kinh nghiệm nghề nghiệp lâu năm, sau những đêm thức trắng, ông Minh quyết định đổi thay cách nuôi cá trên sông La Ngà.
Mô hình lập vèo nuôi cá mè không cho ăn hiện khá phổ biến ở sông La Ngà (huyện Định Quán).
Trên chiếc xuồng nhỏ chở chúng tôi ra nhà bè… ngắm cảnh, ông Minh cho biết khu vực gia đình ông ở là một nhánh của sông La Ngà gọi là Suối Co, thuộc ấp 1, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán). Nơi đây không rộng lắm nhưng có đến 64 hộ đang đặt vèo nuôi cá tự lớn và những loại cá khác. Vèo được làm bằng các đoạn tre dài nối với thùng phuy đóng kín để nổi được, phía dưới bao lưới. Nói về quá trình nuôi cá mè tự lớn, ông Minh kể: “Ban đầu khi thả cá bột, ngày nào tôi cũng phải ra thăm vèo, chăm chú theo dõi đời sống của chúng trong môi trường tự nhiên. Khi thấy từng đàn cá phát triển dù không đều nhau nhưng tôi biết mình đã thành công. Cá mè là loài dễ nuôi, ít bị bệnh. Trong vèo, cá tự do tìm nguồn thức ăn nên người nuôi đỡ vất vả hơn nhiều so với cách nuôi trong bè. Thực ra, vì thiếu kinh nghiệm nên tôi cũng đã phải nếm trải không ít khó nhọc để rút ra bài học cho riêng mình. Sau 9 tháng nuôi thử nghiệm, lứa cá mè đầu tiên được xuất bán, gia đình tôi mừng rơi nước mắt”.
Đời sống của cư dân làng bè La Ngà có nhiều đổi thay từ dạo ấy. Thông tin ông Minh nuôi cá không cần cho ăn lan nhanh đã làm cho ngư dân phấn chấn hẳn lên. Thế nhưng, nhiều người lại hoài nghi vào cách làm lạ đời này của ông Minh, bởi nuôi cá hàng ngày cho ăn lớn như thổi nhưng đôi khi lỗ thê thảm, còn bỏ mặc chúng tự kiếm ăn biết bao giờ bán được? Song chỉ sau thời gian ngắn, những vèo cá mè trên sông La Ngà liên tục được nhân lên.
Ngư dân tự… bơi
Năm đầu, ngư dân chỉ cần bỏ 5 triệu đồng mua vật liệu làm vèo thả cá bột và hàng ngày kiểm tra, theo dõi tiến trình phát triển của chúng. Những năm tiếp theo, khi thùng phuy gỉ sét, tre mục mới cần thay mới. Trong khi đó, ở môi trường nước sạch trong suốt thời gian thả cá mè thì mỗi khung vèo nhỏ nhất (5m x 10m x 2m) có thể cho thu hoạch 7 tạ thành phẩm. Giá cá mè hiện xấp xỉ 10 ngàn đồng/kg, người nuôi thu về bình quân 6 - 7 triệu đồng. Đây là điều hấp dẫn đối với ngư dân nghèo, ít có khả năng đầu tư đóng bè cá bằng gỗ.
Vợ chồng người con út của ông Trần Văn Minh đang lựa cá mè 3 tháng tuổi để tách đàn nuôi riêng.
Hôm chúng tôi đến khảo sát vèo cá mè tự lớn của gia đình ông Minh, vợ chồng người con út của ông đang chọn cá nuôi 3 tháng để tách đàn, đưa chúng từ khung vèo này sang khung vèo khác. Chỉ vào 24 khung vèo mà các con đang lựa cá, ông Minh nhận định, nếu trời cho “lộc” thì dịp tết tới gia đình ông sẽ thu về hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, hiện đang là mùa mưa nên nước từ thượng nguồn đổ về làm sông La Ngà có màu đỏ đục. Đây chính là điều làm người nuôi cá mè lo lắng, vì nếu nguồn nước không trong hoặc ô nhiễm, cá không thấy đường tìm thức ăn nên sẽ èo uột và chết.
Trong nhà bè rộng chừng 10m2 của ông Minh, những “lão ngư” rất sôi nổi khi bàn chuyện nước sông La Ngà đục làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cá mè trong vèo. Nhớ lại những ngày đầu nuôi cá mè không cần cho ăn, ông Châu Minh Thường, một người có nghề trong việc nuôi cá lóc luôn gọi ông Minh bằng “anh Hai” một cách thân thiện, kính nể. Gắn bó với vùng đất này hơn 10 năm, ông Thường hiện nuôi 15 vèo cá, trong đó có 5 khung vèo cá lóc, còn lại là cá mè.
Theo ông Thường, vào thời điểm “anh Hai” bội thu cá mè, giá cá lóc lên xuống thất thường nên nhiều đợt ông bị lỗ to. Từ đó, ông học tập “anh Hai” nuôi thêm cá mè. Trước những “trục trặc” về nguồn nước đối với mô hình nuôi cá tự lớn, ông Thường bộc bạch không mấy tự tin: “Có đợt, mấy chục vèo chuyển từ vùng nước đục sang vùng nước trong đã dồn vào một khúc sông ngắn khiến lượng cá mè quá dày đặc so với thể tích nước.
Mặt khác, thời gian gần đây vèo nuôi cá mè ở sông La Ngà tăng quá nhanh, mạnh ai nấy đầu tư nên chất lượng nguồn nước giảm xuống, thức ăn trong tự nhiên không đủ đáp ứng để cá phát triển. Chính vì vậy, việc nuôi cá mè theo cách mới nếu không được cơ quan chức năng xem xét, kết luận cụ thể; và một khi thiếu sự quy hoạch cần thiết thì chắc chắn mô hình rất được ngư dân quan tâm này sớm muộn gì cũng… chết yểu”.
Theo Tạ Nguyên
Báo Đồng Nai