Friday, August 22, 2014

PICS:10 “vua lục quân” trên thế giới

Vai trò của các đơn vị xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) luôn rất quan trọng trong mọi cuộc chiến. Dù trong tác chiến hiện nay, vị thế này bị đe dọa nghiêm trọng bởi các dòng vũ khí chống thiết giáp hiện đại, nhưng MBT kết hợp với bộ binh vẫn là lực lượng chính giải quyết chiến trường.
Bản thân các MBT đã là một cỗ máy tinh vi kết hợp nhiều công nghệ phức tạp (luyện kim, điện tử…), kỹ nghệ chế tạo phức tạp, nên không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có thể sở hữu.
Xin giới thiệu tới bạn đọc một số dòng MBT hàng đầu thế giới hiện nay:
1. Leopard 2 (Đức) – Sức mạnh của sự kế thừa
Không phải là nơi cho ra đời xe tăng đầu tiên, nhưng Đức là quốc gia biến thứ vũ khí này trở nên rất đáng sợ trong thế chiến thứ 2 (công nghệ chế tạo xe tăng, chiến thuật sử dụng xe tăng…) với các đơn vị xe tăng Tiger, Tiger II, Panther... Tiếp nối truyền thống đó, đầu những năm 1970, hãng Krauss-Maffei bắt đầu phát triển MBT Leopard 2 theo đơn đặt hàng của quân đội Đức. Tới năm 1979, Leopard 2 đã được tiếp nhận để thay thế người tiền nhiệm Leopard 1 trong biên chế quân đội Đức.
Thiết kế và trang bị của xe tăng Leopard-2 rất phù hợp với điều kiện địa hình tại châu Âu theo học thuyết quân sự của phương Tây.
Phiên bản mới nhất của dòng xe tăng Leopard-2 - Leopard-2A7.
Phiên bản Leopars-2SG được "nhiệt đới hóa" phù hợp với điều kiện hoạt động của quân đội Singapore.
Tới thời điểm hiện tại, đã có 9 phiên bản MBT Leopard 2 xuất hiện (A1 tới A7+) và nhiều biến thể riêng theo đơn đặt hàng của quân đội các nước. Leopard 2 nổi trội ở độ tin cậy cao, thiết kế mô-đun đơn giản trong sửa chữa, vận hành dễ dàng. Đây cũng dòng MBT được nhiều quốc gia lấy ý tưởng và thiết kế để phát triển MBT nội địa.
Về cơ bản, MBT Leopard 2 sử dụng giáp thép kết hợp với các tấm composite nhiều lớp để đảm bảo khả năng sống sót của xe. Từ phiên bản A4 trở đi, Leopard 2 còn được gia cố thêm các lớp giáp mới để nâng cao khả năng sống sót trước đạn xuyên dưới cỡ và các loại rocket, đạn tên lửa chống tăng hiện đại (độ bảo vệ của giáp tương đương 900mm thép cán tiêu chuẩn (RHA) ở tháp pháo và 600 mm RHA ở thân xe đối với đạn chống tăng dạng thanh xuyên và độ bảo vệ cao hơn đối với đạn chống tăng dạng hóa năng-liều nổ lõm). Gầm xe sử dụng kết cấu chữ V nâng cao khả năng bảo vệ trước mìn chống tăng và thiết bị nổ tự tạo (IED).
Để giảm khả năng bị phát hiện trong tác chiến, MBT Leopard 2 còn được trang bị 16 ống phóng lựu khói Wegmann 76mm điều khiển bằng điện cung cấp màn khói ngụy trang kéo dài trong 2 phút cho xe. Tổ lái cũng được bảo vệ khỏi các tác nhân sinh-hóa-hạt nhân thông qua thiết bị lọc khí. Ngoài ra, khả năng sống sót của tổ lái còn được tăng cường nhờ hệ thống cứu hỏa tự động trong xe với 9kg chất dập lửa Halon.
Hỏa lực chính của Leopard 2 là pháo nòng trơn 120mm (L44 và L55) với 42 cơ số đạn. Sức mạnh hỏa lực của dòng MBT Đức này nằm ở các loại đạn xuyên dưới cỡ DM-33 có khả năng xuyên 560mm RHA ở khoảng cách 2km hoặc đạt 810mm RHA với đạn DM-53 và đạn xuyên lõm DM12. Ngoài ra, Rheinmetall đang phát triển khả năng bắn tên lửa có điểu khiển LAHAT qua nòng pháo chính cho Leopard 2 để nâng tầm khai hỏa lên 6km. Nhờ thiết bị ổn định nòng pháo, Leopard 2 có thể vừa di chuyển vừa bắn. Để chống bộ binh và máy bay, dòng MBT này được trang bị 2 súng máy 7.62mm (1 đồng trục, 1 trên nóc tháp pháo) với 4.750 viên đạn.
Trong tương lai, Rheinmetall dự kiến phát triển pháo nòng trơn 140mm trang bị trên MBT Leopard 2.
Hệ thống điều khiển hỏa lực tiêu chuẩn của Leopard 2 là EMES 15 đa chế độ quan sát cung cấp góc nhìn toàn cảnh xung quanh xe bất kể ngày đêm. Trong điều kiện ban ngày, Leopard 2 có thể phát hiện ra mục tiêu ở khoảng cách 5km và đưa mục tiêu vào tầm ngắm trong vòng 4 giây.
Cung cấp sức mạnh cho MBT có trọng lượng đạt trung bình 57 tấn này là động cơ diesel MTU MB 873 làm mát bằng chất lỏng công suất 1.500 mã lực. Điều này cũng đảm bảo cho Leopard 2 có thể cơ động với tốc độ tối đa là 67km/giờ; 31km/giờ ở điều kiện dã chiến và tầm hoạt động đạt 550km (mang bình dầu phụ).
Thực tế, Leopard 2 được thiết kế là xe tăng đa dụng có thể tác chiến trên mọi địa hình, nhưng phù hợp hơn cả đối với địa hình dạng bình nguyên ở châu Âu và phù hợp với học thuyết quân sự của Đức và phương Tây là xe tăng cần có lớp vỏ giáp vững vàng "sống sót trước, khai hỏa sau", cũng như ưu tiên tiện nghi của tổ lái... Vì thể xe tăng Leopard 2, cũng như xe các dòng xe tăng khác của phương Tây thường có kích thước và khối lượng lớn khác biệt so với các dòng tăng "phương Đông" như của Nga, Trung Quốc.
Tuy phiên bản tiêu chuẩn dành cho địa hình châu Âu, nhưng xe tăng Leopard 2 cũng có các phiên bản được "nhiệt đới hóa" hoặc "sa mạc hóa" để phù hợp với quân đội quốc gia khách hàng đặt mua. Điển hình cho việc này là phiên bản xe tăng Leopard 2 đang hoạt động trong biên chế quân đội Singapore và Brazil.
Thép tiêu chuẩn RHA là gì?
Trong chế tạo xe tăng, khả năng bảo vệ của vỏ giáp được tính theo mức độ bảo vệ tiêu chuẩn của giáp thép đồng nhất được cán nóng sắp xếp cấu trúc hạt phân tử sao cho độ cứng, độ bền của tấm giáp ở mọi điểm là giống nhau.
Hiện nay, dù được hình thành từ Thế chiến thứ 2, nhưng tiêu chuẩn giáp bảo vệ RHA vẫn được sử dụng để tính toán khả năng để kháng lại sức xuyên phá của các loại đạn chống tăng hiện đại đối với giáp tăng.
Thứ Sáu, ngày 22/8/2014 - 16:31
Theo Tuấn Sơn tổng hợp (QDND)

No comments:

Post a Comment