|
Cần hơn 44.500 tỉ đồng giúp ĐBSCL ứng phó với lũ. Trong ảnh là nông dân đang gia cố đê bao bảo vệ lúa vụ 3 năm 2011 tại Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) - Để kiểm soát lũ trong điều kiện vừa đảm bảo thích ứng được với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vừa bảo vệ tốt sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, đời sống dân cư…, dự kiến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần khoảng 44.545 tỉ đồng.
Số tiền trên dùng để đầu tư, nâng cấp hàng loạt công trình để đáp ứng mục tiêu đó, theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thuộc Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, tại hội thảo “Quy hoạch lũ ĐBSCL giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” tổ chức hôm nay 22-8 tại An Giang, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã đưa ra hai kịch bản quy hoạch cho ĐBSCL. Tuy nhiên, TS Lương Quang Xô, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam- đại diện cho nhóm nghiên cứu cho rằng kịch bản 1 là khả thi nhất.
Theo kịch bản trên, đối với những khu vực sản xuất lúa thu đông (lúa vụ 3) không kiểm soát lũ thì hệ thống đê bao kiểm soát lũ sẽ giữ nguyên hiện trạng như hiện nay; đối với vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) và Tây sông Hậu không xây dựng các cống trên kênh Vĩnh Tế (An Giang) từ tuyến kênh T5 đến Giang Thành; tiến hành xây dựng các cống dọc tuyến sông Hậu từ Châu Đốc (An Giang) đến Lái Hiếu (Hậu Giang); đối với khu vực Đồng Tháp Mười (ĐTM) xây dựng các cống từ kênh 2/9 đến kênh Phước Xuyên (Đồng Tháp).
Ngoài ra, cũng theo kịch bản này, sẽ xây dựng 3 cống trên sông Tiền từ Hồng Ngự đến Đồng Tiến (Đồng Tháp); cải tạo 18 kênh trục vùng phía Nam kênh Nguyễn Văn Tiếp (Đồng Tháp); cải tạo 5 kênh nối sông Tiền với sông Hậu và 4 kênh thoát lũ ra sông Tiền từ kênh 2/9 đến kênh Thống Nhất Bình Thành (Đồng Tháp, Long An).
Song song đó, sẽ cho nạo vét các kênh trục ở vùng ĐTM và TGLX; nâng cấp tuyến đê biển từ Giồng Riềng đến Hà Tiên (Kiên Giang)…
Nếu thực hiện theo kịch bản này, sẽ giữ diện tích sản xuất lúa thu đông ở vùng ngập sâu thuộc 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An khoảng 149.000 héc ta/540.000 héc ta lúa của toàn vùng sẽ được sản xuất ở vụ thu đông.
“Tuyệt đối phải giữ không gian thoát lũ và cao trình bờ bao tại các vùng này (TGLX, ĐTM, Tây sông Hậu, khu vực giữa sông Hậu- sông Tiền- PV), phải bảo vệ để sản xuất được lúa vụ 3; các công trình cơ sở hạ tầng (cầu) phải đủ khẩu độ thoát hoặc bằng cao trình chống lũ tháng 8 (ở ĐBSCL tháng 8 là thời điểm lũ đạt đỉnh cao nhất- PV)”, ông Xô của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết.
Theo ông Xô, với kịch bản 1, dự kiến nguồn kinh phí thực hiện là 44.545 tỉ đồng, trong đó hạng mục bảo vệ dân cư khoảng 11.026 tỉ đồng; hạng mục kè chống sạt lở 5.416 tỉ đồng. Riêng các công trình kiểm soát lũ dự kiến cần khoảng 28.103 tỉ đồng, trong đó vùng ĐTM 6.785 tỉ đồng, TGLX 6.342 tỉ đồng, vùng Tây sông Hậu 8.248 tỉ đồng và vùng giữa sông Tiền- sông Hậu 6.728 tỉ đồng.
Theo Tổng cục Thủy lợi, nếu được Chính phủ phê duyệt và thông qua kịch bản này, giai đoạn 2015-2020 sẽ tập trung xây dựng 13 đê bao bảo vệ chống ngập cho Vĩnh Long, Cần Thơ; hoàn thiện cụm công trình ven biển Tây, nạo vét nâng cấp các trục thoát lũ nối sông Hậu với biển Tây, xây dựng 8 cống trên sông Hậu…. Giai đoạn sau năm 2020 sẽ xây dựng, nâng cấp các công trình còn lại.
Nói về kịch bản trên, dù chưa khẳng định có khả thi để triển khai thực hiện hay không nhưng GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của quốc hội - một người am hiểu về điều kiện tự nhiên của ĐBSCL, cho rằng quy hoạch cho mùa lũ nhưng phải tính đến kịch bản nó có tác động như thế nào đối với 6 tháng mùa khô. “Quy hoạch không có nghĩa là chúng ta xây dựng những cái đê bao để bảo vệ vùng này, vùng kia. Mà quy hoạch là làm sao vừa bảo vệ được sản xuất vừa có thể giữ lại nước ngọt, để nó không bị đẩy ra biển hết, đó mới là điều quan trọng”, ông cho biết.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND An Giang, cho rằng quy hoạch lũ bảo vệ cây trồng, bảo vệ cơ sở hạ tầng, đời sống dân cư…, nhưng cũng phải lưu ý đến yếu tố “thuận theo tự nhiên”, chứ không thể theo ý muốn chủ quan của con người được.
No comments:
Post a Comment