Nhà báo James Foley trong lúc tác nghiệp ở Syria – Ảnh: Reuters
Vụ chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley mới đây khiến dư luận thế giới bàng hoàng, làm dư luận nhớ lại vụ chặt đầu nhà báo Mỹ Daniel Pearl và các vụ hành quyết công dân Mỹ khác trong quá khứ. Sự tàn bạo của các nhóm khủng bố và tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn khiến mọi người bàng hoàng.
Cái chết của nhà báo Foley, làm việc cho trang tin GlobalPost (Mỹ), khiến nhiều người đau lòng nhớ lại vụ nhà báo Daniel Pearl của tờ Wall Street Journal (Mỹ) bị bắt cóc vào năm 2002 ở Pakistan, theo đài KTLA5 (Mỹ).
Cả hai nhà báo Foley và Pearl đều bị chặt đầu và các phần tử khủng bố đã đăng tải đoạn video cảnh chặt đầu họ lên mạng.
Trong vụ chặt đầu nhà báo Pearl, thủ phạm là các phần tử mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Còn Foley bị một phần tử IS chặt đầu.
Mỹ bắt đầu tiến hành điều tra hình sự cái chết của nhà báo Foley sau khi tuyên bố sứ mạng giải cứu Foley và các con tin Mỹ khác bị bắt cóc ở Syria thất bại.
IS đã đòi tiền chuộc 132 triệu USD sau khi bắt cóc Foley vào năm 2012, nhưng sau đó đã chặt đầu nhà báo này vì Washington từ chối trả tiền chuộc.
Còn vụ chặt đầu nhà báo Pearl xảy ra chỉ vài tháng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 ở Mỹ, cũng đã khiến thế giới bàng hoàng trước sự tàn bạo của tổ chức khủng bố al-Qaeda, nhà sử học Mỹ Timothy Furnish cho biết.
Nhà báo Daniel Pearl – Ảnh: Reuters
Trong cuộc chiến Iraq, các phần tử cực đoan đã chặt đầu ba người Mỹ, đó là doanh nhân Nicholas Berg và hai nhân viên một công ty xây dựng Eugene Armstrong và Jack Hensley, cùng nhiều người nước ngoài và người Iraq khác.
Ở Ả Rập Xê Út, các phần tử khủng bố al-Qaeda đã chặt đầu doanh nhân Mỹ Paul Johnson Jr. vào tháng 6.2004.
Các phần tử khủng bố đã bắt cóc ông Paul và đề nghị Mỹ trao đổi tù binh. Nhưng Washington đã từ chối và nhóm bắt cóc đã ghi hình cảnh chặt đầu ông Paul, tung video lên mạng.
Đến tháng 7.2004, chính quyền Ả Rập Xê Út mới tìm thấy được phần đầu của ông trong một tủ lạnh tại một căn nhà ở thủ đô Riyadh.
Nhà sử học Furnish cho rằng mục đích của những vụ chặt đầu này là nhằm gây khiếp sợ trong cộng đồng, lấy tiền chuộc, ra yêu sách trao đổi tù binh và gửi lời cảnh báo đối với chính quyền các nước phương Tây, nhất là Mỹ.
Nước Mỹ vẫn kiên quyết duy trì chính sách không khoan nhượng với khủng bố, theo tờ The New York Times (Mỹ).
Kể từ năm 1992, trên 1.000 nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp tại những vùng có xung đột và chiến sự trên thế giới, theo số liệu của Ủy ban Bảo vệ Các nhà báo (CPJ), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập trụ sở ở thành phố New York (Mỹ).
CPJ ước tính có khoảng 20 nhà báo đang mất tích khi tác nghiệp ở Syria và nhiều người trong số này được cho bị IS bắt cóc.
Theo Thanh Niên
No comments:
Post a Comment