(Baodatviet) - Việt Nam cho đi rất nhiều, đang lấy của người nghèo cho người giàu thông qua việc miễn thuế quá nhiều cho các công ty nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ thêm những nghi vấn về việc ai sẽ là người hưởng lợi khi ưu đãi, nuông chiều quá mức các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khi họ vào làm ăn mà không đóng thuế.
Chắc chắn có một nhóm người hưởng lợi
Từ 2015 Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO. Theo đó sẽ phải giảm thuế theo các cam kết nhất là luồng hàng từ các nước xung quanh với những sản phẩm tương tự của Việt Nam sản xuất được.
"Do đó các doanh nghiệp sẽ chịu sự cạnh tranh kinh khủng khi hàng hóa đến từ các nước trong ASEAN +6 gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 6 nước châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Đây là khu vực tự do mậu dịch ASEAN + 6 nên Việt Nam đều phải giảm thuế thì rất thuận cho họ", bà Lan nói.
Sự thuận lợi, ưu đãi cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi so với nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
"Có thể thấy sự chênh lệch rất rõ đó là trong khi các doanh nghiệp trong nước bị o ép bởi thể chế cùng với đủ các loại phí, phụ phí và sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của đủ các cơ quan đoàn thể trong nước thì các doanh nghiệp nước ngoài lại tha hồ làm ăn, kiếm tiền bỏ túi nên họ chuyển giá dễ dàng", bà Lan nhận định.
Thấy rõ là như vậy nhưng danh sách các nhà đầu tư nước ngoài được nhận ưu đãi vào Việt Nam mỗi lúc một tăng trong khi con số báo cáo thu từ khu vực này không có gì khả quan.
Số liệu của Bộ Tài chính từ năm 2010 tỷ lệ thu từ khu vực FDI nhỏ nhất trong 3 khu vực sở hữu (Nhà nước, ngoài Nhà nước và FDI) trong khi tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này ngày càng lấn lướt khu vực trong nước. Đến năm 2012 xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trên 63% giá trị xuất khẩu hàng hóa (hình); trong khi thu ngân sách của khu vực này ngày càng giảm đi còn có khoảng 17% (không kể dầu khí) năm 2012.
"Chắc chắn sẽ có một nhóm người được hưởng lợi cùng với việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định cho vào Việt Nam", bà Lan nhấn mạnh.
Theo bà Lan: "Cứ nhìn vào danh sách thấy các nhà đầu tư vào Việt Nam thấy phần nhiều là ở Châu Á, khi phải xin phép thì được vào Việt Nam dễ dàng hơn nhiều so với các nước đòi hỏi minh bạch, chống tham nhũng tốt, tiêu chuẩn cao. Như vậy chắc chắn các nhà đầu tư Châu Á sẽ phải có các kênh để tiếp cận được. Trong chuyện này dư luận đặt sự nghi vấn ai là người có lợi sẽ rất rõ. Trong từng lĩnh vực một thì vẫn có cơ quan liên quan, các địa phương. Những người trực tiếp làm việc với họ sẽ có lợi", bà Lan chỉ rõ.
Nhìn ở góc độ người tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận họ cũng được hưởng lợi hơn khi các doanh nghiệp này cạnh tranh nhau. Song thực tế những người tiêu dùng này cũng chính là người đang đi làm ở các doanh nghiệp khi hàng không tiêu thụ được, xuất khẩu khó, thị trường nội địa kém thì doanh nghiệp không thể sản xuất, người công nhân có nguy cơ mất công ăn việc làm.
"Bản thân họ lúc đó cũng không có tiền để mua sắm được nữa. Khi đó họ là người thất nghiệp chứ không còn được hưởng lợi ở khía cạnh người tiêu dùng", bà Lan lo ngại.
Còn với nông dân cũng là đối tượng đáng lo vì họ yếu thế hơn rất nhiều. Họ trồng ra nhưng không bán được. Bài học từ việc dân chặt bỏ cao su, thanh long… khi phụ thuộc vào thị trường lớn mà số phận họ gắn vào đó. Họ trồng mà không bán được thì làm gì bây giờ trong khi họ cũng không trở lại cảnh tự cấp tự túc như trước nữa.
Tổ chức quốc tế đã khẳng định: "Việt Nam cho rất nhiều, đang lấy của người nghèo cho người giàu thông qua việc miễn thuế quá nhiều cho các công ty nước ngoài. Đáng ra phải lấy thuế để đầu tư cho an sinh xã hội thì ngược lại là miễn. Cái rõ thấy nhất là lấy đất của nông dân cho các dự án nước ngoài trong khi các cảnh báo của giới chuyên môn gần như không có giá trị", bà Lan dẫn chứng.
Sẽ chỉ có một nhóm người được lợi khi dành quá nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài |
Rất khó thay đổi
Trước những phân tích chỉ ra đầy sự lo ngại về thực tế và cả trong tương lai đối với việc sản xuất, kinh doanh trong nước như vậy song bà Lan tỏ ra thất vọng khi nói cần phải làm gì lúc này để xoay chuyển tình thế.
"Tôi không tin là có thể kêu được gì vì tiếng nói ủng hộ cho nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn rất lớn. Trong suy nghĩ của tầm lãnh đạo tư duy rất muốn thu hút tiếp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và không có phân định rõ cái gì nên thu hút cái gì không nên", bà Lan thất vọng.
Nếu nói doanh nghiệp có vốn nước ngoài thu hút lao động nhiều cũng là không đúng khi căn cứ vào đồ thị này. Nguồn: Niên giám thống kê |
Theo đó hiện ngành nào cũng xem thu hút đầu tư nước ngoài được thì đó là thành tích. Ngay như nông nghiệp lúc nào cũng than vãn là không thu hút được đầu tư nước ngoài. Các địa phương cũng vậy, các dự án đều thích thu hút công ty nước ngoài và dành cho họ những vị trí đất vàng. Gần đây có câu chuyện thất thoát nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước nên yếu tố nhà nước trong đầu tư được thận trọng hơn. Chính vì vậy cho nên để có con số tăng trưởng thì cách dễ nhất là lôi đầu tư nước ngoài vào bằng mọi giá.
"Bây giờ kiến nghị điều chỉnh lại rất khó, trong khi đó việc này lại liên quan đến nhiều bộ khác nhau. Ví dụ chính sách đầu tư thì liên quan đến Bộ kế hoạch và Đầu tư, thương mại thì Bộ Công thương. Bộ Công thương lại coi trọng thành tích xuất khẩu trong khi các FDI xuất khẩu hơn là nội địa. Mọi thứ gần như không thay đổi dù là cảnh báo nhiều", bà Lan tiếc nuối.
Mặc dù vậy không có nghĩa là mọi kênh để hạn chế sự lộng hành của các doanh nghiệp FDI đã xếp vào diện 'bó tay'. Theo vị chuyên gia kinh tế này thì hiện theo luật pháp của Việt Nam, cái nhà nước còn giữ lại là đất đai.
"Nhà nước thay mặt toàn dân sở hữu đất đai thì cũng có quyền lấy lại khi thấy nhà đầu tư sử dụng không đúng mục đích. Nhà nước vẫn còn chỗ để giữ quyền nhưng có sử dụng quyền đó hay không. Thấy họ sai có can thiệp để lấy lại hay không lại là chuyện khác. Đây là trách nhiệm của tầm quản lý vĩ mô", bà Lan hy vọng.
Bích Ngọc
No comments:
Post a Comment