HÀ NỘI (NV) .- Tình trạng lũ, lũ quét và sạt lở ở Việt Nam đang tăng theo thời gian và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người. Tính từ năm 2000 đến nay, có 250 đợt lũ quét và sạt lở, khiến 646 người chết và mất tích, 351 người bị thương.
Sạt lở bờ sông Thạch Hãn ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị. (Hình: Người Lao Động)
Ngoài thiệt hại nhân mạng, lũ, lũ quét và sạt lở còn phá hủy 10,000 căn nhà, gây ngập và làm hư hại khoảng 100,000 căn nhà khác, vùi lấp hàng trăm héc ta đất canh tác, chưa kể những thiệt hại đối với các công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình dân sinh,…
Tổng thiệt hại do lũ, lũ quét và sạt lở gây ra trong 14 năm vừa qua được ước đoán khoảng 3,300 tỷ đồng. Theo nhà cầm quyền Việt Nam, thì Tây Bắc, Tây Nguyên và miền Trung là những khu vực thường xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở.
Chỉ trong đợt bão lũ xảy ra hồi tháng trước, lũ, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam đã làm 24 người chết và mất tích. Do lũ, lũ quét và sạt lở gia tăng, từ năm 2006 đến năm 2013, nhà cầm quyền đã phải di tản khoảng 172,000 gia đình ra khỏi các khu vực có thể xảy ra lũ quét và sạt lở.
Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc khảo sát thực hiện gần đây, vẫn còn khoảng 10,000 điểm dân cư có nguy cơ bị lũ quét, hay bị sạt lở, trong đó có 2,100 điểm dân cư được xem là có nguy cơ cao và rất cao.
Giới hữu trách tại Việt Nam cho biết, trong vài năm qua lũ, lũ quét và sạt lở là loại thiên tai gây thiệt hại lớn nhất, đặc biệt là thiệt hại nhân mạng.
Sự gia tăng của hiện tượng lũ, lũ quét và sạt lở ở Việt Nam được nhận định một phần là do rừng bị tàn phá nghiêm trọng, phần khác do biến đổi khí hậu, biến đổi địa chất và việc thực hiện nhiều công trình hạ tầng chưa chú trọng đến những tác động đối với dòng chảy, môi trường. Tình trạng lũ, lũ quét và sạt lở gia tăng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam càng lúc càng lớn.
Hồi đầu năm nay, Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam nhận định, 2013 là năm "thời tiết khốc liệt", với những hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử. Chẳng hạn, tuyết rơi hồi thượng tuần và trung tuần tháng 12 năm ngoái tại tỉnh Lào Cai. Đây là điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1961 tới nay. Song năm 1961, tuyết rơi không nhiều và dày như năm ngoái.
Ngoài tuyết, mưa đá - một hiện tượng thời tiết cực đoan khác cũng xảy ra liên tục trên khắp Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa…
Trong đó, đáng chú ý nhất là ba trận mưa đá liên tiếp xảy ra ở tỉnh Lào Cai vào cuối tháng 3 năm 2013. Những hạt đá trong các trận mưa đá đó có đường kính từ 6 cm – 10 cm, có hạt to bằng chén ăn cơm, ấm pha trà đã phá hủy hoàn toàn hoặc làm thủng hơn 10,000 mái nhà, làm 32 người bị thương.
Năm ngoái và năm nay, ngoài các đợt lạnh bất thường, Việt Nam còn có nhiều đợt nóng bất thường, chưa từng thấy trong lịch sử.
Mưa cũng được nhận định là bất thường và khốc liệt. Vũ lượng từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2013, trên phạm vi toàn Việt Nam, cao hơn trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Đông Bắc và phía Bắc miền Trung, vũ lượng cao hơn nhiều trung bình nhiều năm từ 400 mm đến 600 mm, có nơi trên 700 mm. (G.Đ)
08-22-2014 4:07:54 PM
No comments:
Post a Comment