Thursday, July 31, 2014

Việt Nam là 'vô địch' trong các yêu cầu về giấy tờ!

SÀI GÒN (NV) .- Đó là nhận định của ông Olin McGill, một chuyên gia về phát triển môi trường kinh doanh của USAID, đang ở Việt Nam để hỗ trợ dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện”.


Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Khu Chế xuất Tân Thuận ở Sài Gòn. (Hình: Pháp Luật TP.)

Tại hội thảo về cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Việt Nam (CIEM) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức, hôm 31 tháng 7-2014, bàn về thủ tục tại Việt Nam, ông McGill, nêu thêm nhận xét, dường như Việt Nam rất thích có nhiều số liệu, nhiều thông tin và rất thích kiểm tra nên mới đòi hỏi doanh nghiệp phải làm nhiều thủ tục.
Chuyên gia của USAID nêu ra một thắc mắc, có nhất thiết phải cần nhiều thông tin đến thế và có nhất thiết phải kiểm tra mọi sản phẩm xuất nhập cảng?

Đáp lại, ông Nguyễn Giang Tiến, đại diện của Công ty Vận tải và Thuê tàu, cho biết, trong thực tế, thời gian thông quan cho một tờ khai xuất nhập cảng chỉ chừng năm phút nhưng bộ hồ sơ mà hải quan Việt Nam đòi hỏi để cho phép thông quan phải có khoảng 500 tờ giấy.

Ông Tiến than rằng, các doanh nghiệp xuất nhập cảng mệt mỏi vì tất cả các khâu: trước thông quan, thông quan và sau thông quan. Lý do khiến doanh nghiệp kiệt sức là vì chính sách quản lý giữa hải quan Việt Nam và các ngành khác chẳng hạn như Bộ Công Thương không đồng nhất.

Ví dụ khi vận chuyển, tuy hải quan không yêu cầu “chi tiết hóa” nhưng quản lý thị trường lại đòi như thế. Đã có trường hợp nhập cảng vải bị quản lý thị trường lôi ra đo xem tổng cộng là bao nhiêu mét.

Ông McGill cho rằng, thủ tục thương mại và thủ tục thuế trong xuất nhập cảng ở Việt Nam rất rườm rà. Tuy số lượng tờ khai không nhiều nhưng trong mỗi tờ khai lại có rất nhiều mục. Doanh nghiệp phải khai đi khai lại các thông tin của mình cho nhiều cơ quan khác nhau. Nếu qui thành tiền thì những hàng xe tải nối đuôi nhau, những container chồng chất trong ba, bốn ngày để kiểm tra hàng hóa, thông quan là một sự lãng phí khủng khiếp.

Một viên Thứ trưởng Tài chính tên là Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cơ quan đang quản lý ngành hải quan, chống chế, gánh nặng thủ tục mà doanh nghiệp đang phải mang không đơn thuần là do hải quan bởi có nhiều ngành liên quan tới việc kiểm soát hàng hóa xuất nhập cảng: Biên phòng, An ninh Xuất nhập cảnh, Quản lý cảng, Cảnh sát giao thông, cảnh sát Kinh tế, Quản lý thị trường, Kiểm dịch…

Hồi đầu tuần trước, tại một cuộc hội thảo khác, trao đổi về việc làm sao để Việt Nam có thể thăng hạng trong “Doing Business” của World Bank, ông McGill từng công bố một thống kê, theo đó, do thủ tục rườm rà, trong xuất cảng, mỗi năm, Việt Nam thất thu thương mại khoảng 17 tỉ Mỹ kim và trong xuất cảng, Việt Nam bị thất thu hơn 19 tỉ Mỹ kim. Tổng cộng thất thu thương mại trong xuất nhập cảng khoảng 37 tỉ Mỹ kim.

Trong “Doing Business” mới nhất của WB, Việt Nam bị xếp thứ 99. Theo đó, tuy đã thực hiện “cải cách thủ tục hành chính” suốt hai thập niên nhưng năm nay tại Việt Nam, muốn nộp thuế, doanh nghiệp mất đến 872 tiếng.

Tại sao hệ thống công quyền Việt Nam ưa thích thủ tục và kiểm tra?

Trong một cuộc hội thảo diễn ra hôm 30 tháng 7-2014 để bàn về tác động của Luật Doanh nghiệp mới được sửa đổi, ông Mai Huy Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm Đức Việt đã lên tiếng tố cáo hệ thống hành chính ở Việt Nam hành hạ doanh giới để kiếm chác.

Theo ông Tân, một cây xúc xích do Công ty Đức Việt sản xuất bị tới bảy bộ giám sát. Đó là: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính giám sát qua Tổng Cục thuế và Tổng cục Hải quan, Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Công an.

Tuy có tới bảy bộ giám sát việc sản xuất thực phẩm nhưng  thực phẩm tại Việt Nam càng ngày càng thiếu vệ sinh và không an toàn bởi thật ra, giám sát chỉ nhằm moi móc để kiếm chác. Chẳng hạn, Công ty Đức Việt đã đổ tiền để đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải theo đúng qui định. Cũng vì vậy, khi kiểm tra, Cảnh sát Môi trường không tìm thấy sai sót nào, cuối cùng, Công ty Đức Việt bị lập biên bản do đã đựng rác trong thùng có màu xanh.

Ông Tân nhấn mạnh, trước nay, làm gì, bất kể đúng sai cũng phải có phong bì. Nếu luật không tính đến việc để cho doanh giới thở thì họ sẽ không còn nhiệt huyết. (G.Đ)
07-31-2014 3:50:43 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment