Thursday, July 31, 2014

Bộ mặt “xã hội đen” của PTGĐ công ty thép Gia Sàng



Từ nhiều năm trước, công nhân đã đứng ra tố cáo nhiều hành vi mờ ám của Lê Xuân Hộ. Tại nhà riêng, ông này tàng trữ súng và đạn...

Việc ông Lê Xuân Hộ (tức Động) - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên bắt tạm giam 4 tháng không phải là điều bất ngờ với các công nhân của công ty. Từ nhiều năm trước, công nhân đã đứng ra tố cáo nhiều hành vi mờ ám của Lê Xuân Hộ.

Mất trộm không dám báo

Ngày 29/7 cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt tạm giam 4 tháng đối
với ông Lê Xuân Hộ để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hàng trăm công nhân Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã đến công ty chứng kiến cơ quan công an khám xét phòng làm việc của vị Phó Tổng Giám đốc này. Với họ, việc ông Hộ bị bắt giữ không phải là bất ngờ.

Theo điều tra của phóng viên, tại công ty, ngoài chức danh Phó Tổng Giám đốc, ông Lê Xuân Hộ còn là Phó Chủ tịch HĐQT. Năm 2007, khi đơn vị này được tiến hành thí điểm cổ phần hóa (CPH), ông Hộ là cổ đông tự do duy nhất tham gia vào công ty với tỷ lệ góp vốn 8%.

Bên cạnh đó, Nhà nước nắm giữ 39,66% (do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên làm đại diện). Từ ngày ông Lê Xuân Hộ có được ghế “ông chủ” đã xuất hiện những chuyện lạ về việc vật tư, thiết bị nhà máy dần “bốc hơi”.

Tháng 11/2007, ông Hộ đã bị nhiều cổ đông trong công ty tố có hành vi can thiệp để cho xe ô tô chở 1,13 tấn đồng, nhôm ra khỏi công ty mà không có hóa đơn, chứng từ xuất kho. Phải đến cuối năm 2010, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công ty Luyện cán thép Gia Sàng mới có văn bản xác nhận tố cáo trên là đúng sự thật nhưng lại không kiến nghị xử lý đối với ông Hộ.

Tiếp theo, nhiều tấn thiết bị ở một phân xưởng bị mất cắp mà “không ai biết”. Cụ thể, ngày 8/1/2013 công nhân của công ty này phát hiện các thiết bị cơ điện, máy cán cùng toàn bộ các thanh cái bằng đồng của lò điện 3 và 4, dây dẫn điện bằng đồng bị mất trộm.

Theo các công nhân kỹ thuật, khối lượng thiết bị khoảng 9 tấn nên không thể “vác tay” ra khỏi nhà máy được. Đến ngày 16/1/2013, lãnh đạo công ty mới lập bảng tổng giá trị thiết bị mất trộm và quy ra “đồng phế liệu” có giá trị 917 triệu đồng nhưng không trình báo cơ quan công an để làm rõ. Công nhân công ty còn phát hiện nhiều vụ mất trộm đáng ngờ khác như mất thiết bị điện ở cầu trục 32 tấn số 8, cầu trục 8 tấn số 6.

Sau những vụ việc trên, rạng sáng ngày 12/4/2013 công nhân công ty đã báo với cơ quan công an ngăn chặn kịp thời một xe ô tô vận chuyển thiết bị từ nhà máy đi tiêu thụ. Vụ việc sau đó đã được Công an tỉnh Thái Nguyên điều tra.

“Xẻ thịt” nhà máy

Theo phản ánh của các công nhân, trong thời gian ông Hộ tham gia trong ban lãnh đạo công ty, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ngày càng xuống dốc. Tính đến năm 2013, số lỗ lũy kế của công ty đã là 108 tỷ đồng. Hàng trăm công nhân bị mất việc, không được đóng BHXH. Đến nay, nhà máy luyện cán thép đã dừng hoạt động hoàn toàn.

Khi công ty đang bết bát, hoạt động sản xuất kinh doanh được ban lãnh đạo công ty đẩy mạnh nhất lại là “bán vật tư không có nhu cầu sử dụng”. Thực chất, đây chính là các tài sản cố định của công ty, những trang thiết bị của các phân xưởng sản xuất. Như ngày 5/2/2013, ông Lê Văn Lợi – Tổng Giám đốc công ty ký hợp đồng mua bán “đồng phế liệu” với DNTN Sơn Thành.

Tuy nhiên, mặt hàng bao gồm: Động cơ máy cán thỏi, động cơ máy nghiền hàm thô, máy hàn điện một chiều, máy hàn điện xoay chiều. Một hợp đồng khác ký cùng ngày với Công ty TNHH DVTM Trang Oanh còn kê đến 19 loại vật tư, thiết bị để bán. Trong đó có cả xe ô tô, máy ủi, máy cắt đĩa, máy nghiền tinh, máy nghiền thô, thùng rót thép, trục truyền hoa mai…

Tất cả đều được tính đổ đầu theo cân. Các công nhân cho rằng ban lãnh đạo công ty đã dần “xẻ thịt” các phân xưởng sản xuất bằng các hợp đồng kinh tế mua bán vật tư.

Tại nhiều cuộc họp, đối thoại với lãnh đạo công ty (đều không có sự tham gia của ông Lê Xuân Hộ), công nhân đều đặt câu hỏi tiền tỷ bán các thiết bị, vật tư chảy đi đâu trong khi người lao động bị nợ lương, nợ BHXH. Ông Lê Văn Lợi – Tổng Giám đốc công ty chỉ hứa trả lời bằng văn bản rồi lại im lặng.

Phó Tổng giám đốc có “máu nóng”

Khi khám xét nhà riêng ông Lê Xuân Hộ, cơ quan công an đã thu giữ 1 khẩu súng colt cùng 7 viên đạn. Tại Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng, nhiều người không lạ với tính cách côn đồ, có tính chất “xã hội đen” của vị Phó Tổng Giám đốc. Ngày 20/12/2010, ông Lê Xuân Hộ đã đánh ông Lưu Xuân Tuấn (SN 1959, công nhân xưởng cán thép) ngay tại bữa cơm do Hội Cựu chiến binh công ty tổ chức. Ông Tuấn được xác định bị gãy 1 răng hàm phải, xương quai hàm phải bị rạn, mí mắt phải rách sâu khoảng 5mm. Vụ việc sau đó đã “chìm xuồng”.

M.H/Theo Dân Việt

No comments:

Post a Comment