Thursday, July 31, 2014

Trung Quốc vạch kế hoạch khai thác băng cháy Biển Đông

(Baodatviet) - Tại hội nghị quốc tế về khí hydrat, giới chức trách Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch mới để khai thác băng cháy ở Biển Đông vào năm 2017.
Thông tin này được đưa trên trang mạng CriEnglish của Trung Quốc ngày hôm qua 30/7. Theo đó trang tin dẫn lời Zhang Haiqi, giám đốc cơ quan khảo sát địa chất TQ nói: "TQ là một trong số ít các nước trên thế giới có triển vọng lớn về tài nguyên này. Có khoảng 10 tỉ tấn dầu cả trên đất liền và ở biển, tương đương với tổng lượng dự trữ dầu và khí tự nhiên ở TQ".
Một mét khối băng cháy có năng lượng tương đương 160 mét khối khí tự nhiên. Hiện TQ đang cân nhắc các kế hoạch bắt đầu khai thác băng cháy ở Biển Đông trong 3 năm tới.
Khai thác methane hydrate dưới đáy đại dương
Khai thác methane hydrate dưới đáy đại dương
Trong khi đó, vấn đề nghiên cứu và khai thác băng cháy trên biển cũng được quan tâm từ lâu tại Việt Nam.
Cách đây hơn 1 năm, khi trao đổi với Đất Việt PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư cho biết: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tiến hành phối hợp với Nga để nghiên cứu về khí Hydrate (băng cháy) và các khoáng sản đáy biển.
Theo các nhà khoa học, khi nguồn năng lượng truyền thống như than đá, than bùn, dầu khí,… ngày càng cạn kiệt thì băng cháy với trữ lượng lớn gấp hơn hai lần trữ lượng năng lượng hóa thạch, đang được xem là nguồn năng lượng có hiệu suất cao, sạch và là năng lượng thay thế tiềm tàng trong tương lai.
Hiện nay đã có hơn 90 nước trên thế giới tiến hành các chương trình nghiên cứu điều tra băng cháy ở các mức độ khác nhau. Cũng theo tính toán của các nhà khoa học, toàn bộ khu vực Biển Đông đứng thứ 5 châu Á về băng cháy và Việt Nam được đánh giá là quốc gia có trữ lượng băng cháy khá lớn.
Các nhà khoa học đã đưa ra 4 vùng dự báo để đánh giá tiềm năng băng cháy, đó là quần đảo Hoàng Sa và kế cận, Phú Khánh, Tư Chính-Vũng Mây và quần đảo Trường Sa và kế cận.
Về công nghệ khai thác, Phó Giáo sư Tiến sỹ Phùng Văn Phách, Viện trưởng Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, hiện Hàn Quốc đã xác định năm 2014 sẽ chính thức khai thác băng cháy, còn Nhật Bản cũng mạnh dạn xác định thời gian bắt đầu khai thác là năm 2018.
Băng cháy là một loại khí hydrate (gas hydrate, methane hydrate) tồn tại dưới dạng hỗn hợp rắn, trông bề ngoài giống băng hoặc cồn khô, có thể trong suốt hay mờ đục, dạng tinh thể màu trắng, xám hoặc vàng.
Băng cháy bao gồm khí hydrocarbon (chủ yếu là methan) và nước, được hình thành trong điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp. Chỉ cần nâng nhiệt độ hoặc giảm áp lực là băng cháy sẽ phân giải: 1m3 chất này khi phân giải cho ra 164m3 khí metan và 0,8m3 nước (gấp 2-5 lần năng lượng của khí thiên nhiên).
Phương Nguyên

No comments:

Post a Comment