Thursday, July 31, 2014

Cháy phố thương mại, người dân hướng dẫn PCCC dập lửa



(Tin tức thời sự) - Tại Đắc Lắc mới xảy ra vụ cháy hàng chục căn nhà ở khu phố thương mại. Được biết người dân phải hướng dẫn lưc lượng PCCC dập lửa.

Vụ cháy xảy ra vào khoảng 13h30 phút chiều ngày 28/7,  nhiều người dân thấy khói đen mù mịt, mùi khét bốc ra từ số nhà 105 Y Jút (phường Thống Nhất, TP Buôn Ma Thuột). Đây là cửa hàng bán giày dép, dễ bắt lửa, gặp gió to nên đám cháy bùng lên rất nhanh, chủ nhà không kịp di chuyển tài sản ra bên ngoài.
Gọi mấy chục cuộc tới PCCC không ai nghe máy
Chiều ngày 30/7, PV có cuộc trao đổi với anh N.V.P - chủ nhà đối diện với căn nhà bị cháy, cũng là người có mặt trong vụ cháy cho biết: "Trong vụ cháy này, các lực lượng PCCC làm việc yếu kém, thiếu trách nhiệm, ngoài giờ người ta không có trực điện thoại hay sao mà người dân chúng tôi gọi mấy chục cuộc vào cơ quan nhưng không có người bắt máy. Lúc đầu ngọn lửa bốc khói sau đấy vì không ứng cứu kịp thời nên mới bùng to thế.
Hiện trường vụ cháy khu phố kinh doanh sầm uất nhất TP Buôn Mê Thuột
Hiện trường vụ cháy khu phố kinh doanh sầm uất nhất TP Buôn Mê Thuột. Ảnh VietNamNet
Vì không gọi được lực lượng PCCC, sau đó người dân đã phải lên báo trực tiếp, lên đến nơi thì họ có thái độ quan liêu hỏi cháy to hay cháy nhỏ. Dân nói mãi mới điều cái xe bé xuống.
Nhưng chỉ chữa cháy một lúc thì hết nước, rồi ngọn lửa bùng lớn lên nên lực lượng họ mới lấy nước ở mộ trụ nước phòng cháy gần đấy. Đó là nước dự trữ công cộng nhưng lâu nay không có nước, thời gian qua họ cũng chẳng kiểm tra nên giờ hầu như là không dùng được".
Theo phản ánh của ông V.V.Đ, chủ tiệm đối diện hiện trường vụ cháy cho biết, khi xảy ra cháy ông là người chứng kiến từ đầu, nhưng rất bất bình vì lực lượng PCCC phản ứng quá chậm. Người dân phải “hướng dẫn” để lực lượng PCCC dập lửa.
Đồng ý với phản ánh đó, anh P. nói tiếp: "Trong  quá trình chữa cháy thì người dân hướng dẫn làm gì thì họ làm nấy chứ có chủ động gì đâu. Người dân chỉ họ ra chỗ khu vực gần chợ lấy nước dập lửa, nói chung mọi thứ đều do dân chỉ đạo.
 Mấy ông lính chữa cháy ấy có đến kiểm tra cái trụ nước đâu mà biết còn nước hay không, nói chung làm bị động lắm. Cái chính họ không có người trực nên mới để đám cháy xảy ra lớn thế.
Hơn nữa sao phòng cháy chữa cháy mà yếu lắm, toàn dân họ chỉ cho, không toàn bị động thôi".
Ụ nước cứu hỏa tại ngã 4 Y Jút - Phan Bội Châu bị bỏ hoen gỉ, không phát huy hiệu quả
Ụ nước cứu hỏa tại ngã 4 Y Jút - Phan Bội Châu bị bỏ hoen gỉ, không phát huy hiệu quả. Ảnh VietNamNet
Dân chỉ đạo PCCC phun chỗ này, phun chỗ kia
Theo lời anh P., quan sát những người lính chữa cháy, thấy họ không rành chữa cháy, không chuyên nghiệp. Ví dụ như dân họ cũng chỉ đạo họ phun chỗ nay hay phun chỗ kia. Mấy anh lính chữa cháy ấy tưởng cháy bình thường, nhưng khi đến thấy cháy to thì luống cuống.
Anh P. giải thích thêm: "Bởi theo quy luật thì đến chữa cháy ít việc đầu tiên phải làm là dập lửa 2 nhà bên cạnh trước nhằm chống cháy lan, đằng này khiến nó lan sang bên cạnh nên cháy to lắm, vì vậy chúng tôi chẳng thấy họ có nghiệp vụ gì.
Người dân họ chỉ đạo các lực lượng này từng chút một, chắc họ cho mấy người mới hay sao ấy, nhìn họ làm lóng ngóng lắm, chỉ đâu thì họ làm thôi. Chính vì thế mà dân ở đây họ biết và phẫn nộ lắm.
Để dập tắt được đám cháy mất nhiều thời gian lắm, nếu xuống sớm thì không cháy thế này đâu, đằng này báo điện thoại không được nên chúng tôi phải chạy lên mất nhiều thời gian…".
Về thông tin lực lượng PCCC đến chậm, không chủ động nguồn nước, chưa tích cực…khiến đám cháy bùng phát dữ dội, Thượng tá Phạm Tiến Triệu - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Đắk Lắk giải thích trên VietNamNet:
“Khi nhận được tin báo cháy của người dân, đơn vị đã điều ngay 18 xe cứu hoả và toàn bộ lực lượng đến dập lửa, đồng thời điện báo nhiều cơ quan khác phối hợp ứng cứu, tuy nhiên do khu vực cháy có khoảng 100 căn nhà tạm, vách trần đều bằng ván ép, người dân buôn bán nhiều hàng hoá dễ bắt lửa nên bén nhanh khiến việc chữa cháy gặp khó khăn.
Việc xe chữa cháy nhanh hết nước, theo ông Triệu, do phần lớn xe cứu hỏa được trang bị có dung tích chỉ 4m3 nước/xe, trong khi đó hệ thống cấp nước tại chỗ không có nên chỉ 4 – 6 phút là xe phải rút đi tiếp nước, vì thế gây nên gián đoạn.
Yến Nhi

No comments:

Post a Comment