Sunday, July 6, 2014

Trung Quốc đau đầu trước "quả bom bất ổn" Hong Kong

(Báođấtviệt) - Tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, thậm chí tên lửa hạt nhân cũng chưa làm Trung Quốc tan rã, nhưng những “quả bom bất ổn” thì có thế.
Chính sách "Một nước hai chế độ" chẳng phải là sự “sáng tạo về lý luận” về CNXH mang màu sắc Trung Quốc của “đồng chí Đặng” mà là sự lặp lại hình thái nhà nước phong kiến của Trung Quốc vào thời trên có Thiên triều, dưới có các ông vua con, mỗi ông hùng cứ mỗi phương.

Tuy nhiên, do có nhiều lực lượng còn "dị ứng" với chế độ ở Đại lục, thậm chí còn mong muốn Đài Loan độc lập nên khi được đề xuất về “một quốc gia, hai chế độ”, Đài Loan (bao gồm chính phủ, các Đảng phái, kể cả những người ủng hộ một Trung Quốc thống nhất) đã bác bỏ chúng ngay dù cho Bắc Kinh tuyên bố sẽ cho phép Đài Loan có quân đội riêng.
Chính sách này ra đời là xuất phát từ vấn đề thu hồi Đài Loan bằng biện pháp quân sự là không thể, đồng thời, thông qua chính sách này khi đối xử với 2 vùng đất được Anh và Bồ Đào Nha trả lại sau 99 năm sẽ tạo ra một tấm gương tốt, ve vãn Đài Loan yên tâm trở về với Đại lục.

Chính sách này với Đài Loan, Bắc Kinh thực hiện khá cứng rắn, đó là nguyên tắc một Trung Quốc (một nước). Bắc Kinh yêu cầu tất cả các quốc gia muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa phải công nhận nguyên tắc một Trung Quốc và không được duy trì quan hệ với Trung Hoa dân quốc.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Tây Tạng cũng tỏ ý mong muốn một chính sách tương tự cho khu tự trị này. Nhưng, Bắc Kinh đã bác bỏ ngay vì cho rằng Tây Tạng khác với các phần lãnh thổ trên là chưa bao giờ trở thành thuộc địa chính thức của quốc gia phương Tây nào.

A
Người dân Hong Kong xuống đường biểu tình

Hong Kong và Ma Cao là nỗi đau, nỗi nhục của Trung Quốc, là 2 mảnh đất của Trung Quốc khi bị thua trận buộc phải cho Anh quốc (Hong Kong) và Bồ Đào Nha (Ma Cao) “thuê mướn” trong 99 năm. Khi Hong Kông được trả lại năm 1997 (Ma Cao 1998), bằng chính sách “một nước 2 chế độ” hay “mèo trắng, mèo đen…” đã phát huy tác dụng, Hong Kong trở thành một cửa ngõ để Trung Quốc thu hút đầu tư, là “con ngỗng vàng đẻ trứng” cho kinh tế Trung Quốc khởi sắc.

Nhưng bất cứ một hình thái phát triển xã hội nào cũng tuân thủ theo quy luật, có tính khoa học, nếu áp đặt theo ý muốn chủ quan sẽ tạo ra mâu thuẫn để phủ định sự tồn tại đó. Huống chi “một nước 2 chế độ” chỉ là một đối sách mà không phải là một chân lý của CNXH Khoa học thì tất yếu sẽ bị phá sản. Và thực tế hiện tại, chính sách “một nước 2 chế độ” đã lỗi thời, không còn tác dụng.

Hong Kong là nỗi bất an của Trung Quốc

Nếu như bất ổn chính trị là một quả bom đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội Trung Quốc hiện hành thì quả bom này có 3 ngòi nổ nguy hiểm mà Trung Quốc bằng mọi giá phải ngăn chặn. Đó là, lạm phát, thất nghiệp và ly khai, mà “ly khai” đang là hiện hữu, thách thức lớn nhất.

Rõ ràng là có thể tồn tại nhiều thành phần (nền) kinh tế trong một chế độ (mộ nước), nhưng tồn tại nhiều chế độ trong một quốc gia chẳng khác nào nhốt hổ, báo, chó sói…trong một chuồng.

Trong bối cảnh đất nước đang còn tồn tại những kẻ khủng bố, đòi ly khai âm ỉ của các khu tự trị như Tân Cương, Tây Tạng và tác động của khu vực như Ukraine thời gian qua, Trung Quốc đã thấy sự bất an về chính sách “một nước 2 chế độ” dành cho Hong Kong khi chính nó đã trở thành một mảnh đất màu mỡ cho mầm ly khai đâm chồi nảy nở.

Dấu hiệu lây nhiễm nền dân chủ phương Tây từ Hong Kong đã khiến Hoàn Cầu thời báo lên tiếng trấn an “Trung Quốc không phải là Ukraine và Hong Kong không có khả năng trở thành một là Kiev hay Donestk”.

Đúng vậy, Hong Kong không thể là Donestk lại càng không thể là Crimea, nhưng một chế độ chính trị khác với chế độ chính trị Trung Quốc, một nền dân chủ khác với nền dân chủ Trung Quốc…mới chính là một ngòi nổ cực kỳ nguy hiểm và nhạy cảm.

 “Một Trung Quốc thống nhất không giúp gì nhiều cho cá nhân chúng tôi. Tôi không muốn một quốc gia lớn, mỗi tỉnh có thể độc lập và chúng ta có thể sống chung với nhau trong sự khác biệt”... tuy là một tiếng nói từ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc (Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) nhưng đã phản ánh một ý tưởng, một nguyện vọng...nguy hiểm đều từ nguồn cảm hứng Hong Kong mà ra.

Hong Kong đã không còn tác dụng như trước với nền kinh tế Trung Quốc hiện tại, chế độ chính trị tại Hong Kong biến Hong Kong trở thành một khối u rất khó chịu cho Bắc Kinh mà nếu không điều trị, phòng ngừa sẽ trở thành u ác tính hay một ổ vi rút truyền nhiễm nguy hại cho chế độ hiện hành Trung Quốc mà Bắc Kinh không muốn.

Xử lý Hong Kong-Bài toán quá khó!

Trung Quốc dứt khoát không thể chấp nhận bầu cử theo kiểu Hong Kong.

Hệ quả xảy ra là Hong Kong phản đối quyết liệt (đương nhiên rồi) và nguy hiểm hơn nữa là Đài Loan tố cáo Trung Quốc can thiệp vào Hong Kong. Các nhà hoạt động chính trị cả hai nơi Đài Loan và Hong Kong luôn nêu bật cụm từ “Hôm nay Hong Kong, Đài Loan ngày mai” như là một cảnh báo về ảnh hưởng của phán quyết mà Bắc Kinh sẽ thực hiện.

Xử lý “sạch sẽ” Hong Kong thì sẽ làm phá sản sách lược với Đài Loan dẫn đến Đài Loan sẽ buộc phải lựa chọn phương án đối đầu hơn là đối thoại. Khi đó thu hồi Đài Loan chỉ còn con đường bạo lực mà phương cách đó lại không một chút khả thi.

Trung Quốc quyết tâm đưa Hong Kong vào “khuôn khổ” bằng cách nào?

Một “Thiên An Môn” tại Hong Kong là điều không thể khi chế độ Hong Kong đang đậm đặc yếu tố bên ngoài, một cuộc cấm vận kinh tế tổng lực của phương Tây, Mỹ, Nhật Bản…sẽ làm cho 3 ngòi nổ của quả bom bất ổn được kích hoạt nhanh hơn, quả bom có sức công phá mạnh hơn. Nhưng không đưa Hong Kong vào “khuôn khổ” thì điều đó không chỉ là để làm tấm gương cho Đài Loan trở về với Đại lục mà còn là tấm gương cho Tân Cương, Tây Tạng và các tỉnh thành khác “học tập, noi theo”…

Liệu rồi sự áp đặt của Bắc Kinh có khiến Hong Kong chùn bước? Liệu cuộc biểu tình, trưng cầu dân ý… đã nổ ra tại Hong Kong vừa qua chỉ là mới bắt đầu hay đã là đỉnh cao của sự phản kháng?...Thời gian sẽ trả lời. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đến lúc buộc phải lựa chọn, có điều, lựa chọn kiểu gì cũng đều dẫn đến sự tổn thương nghiêm trọng cho nội tình đất nước. Và liệu rồi mỗi khi nội bộ Trung Quốc có vấn đề là nhà cầm quyền lại hướng dư luận, hướng sự chú ý trong nước ra bên ngoài theo cách "chuyển lửa sang láng giềng" mà họ thường vận dụng? 

Không còn nghi ngờ gì nữa, Hong Kong là ngòi nổ của quả bom bất ổn với Trung Quốc và nguy hiểm hơn khi ngòi nổ này có tính năng “chống tháo gỡ”.
  • Lê Ngọc Thống

No comments:

Post a Comment