(Baodatviet) - Đặc nhiệm Mỹ sẽ được trang bị loại dù đặc chủng mới giúp nhảy từ độ cao lớn, tải trọng nặng và bay xa hàng chục km.
Theo tờ Army Times, loại dù mới mà Mỹ sẽ trang bị cho đặc nhiệm có tên gọi là RA-1. Loại dù này giúp đặc nhiệm Mỹ có thể nhảy từ độ cao 7,3 km với khối lượng lên tới 204 kg. Đặc biệt, với loại dù mới, lính Mỹ có thể bay tới mục tiêu ở khoảng cách lên tới 47 km so với điểm nhảy dù.
Nhờ tải trọng lớn (lên tới trên 200 kg), lính Mỹ có thể thực hiện cú nhảy dù với trang bị đầy đủ, kể cả áo giáp. Người Mỹ khẳng định mẫu dù mới RA-1 có đặc điểm kỹ chiến thuật vượt trội so với loại dù cũ đang được dùng phổ biến là MC-4. Trong điều kiện được huấn luyện tốt và chuẩn bị chu đáo, dù RA-1 có thể giúp nhảy từ độ cao trên 10 km.
Dù MC-4 của Mỹ |
Theo kế hoạch, RA-1 sẽ được Mỹ đưa vào trang bị cho các lực lượng đặc nhiệm trong quý III/2014. Tuy nhiên, việc trang bị loại dù mới này sẽ chỉ hạn chế cho một số đơn vị đặc nhiệm có quy mô nhỏ. Một trong những nguyên nhân là RA-1 có khả năng cơ động cao. Chính tính cơ động này lại không thích hợp cho việc thả quân dù hàng loạt với quy mô lớn. Những chiếc dù có khả năng bay xa tới gần 50 km ở tốc độ cao sẽ khiến lính dù dễ va chạm vào nhau ngay trên không.
Khác với đa số loại dù thông thường, RA-1 được trang bị ghế ngồi giúp lính đặc nhiệm không bị tê chân trong quá trình nhảy dù kéo dài và ngay khi tiếp đất họ có thể sẵn sàng lâm trận. Ngoài ra, mẫu dù mới còn có các trang thiết bị bổ sung như quần áo giữ nhiệt, mặt nạ dưỡng khí giúp bay ở độ cao lớn trong thời gian dài. RA-1 thậm chí còn có hệ thống dẫn đường hiện đại.
RA-1 trong trạng thái rơi tự do |
Theo các chuyên gia, mẫu dù RA-1 của Mỹ được chế tạo theo dạng “cánh”. Loại dù thông thường có dạng “vòm” chỉ có thể bay từ trên xuống, dù dạng “vòm” có khe mang giúp bay xuống và tiến về phía trước. Trong khi đó, dù dạng “cánh” sẽ tạo lực nâng nhờ chuyển động ngang. Tốc độ trong khi bay sẽ tạo ra áp suất chênh lệch giữa phần dưới và trên “cánh” dù. Cấu tạo này giúp dù có diện tích nhỏ hơn loại dạng “vòm” trong khi vẫn tạo ra lực nâng tương đương.
Cấu tạo dạng “cánh” cũng giúp dù giảm tốc độ rơi trong khi tăng tốc độ di chuyển ngang. Theo tính toán, RA-1 có thể bay với tốc độ 32 km/h theo chiều ngang và tốc độ hạ cánh từ 0-6 km/h.
Dù dạng vòm có khe mang |
Việc điều khiển cánh dù được thực hiện bằng hai dây dù điều khiển hai bên. Nếu kéo dây dù bên trái, cánh dù sẽ xoay về bên phải và ngược lại. Nếu kéo đồng thời cả hai dây dù điều khiển, dù sẽ giảm tốc độ chuyển động ngang. Kéo mạnh tới một lực cần thiết, cánh dù sẽ thay đổi hình dạng để không tạo ra lực nâng nữa và khi đó dù sẽ rơi thẳng đứng.
Dù RA-1 dạng cánh còn có một đặc điểm đáng chú khác là ngay trước khi ngừng tạo lực nâng, tốc độ rơi và tốc độ di chuyển ngang của dù sẽ gần như ngay lập tức giảm về 0 km/h (tức là trong trạng thái không di chuyển). Nếu như ngay lúc đó, thả dây dù điều khiển về vị trí cũ, dù sẽ trở lại hình dạng ban đầu và tiếp tục bay với tốc độ cũ.
Người Nga hiện cũng có một mẫu dù tương tự RA-1 của Mỹ là Arbalet. Tuy nhiên, thông tin về loại dù của Nga hiện vẫn là một bí mật, đặc biệt là về khả năng bay xa của loại dù này.
Có thông tin cho rằng mẫu dù Arbalet-2 có thể mang khối lượng tối đa 150 kg, có thể sử dụng trong điều kiện nhiệt độ từ -35 độ C đến 35 độ C. Loại dù này của Nga có thể đảm bảo cho cú nhảy từ máy bay đang di chuyển với tốc độ 350 km/h.
Loại dù của Nga đã trải qua quá trình thử nghiệm cấp quốc gia tại Trung tâm bay thử nghiệm Bộ Quốc phòng và hiện đã được đưa vào sử dụng.
Dù Arbalet của Nga |
Theo kế hoạch, đến giữa năm 2015, lính dù Nga sẽ được trang bị 400 hệ thống dù Arbalet-2. Loại dù này sẽ được trang bị cho các đơn vị đặc nhiệm, đặc nhiệm-dù và lính dù cứu hộ với trang thiết bị và vũ khí đầy đủ.
Loại dù này có thể được sử dụng để nhảy từ các loại máy bay Il-76, An-12, An-26, An-2 và cả trực thăng Mi-8. Đây là những loại máy bay có trang thiết bị cần thiết cho lính dù.
Đông Tây
No comments:
Post a Comment