Một trong những sự kiện quốc tế gây chú ý nhất trong tuần này chính là chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Hàn Quốc. Người ta tin rằng, Trung Quốc đang tìm cách bao vây Nhật Bản. Tuy nhiên, Bắc Kinh vừa “tung ra một đòn” thì Tokyo đã “đáp trả” lại bằng hai đòn liên tiếp.
Tổng thống Hàn Quốc và Chủ tịch Trung Quốc
Trung Quốc bất ngờ “tung chiêu”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến nhiều người ngỡ ngàng, kinh ngạc khi chọn đến thăm Seoul trước thay vì là Bình Nhưỡng. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ kể từ khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Từ trước đến nay, trong quan hệ giữa Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng luôn là ưu tiên số một, là lựa chọn số một. Điều đó đồng nghĩa với việc, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh sẽ luôn phải chọn Bình Nhưỡng là điềm dừng chân đầu tiên nếu họ muốn đến thăm bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã phá bỏ truyền thống được duy trì bao lâu nay, đã phủ phàng quan lưng với đồng minh thân nhất để tìm đến kết chặt quan hệ với Hàn Quốc – nước được xem là địch thủ “không đội trời chung” của Triều Tiên.
Vì sao Bắc Kinh lại sẵn sàng vì mối quan hệ với Hàn Quốc mà phá bỏ “mọi thông lệ”, sẵn sàng làm phật lòng Triều Tiên - đồng minh thân thiết nhất cũng là nước có vai trò quan trọng với an ninh củaTrung Quốc. Lý do phát triển mối quan hệ thương mại, kinh tế đã được Bắc Kinh nhắc đến. Đúng là quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đang phát triển mạnh và hai bên đều quan trọng đối với nhau. Hàn Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong khi Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Thương mại song phương của hai nước đạt hơn 270 tỉ USD hồi năm ngoái. Tuy vậy, nhìn sâu hơn thì nguyên nhân chính trị, ngoại giao đằng sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Seoul mới là điều khiến người ta phải chú ý.
Không khó để có thể nhận ra ý định của Nhà lãnh đạo Trung Quốc khi chọn đến thăm Hàn Quốc trước cả đồng minh thân thiết nhất, đặc biệt là trong bối cảnh khi mà Nhật Bản vừa khiến Bắc Kinh “nhảy dựng” lên vì một động thái quân sự, trong đó cho phép quân đội Nhật có thể triển khai ở bên ngoài để bảo vệ đồng minh. Rõ ràng, Bắc Kinh rất coi trọng mối quan hệ với Hàn Quốc. Theo họ, mối quan hệ này không chỉ đem đến lợi ích về kinh tế cho Trung Quốc mà còn cả lợi ích về chiến lược, về chính trị, ngoại giao cho nước này.
Trung Quốc và Hàn Quốc vốn có chung nỗi ám ảnh về thời quân phiệt của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Chính vì thế, Bắc Kinh muốn dùng chính điều này để lôi kéo Hàn Quốc ra xa khỏi liên minh Mỹ-Nhật-Hàn. Trung Quốc cho rằng, việc chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe sửa đổi cách giải thích hiến pháp để tạo điền kiện cho quân đội Nhật Bản có vai trò quân sự mở rộng hơn là hành động nhằm đưa Nhật Bản quay trở lại thời “quân phiệt”. Trung Quốc muốn “nắm bắt” nỗi lo ngại của Hàn Quốc để tìm cách tạo dựng liên minh Trung-Hàn nhằm đối trọng lại với Nhật Bản ở trong khu vực. Tất nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thành công trong việc tìm được tiếng nói thống nhất với giới lãnh đạo Hàn Quốc về sự quan ngại của hai nước trước động thái mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản. Tuy nhiên, để Bắc Kinh có thể lôi kéo được Seou tách ra khỏi liên minh Mỹ-Nhật-Hàn là điều rất khó. Người Hàn Quốc vẫn tin rằng, Mỹ là đồng minh, là người bảo vệ lớn nhất cho đất nước họ. Và vì thế, họ sẽ không lựa chọn Trung Quốc và đánh đổi mối quan hệ với Mỹ, Nhật.
Nhật Bản đáp trả gấp đôi
Nói Nhật Bản đáp trả gấp đôi hành động của Trung Quốc ở Hàn Quốc là vì, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến Seoul thì Tokyo cũng có hai bước đi khiến Bắc Kinh không thể không cảm thấy khó chịu và bất an.
Thứ nhất, chính quyền của ông Abe đã nhanh chóng chìa tay ra với đồng minh Triều Tiên của Trung Quốc. Bằng cách tuyên bố nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, Tokyo đã khiến mối quan hệ giữa họ với Bình Nhưỡng trở nên dịu đi.
Triển vọng phát triển mối quan hệ Nhật Bản-Triều Tiên không phải là không có khi mà hai nước có khoảng cách địa lý rất gần nhau, có khả năng phát triển quan hệ thương mại và đặc biệt Triều Tiên có nguồn lực tự nhiên dồi dào có thể đáp ứng cho Nhật Bản.
Nếu Nhật Bản thiết lập được một mối quan hệ tốt với Triều Tiên thì đây là điều khiến Trung Quốc phải lo ngại. Bắc Kinh vốn luôn phải “chiều chuộng”, “ve vuốt” Triều Tiên bởi nước này được coi là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Bắc Kinh sợ nhất viễn cảnh mất Triều Tiên vào tay các đối thủ..
Thứ hai, ngoài chìa tay ra với Triều Tiên, Thủ tướng Abe tuần tới chuẩn bị có chuyến thăm đến Australia vào tuần tới. Chuyến thăm này có trọng tâm chính là củng cố quan hệ hợp tác về an ninh, quân sự giữa Nhật Bản và Australia .
Như vậy, chỉ khoảng 1 tuần sau khi thông qua quyết định nới lỏng vòng kiểm tỏa cho quân đội, Thủ tướng Abe sẽ đến Australia và tìm cách ký kết một thỏa thuận quốc phòng để đóng một hạm đội tàu ngầm tàng hình cho Australia.
Nỗ lực tăng cường mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Australia không chỉ phản ánh chính sách an ninh và quốc phòng ngày một tự tin, cứng rắn của Thủ tướng Abe mà còn thể hiện mong muốn của ông này trong việc tìm liên minh đối trọng với ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của nước láng giềng Trung Quốc.
Có vẻ, “cuộc đấu tranh” giành ảnh hưởng và vị thế ở khu vực Đông Á nói riêng và Châu Á nói chung giữa hai cường quốc hàng đầu Trung Quốc và Nhật Bản sẽ còn tiếp tục căng thẳng.
Chủ nhật, 06 Tháng bảy 2014, 11:35
Kiệt Linh
Việt Báo (Theo_VnMedia)
No comments:
Post a Comment