(Baodatviet) - Sau khi nới lỏng chính sách "cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự", Nhật Bản có hợp đồng đầu tiên xuất khẩu linh kiện tên lửa cho Mỹ.
Nhật sản xuất linh kiện cho tên lửa Mỹ
Hãng tin Nikkei của Nhật Bản đưa thông tin, tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries - nhà thầu quốc phòng hàng đầu Nhật, có kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ bộ cảm biến hiệu suất cao được sử dụng trong hệ thống tên lửa đất đối không PAC-2. Bộ cảm biến này sẽ là một bộ phận quan trọng trong thiết bị hồng ngoại gắn vào đầu tên lửa dùng để xác định và theo dõi mục tiêu đánh chặn.
Mỹ dự kiến sẽ sử dụng bộ cảm biến này lắp vào hệ thống PAC-2 để xuất khẩu qua Qatar. Chính phủ Nhật Bản đã kết luận việc xuất khẩu này không có nguy cơ làm gia tăng bất kỳ xung đột nào.
Hội đồng an ninh quốc gia Nhật Bản dự kiến nhóm họp trong tháng này để thông qua thỏa thuận nói trên. Đây sẽ là hợp đồng xuất khẩu vũ khí đầu tiên của Nhật dựa theo 3 nguyên tắc về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng được ban hành hồi tháng 4 qua.
Việc ban hành 3 nguyên tắc này cho phép ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản xuất khẩu vũ khí và tham gia vào dự án quốc tế về quốc phòng nếu đáp ứng một số tiêu chuẩn và điều kiện nhất định.
Hệ thống tên lửa PAC-2 của Nhật Bản |
Mitsubishi Heavy Industries đang sản xuất cảm biến PAC-2 cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản dựa trên giấy phép của nhà sản xuất thiết bị quốc phòng Raytheon của Mỹ.
Việc sử dụng linh kiện của Nhật Bản nhằm đáp ứng mục tiêu giảm quy mô tái sản xuất các bộ phận của PAC-2 của Công ty Raytheon để tập trung vào phiên bản tiếp theo của hệ thống này, gọi là PAC-3.
Trước đó, hồi đầu tháng 6/2014, Nhật Bản bắt đầu đàm phán với các nhà sản xuất trực thăng hàng đầu thế giới về một hợp đồng ước tính trị giá 2 tỉ USD để sản xuất máy bay vận tải cho quân đội của họ và xuất khẩu ra nước ngoài.
Một nguồn tin cho biết dự án có tên UH-X, sẽ thay thế khoảng 150 chiếc trực thăng trong phi đội già cỗi Huey chuyên vận chuyển binh lính của Nhật Bản. Hai tháng nay, chính phủ Nhật Bản đã gửi thông tin mời thầu và hy vọng đẩy nhanh giai đoạn tiếp theo sau khi các công ty đấu thầu đề xuất chi tiết cũng như giá cả.
Hãng tin Reuters ngày 11-6 cho biết các công ty đang tham gia dự án là Airbus, Bell và AugustaWestland. Trong khi Airbus đề xuất một thiết kế mới, Bell lại đưa ra mẫu máy bay dựa trên trực thăng tiện ích Bell 412 đang được quân đội nhiều nước sử dụng. Công ty AugustaWestland gợi ý mẫu trực thăng AW169 hai động cơ, 10 chỗ ngồi, dự kiến hợp tác với một nhà thầu quốc phòng Nhật Bản để lắp ráp máy bay rồi xuất khẩu sang các nước.
Trực thăng chuyển quân Huey của Nhật Bản |
Bằng cách tạo ra một thị trường bên ngoài cho dự án UH-X, các nhà chức trách Nhật Bản hy vọng chi phí cung cấp trực thăng cho Lực lượng Tự vệ (SDF) giảm đi đáng kể, đồng thời không bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quân sự.
Trong vòng 20 năm tính đến năm 2012, Nhật Bản là nước có chi tiêu quân sự đứng thứ 6 thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc đã nhảy từ thứ 7 lên thứ 2, chỉ sau Mỹ.
Sẽ có thêm "ông lớn" trong thị trường vũ khí
Sự hợp tác với Nhật Bản phần nào giúp Mỹ cải thiện nỗi lo về sự thiếu hụt các đối tác có khả năng sản xuất linh kiện công nghệ cao đạt "tiêu chuẩn Mỹ".
Tiêu biểu như trong vấn đề hợp tác với nước ngoài trong công nghệ không gian, hiện tại Mỹ đang phải sử dụng động cơ tên lửa RD-180 của Nga để phóng vệ tinh quân sự Atlas V của Mỹ.
Trong tình hình căng thẳng tại Ukraine và một số điểm nóng khác trên thế giới đã đẩy mối quan hệ Nga - Mỹ vào thế đối đầu, những sự hợp tác này của Mỹ đã mang lại những hệ lụy đáng nghi ngại mà bản thân
Lầu Năm Góc đã phải ra lệnh xem xét lại toàn bộ những sự hợp tác với Nga.
Phải nói rằng hiện tại, Nga và Mỹ vẫn là hai nền công nghệ quốc phòng hàng đầu thế giới, và sự hợp tác với nhau là điều hoàn toàn dễ hiểu trong thế giới của các công ty tư bản. Họ quan tâm nhiều đến lợi nhuận hơn là tác động chính trị. Tuy nhiên, sự căng thẳng giữa hai quốc gia hoàn toàn có thể dẫn đến những điểm không an toàn.
Atlas V của Mỹ được phóng vào quỹ đạo |
Trong khi đó, bản thân Nhật Bản là một quốc gia có nền khoa học công nghệ rất hiện đại, thậm chí còn vượt Mỹ ở một số lĩnh vực. Việc Nhật Bản mở rộng "quyền hạn" cho quân sự là một tín hiệu mà Mỹ vô cùng hoan nghênh.
Hay nói cách khác, Nhật Bản đã tạo cho Mỹ nhiều phương án lựa chọn, mang lại tính tối ưu cao nhất cho các hợp đồng hợp tác của mình.
Với khả năng công nghệ của mình, Nhật Bản hoàn toàn có thể tạo ra những loại vũ khí mà hiệu quả không kém gì các thương hiệu của Mỹ và Nga. Trong tương lai, Nhật Bản hứa hẹn sẽ trở thành một "ông lớn" trong ngành công nghệ quốc phòng nếu chính sách "cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự" tiếp tục được nới lỏng hoặc thậm chí là xóa bỏ.
Đỗ Phong (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment