Dưa, cà muối là món ăn truyền thống ngon miệng và rất đắt khách trong những ngày hè. Nhưng ít ai biết rằng, để có những hũ dưa cà muối chua giòn, vàng ươm bắt mắt, dưa cà phải trải qua nhiều lần “phẫu thuật” với đủ các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất…
Đầm mình trong hóa chất
Giai đoạn này là thời điểm chính vụ của các loại cà xanh, cà pháo, cà tím, cà bát... Trời nắng nóng, món “canh rau muống, cà dầm tương” lên ngôi, thế nên dưa, cà muối sẵn và cà tươi bán rất chạy.
Quan sát tại các sạp rau ở chợ, các loại cà căng tròn, bóng mỡ màng trông rất ngon và hấp dẫn. Có được điều này là do người dân trồng rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gồm: Thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc hóa học chống thối rễ…
Buổi chiều trên cánh đồng rau (Thanh Trì, Hà Nội) nhộn nhịp với các hoạt động phun thuốc, chăm bón, hái cà… Khi chúng tôi tiến đến gần bờ ruộng, mùi thuốc trừ sâu, thuốc hóa học sộc lên nồng nặc đến nôn nao.
Lân la hỏi chuyện về những loại thuốc pha vào bình phun chuyên dụng, anh T - đang pha thuốc cười khẩy, trả lời bâng quơ: “Đây là thuốc và phân dưỡng bình thường dùng cho quả, có gì đâu mà phải hỏi”(?). Tuy nhiên nhìn bình nước màu trắng lợ, bốc mùi khó chịu trong khi người đàn ông này bịt khẩu trang, đi ủng, đeo bao tay caosu kín mít thì khó mà tin được đó là thứ thuốc và phân bón bình thường.
Khi phóng viên hỏi thời điểm phun thuốc thích hợp nhất, anh T hào hứng phân tích: “Phun vào thời gian buổi chiều là thích hợp nhất vì buổi chiều nhiệt độ thấp, thuốc ngấm nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với buổi sáng và trưa”.
Trong vai người đi tìm thuốc để phun cho cà, phóng viên được một người trồng rau mách ra các đại lí bán phân bón, thuốc trừ sâu bảo họ đưa cho loại thuốc “siêu lớn quả, đều quả, mã đẹp hạn chế nứt và thối quả”, mua loại nước đựng trong lọ nhựa hiệu quả nhanh hơn loại bột đựng trong gói.
Tại cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu, chủ cửa hàng đưa cho chúng tôi loại thuốc trong lọ nhựa dạng nước với công dụng “siêu lớn quả, đều quả, mã đẹp hạn chế nứt và thối quả” giá 23.000đ/lọ; còn loại đựng trong gói, dạng bột có giá 12.000đ/gói.
Nhờ người quen, chúng tôi tìm đến một cơ sở chuyên làm dưa hành, cà muối bán quanh năm ở chợ Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội). Theo quan sát, dưa cà muối sẵn được để trong những chiếc thùng sơn bốc mùi chua thoang thoảng. Lân la câu chuyện, chủ cơ sở cho biết: “Trước đây vẫn làm hàng theo kinh nghiệm truyền thống, nhưng bây giờ mà làm thế chỉ có chết đói mà không có hàng để bán nữa ấy chứ. Để dưa cà nhanh chín, ăn giòn, chua ngon thì bỏ thêm ít phụ gia khi muối. Dùng chất phụ gia này vừa tiết kiệm mà hiệu quả, không phải mất công sức hì hục nén đá, muối mấy ngày đợi chín mới bán được".
Khi gặng hỏi về chất phụ gia, chủ cơ sở nói qua loa đó là axit chanh và mách ra các cửa hàng bán đồ khô hỏi, rồi lảng sang chuyện khác.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm mua phụ gia - axit chanh làm dưa cà muối tại các điểm bán đồ khô ở chợ. “Em mua nhiều không. Lấy cả cân là 40.000/kg còn mua lẻ giá 6.000/lạng?”, một chủ cửa hàng nói. Không cho xem hàng trước nhưng chủ cửa hàng nhiệt tình quảng cáo, hướng dẫn: “Nó ở dạng bột, màu trắng, tay dính phải thì thấy hơi nóng và rát, có mùi thối rất khó chịu, buồn nôn khi ngửi phải. Loại này rẻ nhưng hiệu quả và an toàn lắm(?!), tạo vị chua ngon cho hành, dưa, cà muối, mua 1kg dùng được mấy tháng. Nếu để quá lâu chưa bán hết cũng không lo mùi khú, nổi váng mốc như kiểu muối truyền thống, em cứ yên tâm. Khi làm, em rửa sạch nguyên liệu. Tiếp đó, tùy theo khối lượng hàng định làm thì cho lượng axít chanh vào hòa cùng nước sôi, rồi thêm gia vị khác muối như bình thường”.
Cà “phơi xác” trên vỉa hè. |
Tận dụng thùng sơn muối dưa cà
Đã có nhiều cảnh báo nguy hiểm tới sức khỏe khi sử dụng thùng sơn, thùng nhựa muối dưa cà, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm, hầu hết các tiểu thương vẫn dùng xô, chậu nhựa các loại, thùng sơn để đựng dưa cà muối. Nhiều tiểu thương khôn khéo dùng chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” để hàng bán ra chạy hơn bằng cách muối dưa cà trong thùng sơn sau đó triết sang các bình thủy tinh bày bán ngoài chợ.
Ghi nhận, tại các chợ lớn như Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng), chợ Khương Trung, Phùng Khoang (Thanh Xuân)…, hầu hết các điểm bán đều sử dụng thùng sơn để chứa dưa cà và được bày trí ngay giữa lối đi nhiều người qua lại, cạnh các kiot bán cá, tôm, cua…
Theo tìm hiểu, những chiếc thùng sơn sẽ được đánh rửa và tái sử dụng lại để muối và đựng dưa. Hết ngày này qua tháng khác, nhiều lần muối khiến mặt trong thùng cáu bẩn chuyển sang màu đen sậm. Mặt ngoài thùng lem nhem bởi bụi bẩn và đất cát…
Khi phóng viên hỏi liệu muối dưa cà trong thùng sơn và việc dùng bao cao su để bốc cà có độc hại đến sức khỏe không, một chủ cửa hàng bán cà ở chợ Thành Công (Ba Đình) thản nhiên đáp: “Thùng nhựa sạch sẽ thế này thì có gì mà độc hại, nhà này bán hàng ở chợ này vài năm rồi, đông khách chẳng bao giờ thấy ai kêu ca gì đâu”
VietBao.vn (Theo Lao động)
No comments:
Post a Comment