VOV.VN - Giáo sư Robert Ross tại Đại học Boston nhận định, quan hệ Mỹ - Trung đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa.
Những bãi cạn, rạn san hô, bãi đá… nằm rải rác ở Biển Đông nếu nhìn bằng mắt thường dường như không mấy quan trọng và dễ dàng bị bỏ qua, nhưng chúng đủ để châm ngòi cho những bất đồng, xung đột và có thể là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm đáng lo ngại nhất trong quan hệ Mỹ - Trung trong nhiều thập kỷ qua.
Quan hệ Mỹ - Trung đang ở giai đoạn tồi tệ nhất
Việc Trung Quốc không ngừng gia tăng chi tiêu quốc phòng và ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn trong các yêu sách chủ quyền, sẵn sàng gây hấn với các nước láng giềng để hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền đơn phương, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines chắc chắn sẽ khiến Washington phật ý.
Ngoại trưởng Mỹ đã lên đường đến Trung Quốc hôm 7/7 (Ảnh: Reuters)
Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động gây hấn ở Biển Đông cũng như ở Hoa Đông, Ngoại trưởng John Kerry hôm 7/7 đã lên đường sang Trung Quốc để tham dự một cuộc đối thoại song phương, nhằm tìm ra phương hướng cho mối quan hệ Trung - Mỹ đang tồn tại nhiều bất đồng căng thẳng.
Trong chuyến thăm này, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ tham dự đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên giữa hai nước ở Bắc Kinh. Khi Washington dường như đang bị phân tâm bởi những nỗi lo về vấn đề Iraq, Syria, Ukraine, một số nhà phân tích nói rằng, mối quan hệ Mỹ - Trung đang đứng trước thử thách khó khăn nhất kể từ năm 1972 tới nay.
Giáo sư khoa học chính trị Robert Ross tại Đại học Boston nhận định: “Quan hệ Mỹ - Trung đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa và Đông Á ngày nay đang kém ổn định hơn bất kỳ lúc nào kể từ sau Chiến tranh Lạnh”.
Trong khi Mỹ nỗ lực để thúc đẩy quan hệ với các quốc gia trong khu vực như Việt Nam và trấn an các đồng minh thân cận như Nhật Bản và Philippines bằng tuyên bố sẵn sàng can thiệp quân sự trong trường hợp đồng minh bị tấn công thì Bắc Kinh cáo buộc rằng, bằng động thái này, Washington đã khuyến khích các nước láng giềng của Trung Quốc quyết liệt hơn trong tranh chấp lãnh thổ với họ.
"Rõ ràng các tranh chấp là chuyện giữa hai bên, nhưng Mỹ lại nhúng tay vào. Điều này cho thấy họ không hề vô tư khi tham gia vào các vấn đề", Đô đốc Sun Jianguo, phó Trưởng ban tham mưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Trung Quốc lộ rõ ý đồ “hất cẳng” Mỹ khỏi khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Tại Washington, mối lo về một đối thủ đáng gờm đang ngày một gia tăng khi Trung Quốc dần lộ rõ ý đồ “hất cẳng” Mỹ ra khỏi châu Á – Thái Bình Dương bằng việc không ngừng phát triển sức mạnh hải quân và sẵn sàng gây hấn với các nước khác, kể cả đồng minh của Mỹ.
Trên thực tế, Mỹ đã dần mường tượng ra những bước đi quyết đoán của Trung Quốc kể từ khi nước này đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông bao gồm cả khu vực chồng lấn với Nhật Bản.
Tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam
Tiếp đó, tháng 3/2014, các tàu của Trung Quốc đã phong tỏa, ngăn chặn, không cho tàu Philippines tiếp tế lương thực, nước uống cho binh sĩ đóng tại bãi Cỏ Rong. Gần đây nhất, ngày 2/5/2014 Bắc Kinh tiếp tục có động thái gây căng thẳng ở Biển Đông khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 sâu trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đồng thời sử dụng một lực lượng lớn các tàu hộ tống trong đó có cả tàu quân sự để bảo vệ giàn khoan này.
Song song với đó, Trung Quốc cũng tiến hành cải tạo đất ở nhiều bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa nhằm biến chúng trở thành những đảo nhân tạo. Theo giới phân tích, động thái này của Trung Quốc là một trong những bước đi để tiến tới hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của nước này với gần trọn diện tích Biển Đông.
Trung Quốc lâu nay vẫn cho rằng, những tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông là dựa trên yếu tố lịch sử, đi kèm với tuyên bố là những hành động đơn phương bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng cũng như giới học giả có uy tín trên toàn thế giới mà tiêu biểu là việc cho xuất bản tấm bản đồ khổ dọc thể hiện đường 10 đoạn nuốt gần hết Biển Đông.
Theo nhận định của một số chuyên gia, giới lãnh đạo Trung Quốc đang muốn thổi phồng các mối đe dọa từ bên ngoài và coi đây là công cụ để đẩy nhanh các chương trình cải cách nội địa, trong đó có cải cách quân đội. Số khác thì cho rằng, đơn giản chỉ là việc Trung Quốc thể hiện sức mạnh, muốn xây dựng một trật tự mới tại châu Á đặt dưới sự lãnh đạo của Bắc Kinh mà ở đó Mỹ bị gạt ra rìa.
Tuy nhiên, đa phần đều nhất trí quan điểm cho rằng, Trung Quốc đã và đang tỏ rõ sự hiếu chiến vì giờ đây nước này có điều kiện để làm điều đó, với việc nắm trong tay hải quân hiện đại có thể tác chiến ngoài khơi xa, cùng với lực lượng hải cảnh, hải giám, ngư chính… chuyên nghiệp.
Dù là vì lý do nào đi nữa, điều dễ nhận thấy là trong tình huống này, Mỹ rơi vào thế bí giữa một lựa chọn là tuân thủ cam kết bảo vệ đồng minh, còn bên kia là lựa chọn duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, vài tháng gần đây, Washington dường như đã thiên về lựa chọn thứ nhất. Điều này được thể hiện qua việc Mỹ điều máy bay B-52 bay vào vùng ADIZ do Trung Quốc thiết lập; tuyên bố bảo vệ Nhật Bản nếu như xảy ra xung đột ở Senkaku /Điếu Ngư; ký Hiệp định quốc phòng mới với Philippines.
Trung Quốc sai lầm nếu coi thường vị trí của Mỹ
Trước những phản ứng từ phía Mỹ, Trung Quốc cũng chọn cách đáp trả ngang bằng. Tại Đối thoại Shangri-la vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ngầm ám chỉ Trung Quốc đang có các hành động “đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực” hòng khẳng định yêu sách chủ quyền lãnh thổ và cảnh báo rằng Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi “các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức”.
Sẽ là sai lầm nếu Bắc Kinh đánh giá thấp cam kết của Mỹ bảo vệ châu Á (Ảnh: Getty)
Đáp lại, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung đã gọi ý kiến trong bài phát biểu của ông Hagel là “quá mức”, “tràn ngập tư tưởng bá quyền, kích động và đe dọa”.
Christopher Johnson, một cựu chuyên gia phân tích của CIA hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, Trung Quốc đang thực sự dấn thân vào cuộc phiêu lưu khi họ cảm thấy dường như Mỹ đang không mấy quyết tâm can dự vào các vấn đề quốc tế sau những thất bại ở Afghanistan hay Iraq.
Trung Quốc có thể cảm thấy Mỹ giờ đây giống như “một con hổ giấy” khi không thể can thiệp quân sự để giải quyết vấn đề vũ khí hóa học ở Syria cũng như thất bại trong việc ngăn chặn Crimea trở thành một phần lãnh thổ của Nga. Ông Johnson – người thường xuyên có các cuộc tiếp xúc với các quan chức Trung Quốc nhận định: “Họ (giới chức Trung Quốc) tin rằng ông Obama về cơ bản là không đủ quyết đoán”.
Ông Johnson đưa ra cảnh báo, sẽ là sai lầm nếu Bắc Kinh đánh giá thấp cam kết của Mỹ bảo vệ châu Á. “Mỹ là một người khổng lồ đang ngủ, nếu bị kích động và thấy cần thiết, nước Mỹ sẽ huy động được sức mạnh”.
Giới phân tích cho rằng, sẽ có rất ít khả năng cuộc đối thoại giữa ông Kerry với các đối tác Trung Quốc đạt được kết quả tích cực nhưng đây là một trong những nỗ lực cần thiết để đảm bảo rằng, mối quan hệ giữa hai nước không trôi giạt về phía đối đầu.
Jia Qingguo, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nói: “Tôi không thấy trước được nhiều kết quả hữu hình đang nổi lên. Mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp. Vai trò của cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên giữa hai nước là ngăn không để mối quan hệ đi xuống thêm nữa”./.
Thứ 4, 12:51, 09/07/2014
Hùng Cường/VOV.VN
Theo Reuters, Washington Post
No comments:
Post a Comment