Wednesday, July 9, 2014

BỆNH VIỆN QUÁ TẢI..VÌ CÁ ĐỘ BÓNG ĐÁ



RFA- 9/7/2014 -Vào mùa bóng đá, số người bị đột quị vì thức khuya tăng nhanh, đặc biệt là giới trẻ, với liên tục nửa tháng trời thức đêm coi đá bóng, nhậu và ăn chơi sa đọa vào ban ngày đã khiến cho không ít thanh niên bị đột quị, phải vào bệnh viên cấp cứu. Số lượng bệnh nhân ở các bệnh viên tăng đột ngột, những bệnh nhân cao tuổi phải chịu chung cảnh chật chội, ngột ngạt ở các phòng bệnh.
Bệnh vì bóng đá
Một bệnh nhân tên Khái, đang điều trị bệnh ở bệnh viên đa khoa Đà Nẵng, chia sẻ:“Thì rối loạn về những chức năng thần kinh, đột quỵ, những bệnh lý về suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, mất ngủ.
Yếu tố đó quan trọng chứ, thức đêm, thức khuya, mất ngủ. Chà chà, chắc cú chứ làm sao tránh, tỷ lệ bị tình trạng này mình gặp cũng nhiều, như những thứ rối loạn chức năng… vì không ngủ được, lo lắng.”
Theo ông Khái, chỉ chưa đầy hai tuần kể từ ngày khai mạc mùa Wolrd Cup, bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đã tăng số lượng bệnh nhân đông lên gấp đôi hoặc hơn thế, chỉ riêng khoa hồi sức, cấp cứu hầu như lúc nào cũng đông nghẹt người, đặc biệt là số lượng bệnh nhân nam tăng đột ngột. Theo ông Khái, điều này cho thấy một phần không nhỏ họ là những fan hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt đến độ không còn quan tâm đến sức khỏe và bị đột quị trong lúc theo dõi những trận cầu lúc 3h, 4h sáng.
Và không dừng đam mê bóng đá, những bệnh nhân này khi nằm viện, chỉ cần hơi khỏe ra một chút lại tiếp tục trốn viện, ra trước cổng bệnh viện với nguyên ống kim, bông băng còn dính trên tay để theo dõi bóng đá, lại gọi điện thoại í ới đến những lò cá độ để bắt kèo. Kể xong, ông Khái lắc đầu nói rằng rất tiếc là bản thân ông cũng là một người ham mê bóng đá cuồng nhiệt, mặc dù đang nằm bệnh viện, không thể trực tiếp ra đường cùng ngồi xem bóng đá ở quán cà phê như những bệnh nhân khác nhưng ông vẫn theo dõi bằng radio và đeo headphone để khỏi ảnh hưởng đến người khác.
Đương nhiên là mỗi lần bóng sút vào hoặc sắp sút vào, cảm xúc của ông Khái cũng nhảy cóc theo cảm xúc của bình luận viên trong đài. Chính vì thế, có nhiều đêm ông hét toán lên vô, vô, vô khiến cho cả phòng bệnh giật mình thức dậy và phàn nàn. Ông buộc lòng phải giả vờ mớ ngủ và tiếp tục ngáy khò khò, ú ớ vô vô vô…
Cùng cảnh ngộ với ông Khái, ông Lũy, cũng là fan hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt đã nằm viện gần một tuần nay vì tai biến não, chia sẻ với chúng tôi rằng bóng đá đối với ông là một sự giải thoát, ông nói rằng ông rất thông cảm với hàng hàng lớp lớp thanh niên Việt Nam cũng như nhiều độ tuổi khác nhau của Việt Nam phải vùi đầu vào bóng đá và cá độ.
Giải thích thêm về ý nghĩa giải thoát trong bóng đá, ông Lũy nói rằng ông để ý thấy ở những nước tư bản có tự do, có dân chủ, người dân vẫn đam mê bóng đá nhưng không cuồng nhiệt và điên loạn như các fan hâm mộ bóng đá ở những nước độc tài hoặc từng trải qua nạn độc tài. Ví dụ như giữa Mỹ và Colombia, dân Mỹ vẫn thích bóng đá nhưng lại ít thích hơn so với dân Colombia, nơi mà chế độ độc tài và nhà nước Mafia trải qua rất dài.
Chính vì mất tự do, thiếu những hướng nhìn cho tâm hồn và tư tưởng, con người chỉ biết ký thác tâm tư, tình cảm của mình vào bóng đá, xem bóng đá như một loại tôn giáo mà ở đó, độ an toàn và khỏi phải lo ai đó soi mói là rất cao. Ngưởi ta có thể hò hét, chửi thề một ai đó và nguyền rủa một ai đó thông qua màn hình để xả mọi bực dọc trong lòng. Đặc biệt, vấn đề cá độ bóng đá giúp cho người ta hy vọng mình làm giàu được theo kiểu trúng số độc đắc để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa một phó thường dân với một quan chức ngồi mát ăn bát vàng.
Bệnh vì thua độ
Một bệnh nhân khác tên Chí trong bệnh viện Trung ương Huế, chia sẻ:“Chuyện cá độ thì nó đầy trời, cả thế giới, nói chung bình thường mà, có gì đâu. Con người có tham mới sinh ra hằng trăm thứ, lòng tham nó kinh khủng, có tham mới có phát sinh. Còn chuyện thức khuya bây giờ nhắm mắt cũng biết nó hại sức khỏe vì nó đi trái với quy luật sinh hoạt mà, nó gây ra ba cái vụ tim mạch, gan suy, giảm tuổi thọ… Đã thức khuya, rồi còn ăn nhậu. Nói chung là tất cả mọi thứ đó nó thuộc về sức khỏe, nó có hai góc độ, cá độ đá banh thì nó thuộc về lòng tham và kinh tế, trong cái vui chơi thì nó dừng ở mức tối thiểu thôi thì không chịu dừng, đi quá xa thì đương nhiên… Mức độ nó cộng trừ thôi chứ có gì đâu!”
Ông Chí nói thêm, theo chỗ ông tìm hiểu, trò chuyện và chia sẻ tâm tư, tình cảm với một số bệnh nhân bị đột quị vì bóng đá thì họ hoặc là có bệnh mãn tính, vì theo dõi liên tục các trận đấu nên đột quị, hoặc là bị thua độ, suy nghĩ quá nhiều dẫn đến căng thẳng và đột quị, phải nhập viện.
Ông Chí buồn bã nói rằng bản thân ông cũng đã bị thua độ trong mùa bóng đá này hết gần nửa tỉ đồng. Nhưng cho đến lúc thua 470 triệu, ông vẫn còn khỏe mạnh và tiếp tục xem bóng đá, sáng ra lại đến cơ quan làm việc. Với chức danh là chủ tịch một huyện ở miền núi, chuyện mất đi 470 triệu đối với ông rất đơn giản, không có gì phải lo ngại, hoặc là tiếp tục độ để gở vốn, hoặc là ngừng chơi, không đến nỗi nào phải đi nhập viện.
Nhưng sự việc trở nên trầm trọng khi ông phát hiện vợ ông cũng nợ cá độ gần một tỉ đồng và đứa con trai đang là sinh viên đại học năm thứ ba ở một trường dân lập đã bỏ trường, về nhà trốn chui trốn nhủi vì thua độ gần ba tỉ đồng nhưng không có tiền mặt để trả, bị giang hồ tìm kiếm khắp nơi để đòi nợ. Khi biết được tin này, ông bàng hoàng nhận ra là cả gia đình ông đã bị lún sâu vào nạn cá độ bóng đá và uy tín của một cán bộ nhà nước, đặc biệt là tư cách đảng viên của ông hầu như không còn gì. Mà một khi mất tư cách đảng, rất có thể ông sẽ bị phanh phui, thọc gậy nhiều thứ.
Vừa buồn lại vừa lo lắng, ông Chí suy sụp tinh thần và bị tai biến não, may mà cô nữ nhân viên vốn hay đi công tác cùng ông phát hiện, đưa ông đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên không dẫn đến những tổn thương nặng nề. Lúc nói chuyện với chúng tôi, ông Chí vẫn nói năng khó khăn nhưng cũng cố gắng hỏi thăm tình hình trận đấu đêm qua như thế nào, dân cá độ ăn ở kèo nào và dự đoán trận ngày mai sẽ diễn biến ra sao.
Có thể nói là bóng đá đã trở thành một thứ tôn giáo mà đa phần dân hâm mộ bóng đá Việt Nam đã đạt đến ngưỡng đam mê cuồng nhiệt, phó thác tâm hồn cho bóng đá và phát triển niềm đam mê này từ cấp độ tín đồ đến cấp độ bệnh nhân!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment