Monday, June 16, 2014

World Cup: Cười bóng lăn... khóc cá độ, tội phạm !



(Kienthuc.net.vn) - Trái bóng World Cup 2014 vừa lăn thì đã kéo theo những vấn nạn nhức nhối trong xã hội Việt Nam như: cá độ, tội phạm gia tăng…

World Cup 2014 đang diễn ra sôi động với sự cuồng nhiệt của người hâm mộ trên toàn thế giới và hàng triệu người Việt Nam yêu bóng đá. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, vui cùng trái bóng thì cũng buồn vì bóng lăn. Chuyên mục Café Đầu tuầncủa Kiến Thức bắt đầu bằng cuộc đối thoại với Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học.
 World Cup 2014 diễn ra sôi động nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy.
Cá độ, tội phạm gia tăng
- Trái bóng World Cup 2014 vừa lăn thì đã kéo theo những vấn nạn nhức nhối trong xã hội Việt Nam như: cá độ, tội phạm gia tăng… Chúng ta cần nhìn nhận hệ lụy này thế nào?
TS. Trịnh Hòa Bình: Đây là một thực trạng tồn tại khá lâu và khá nhức nhối. Cứ đến mùa World Cup là nạn cá độ lại nở rộ với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là cá độ bóng đá thông qua mạng internet đang giăng bẫy với nhiều phương thức, thủ đoạn. Nghiêm trọng nhất là đối tượng chính của những đường dây cá độ gồm nhiều lớp người, từ những người về hưu, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, nông dân và cả người lao động, thậm chí cả công nhân viên chức và quan chức. Đó là thực trạng đáng buồn bởi nó phụ thuộc vào sự xuống cấp của nền tảng đạo đức xã hội.
Trên thực tế, cá độ không dính vào túi tiền của ai cả nhưng nó lại gắn với những hành vi vi phạm pháp luật. Ví như cá độ là một hình thức đánh bạc đã được quy định rõ trong bộ luật hình sự và những bộ luật liên quan. Hơn nữa, cá độ dẫn tới nhiều hành vi phạm tội khác như trộm cắp, án mạng, dẫn tới nhiều gia đình tan cửa nát nhà, đứng trước nguy cơ tan vỡ hạnh phúc thì đó lại là những vấn đề của xã hội.
  
Hàng chục đối tượng bị bắt giữ vì tham gia cá độ World Cup 2014 tại TP HCM.
- Các cơ quan chức năng phải triển khai những biện pháp gì để triệt phá nạn cá độ?
TS Trịnh Hòa Bình: Rõ ràng ở đây các quan chức năng phải vào cuộc. Họ có mối quan hệ họ biết, nhưng có điều họ sẽ vào cuộc như thế nào để giải quyết những vấn nạn trên. Những đối tượng cá độ bóng đá thường có những chiêu trò rất tinh vi, cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng mới có thể hạn chế được. Điều quan trọng là phải giáo dục ý thức người dân trước tác hại của nạn cờ bạc, trong đó có cá độ bóng đá. Người dân cũng nên đề cao cảnh giác với những tội phạm phát sinh từ cá độ bóng đá như trộm cắp, cướp giật…
Đêm xem... ngày uể oải
- Đa số trận đấu bóng đá thường diễn ra ban đêm. Nếu công chức, viên chức mê xem bóng đá, tất yếu ban ngày dễ ngủ gật, hoặc mất thời gian bàn tán chuyện World Cup... Điều này ảnh hưởng tới công việc như thế nào?
ĐBQH Lê Như Tiến: World Cup là một lễ hội bóng đá lớn trên toàn thế giới, bởi môn thể thao vua luôn có sức lôi cuốn mãnh liệt, nhất là giải đấu thế giới 4 năm mới có một lần này. Thực trạng cán bộ công nhân viên chức thức suốt đêm để xem bóng đá, làm ảnh hưởng đến công việc của họ, cơ quan họ và người dân là một thực tế cần nhìn nhận. Chuyện cán bộ công nhân viên chức ngủ gà ngủ gật, đến cơ quan tìm chỗ ngủ là những hình ảnh không đẹp. Cán bộ công nhân viên chức làm việc chủ yếu để phục vụ người dân. Người dân tìm đến cơ quan công quyền thấy vắng bóng cán bộ, công nhân viên chức, hoặc khi làm việc thì thấy cán bộ công nhân viên chức ngủ gà ngủ gật sẽ thấy mất niềm tin vào đội ngủ này và làm giảm lòng tin của người dân vào chính quyền, Nhà nước…Thực trạng này cần phải chấn chỉnh cho phù hợp.
 ĐBQH Lê Như Tiến.
- Có nên tăng mức xử phạt với những cán bộ, công nhân viên chức vì bóng đá mà làm việc kém hiệu quả?
ĐBQH Lê Như Tiến: Chắc chắn phải có chế tài xử phạt, xử lý vi phạm hành chính nếu làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị. Nếu các cán bộ công nhân viên chức xem bóng đá làm ảnh hưởng tới thời gian lao động, tại cơ quan mà ngủ gật hay trốn đi làm việc riêng thì sẽ vi phạm kỷ luật, sẽ bị xử lý theo Luật Lao động và quy chế của từng cơ quan. Mỗi cơ quan cần khuyến cáo, xem xét có những lời khuyên để đảm bảo cán bộ xem bóng đá như thế nào cho hợp lý để vừa giữ gìn sức khỏe, vừa hoàn thành tốt những công việc được giao. Thực tế, để giảm thiếu thực trạng này thì phải là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bản thân người đứng đầu mà cũng xem bóng đá say sưa, hôm sau đến cơ quan đóng cửa phòng ngủ thì không thể chấp nhận được. Người đứng đầu cơ quan phải nghiêm túc, biết hi sinh những sở thích không cần thiết thì mới quản lý được nhân viên gương mẫu chấp hành theo.
TS Trịnh Hòa Bình: Có một thực tế là rất khó để xử phạt các cán bộ công nhân viên chức. Bởi công nhân viên chức có trốn việc chắc chắn cơ quan họ sẽ bảo vệ việc này. Nếu họ ngủ gà ngủ gật chắc chắn họ sẽ lấy lý do này khác, chứ không phải là lý do mệt do tối qua xem bóng đá.
- Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ ảnh hưởng đến công việc, sẽ có cán bộ công nhân viên chức, thậm chí quan chức tham gia cá độ bóng đá, nếu họ bị phát hiện thì sẽ bị xử lý như thế nào?
ĐBQH Lê Như Tiến: Nếu các cán bộ công nhân viên chức tham gia các đường dây cá độ bóng đá, hoặc cá độ bóng đá sẽ phạm tội đánh bạc quy định rõ tại Bộ luật hình sự. Bên cạnh đó, Luật công chức cũng quy định rõ nghiêm cấm các hành vi đánh bạc. Họ vi phạm thì sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật. Bởi cá độ bóng đá cũng là một hình thức của tội đánh bạc. Bên cạnh đó, xã hội cần phải lên án, tố giác hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật này.
Thỏa mãn sở thích... không quên nhiệm vụ
- Một câu hỏi cá nhân: Bản thân ĐBQH Lê Như Tiến và TS Trịnh Hòa Bình có hay xem bóng đá? Các ông có thể chia sẻ kinh nghiệm xem bóng đá mà vẫn khỏe, không ảnh hưởng đến công việc?
ĐBQH Lê Như Tiến: Tôi vẫn xem bóng đá. Trận nào hấp dẫn, lôi cuốn thì tôi xem. Hôm nào muốn xem bóng đá tôi bố trí thời gian ngủ sớm hơn để đảm bảo sức khỏe không làm ảnh hưởng đến công việc. Bởi mình không thể cùng một lúc mà có sức khỏe đáp ứng được công việc và sở thích xem bóng đá ban đêm được. Làm sao kết hợp hài hòa giữa việc thỏa mãn sở thích, say mê bóng đá với công việc, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe để bảo đảm làm việc tốt là cách tốt nhất.
 Chuyên gia xã hội học, TS Trịnh Hòa Bình.
TS Trịnh Hòa Bình: Tôi có xem bóng đá nhưng không ảnh hưởng đến công việc và tôi cũng không tham gia cá độ bóng đá. Điều quan trọng là xem bóng đá để thỏa sở thích chứ không thể bị cuốn vào đó mà xem thâu đêm, bị người ta thách thức mà cá độ. Xem bóng đá phải có sự lựa chọn. Không ai xem hết được tất cả các trận đấu với lịch thi đấu dày đặc như World Cup 2014. Tôi thường xem vào ngày nghỉ để không làm ảnh hưởng đến công việc.
Cảm ơn ĐBQH Lê Như TiếnTS Trịnh Hòa Bình về cuộc trao đổi này!
Hải Ninh

No comments:

Post a Comment