(Kênh 13) – Ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam bác bỏ những quan điểm sai trái và vu khống của Trung Quốc và cho rằng: “4 – 6 tàu chiến đi qua khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan mỗi ngày là điều không bình thường’.
Chiều 16.6, Bộ Ngoại giao tiếp tục tổ chức họp báo quốc tế để phản bác lại những quan điểm sai trái có tính chất vu khống của Trung Quốc tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang shiyou 981 và bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, đồng thời khẳng định lại chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tham dự họp báo có ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển; ông Hà Lê – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia; ông Nguyễn Quốc Thập – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.
Mở đầu, ông Lê Hải Bình thông báo về tình hình tác nghiệp của dàn khoan 981; hành động khống chế, tấn công, đánh đập ngư dân Việt Nam của phía Trung Quốc; hành vi xây dựng trái phép một số công trình tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và đặc biệt gần đây nhất là tài liệu vu khống do Trung Quốc công bố ngày 8, 9.6.
Sau lời giới thiệu của ông Lê Hải Bình về nội dung của cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải khẳng định lại một lần nữa những hành động vu khống của phía Trung Quốc.
“Sự thực thế nào, mọi người đã rõ và trong số các nhà báo có mặt tại đây, có rất nhiều người đã tận mắt chứng kiến các hành vi hung hăng của các tàu TQ. Các hành vi đó của TQ không những vi phạm luật pháp quốc tế về việc cấm sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực mà còn là hành vi vô nhân đạo đối với ngư dân VN” – ông Hải nói.
Tiếp đó, ông Hải bác bỏ lập luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ông Hải cho rằng, yêu sách đó không có cứ liệu lịch sử vì các tài liệu mà phía Trung Quốc đưa ra thiếu tính nhất quán và chứng tỏ Trung Quốc không thiết lập chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa tại thời điểm đó còn là những quần đảo vô chủ.
Ngược lại, phía Việt Nam đã công khai cung cấp các bằng chức xác thực cho thấy từ thế kỷ 17, nhà nước phong kiến Việt Nam đã tiến hành đo đạc, khai thác hải vật và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tàu nước ngoài đi qua khu vực hai quần đảo này. Các cứ liệu này được ghi lại trong các châu bản còn lưu giữ được cho đến ngày nay.
Ông Hải cũng nêu ra hoàng loạt các bằng chứng pháp lý có giá trị quốc tế chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo này. Ngay sau đó, đại diện các cơ quan nước ngoài và các phóng viên có mặt tại cuộc họp báo đã được xem clip các bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tiếp đó, ông Ngô Ngọc Thu cũng đã trình chiếu 1 clip quay lại tại hiện trường cho thấy tàu Trung Quốc chủ động đâm va tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và tàu cá của ngư dân Việt Nam. Ông Thu bác bỏ những cáo buộc của Trung Quốc tại cuộc họp báo gần đây tố cáo tàu Việt Nam đã đâm va tàu Trung Quốc 1547 lần, làm hỏng mũi tàu của Trung Quốc.
“Người ta chỉ có thể dùng mũi tàu đâm mạn tàu chứ không thể dùng mạn tàu đâm mũi tàu được” – ông Thu nói về những vu cáo hết sức buồn cười của phía Trung Quốc đưa ra.
Hình ảnh trong clip và thuyết minh của ông Ngô Ngọc Thu cho thấy, Trung Quốc đã điều hàng trăm tàu trong đó có 6 tàu chiến, tàu kiểm ngư, tàu hải giám, hải cảnh… ra khu vực hạ đặt trái phép gian khoan.
Về cái mà phía Trung Quốc cho là “bình thường”, ông Ngô Ngọc Thu khẳng định: “4 – 6 tàu chiến đi qua khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan mỗi ngày là điều không bình thường”.
Trả lời hỏi đáp của báo giới ngay sau kết thúc phần trình bày nội dung của cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải một lần nữa tái khẳng định những cáo buộc của Trung Quốc là vu khống. Việt Nam không hề sử dụng người nhái tại khu vực giàn khoan, không thả các vật nổi và lưới đánh cá tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.
“Việt Nam khẳng định không sử dụng bạo lực và không khiêu khích sử dụng bạo lực tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan”.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Thập – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cũng cung cấp thêm, Việt Nam đã tiến hành khai thác tại khu vực hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hơn 40 năm nay. Từ thời điểm đó, Việt Nam đã ký hơn 100 hợp đồng với các đối tác nước ngoài, hiện còn 61 hợp đồng đang khai khác. Các đối tác nước ngoài cũng không gặp khó khăn gì khi tiến hành các hoạt động khai thác thăm dò tại các khu vực trên, trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã phải từ chối hợp tác với chính quyền Trung Quốc khi phía Trung Quốc đề nghị hợp tác.
No comments:
Post a Comment