Monday, June 16, 2014

Việt Nam bác bỏ các bằng chứng xuyên tạc của Trung Quốc tại Hoàng Sa

SMO-Chiều 16/6, trong buổi họp báo lần thứ 5 kể từ khi dàn khoan HYSY 981 được đặt trái phép tại Hoàng Sa, Việt Nam đã phản bác lại một loạt các bằng chứng mà Trung Quốc cố tình xuyên tạc.

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Ảnh: Minh Quốc
Trước các tư liệu mà Trung Quốc công bố về chủ quyền của mình tại Hoàng Sa (mà nước này gọi là Tây Sa) ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho rằng đây là những tài liệu tùy tiện khi sử dụng các tư liệu không có nguồn gốc rõ ràng, không chứng tỏ được nhà nước phong kiến Trung Hoa đã thiết lập chủ quyền đối với Hoàng Sa khi còn là lãnh thổ vô chủ. Ông Hải đã cung cấp các bằng chứng cho thấy từ thế kỷ 19, Phó vương Quảng Đông đã từng bác bỏ chủ quyền tại Hoàng Sa. Về hành chính, các đảo này không thuộc bất kỳ châu nào của Hải Nam. Còn từ thế kỷ 17, các triều đình phong kiến Việt Nam đã tổ chức khai thác sản vật trên các quần đảo, tổ chức đo đạc hải trình và bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền của các quốc gia khác qua. Bên cạnh đó, ông Hải cũng cung cấp thêm các thông tin lịch sử trong thế kỷ 20 ví dụ như chính quyền Tưởng Giới Thạch đã tham gia quá trình thảo luận ra Tuyên bố Cairo và Potsdam mà không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị San Francisco, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam tham dự Hội nghị, đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải bất cứ sự phản đối nào.
 
Không chỉ có tư liệu lịch sử tùy tiện, Trung Quốc còn thể hiện sự xảo trá khi cung cấp các bằng chứng giả mạo tố cáo Việt Nam đâm húc, thả chưởng ngại vật tại Hoàng Sa. Thực tế cho thấy, tàu Hải cảnh, Hải giám của nước này tìm cách vượt lên trước, đi lùi về phía mũi tàu chấp pháp Việt Nam nhằm ăn vạ. Các vật thể như lưới, thùng phuy, mảnh gỗ mà nước này vớt lên làm bằng chứng chính là những đồ vật trên tàu ngư dân, tàu chính phủ Việt Nam bị rơi trong quá trình tàu Trung Quốc phun vòi rồng phá hoại, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển giải trình.
 
Khác với Trung Quốc tuyên bố không đưa tàu chiến thì các hình ảnh được công bố trong cuộc họp báo cho thấy nước này đã đưa tàu chiến (gồm 2 tàu Hộ vệ tên lửa 534, 572; hai tàu tên lửa tấn công nhanh 751, 756, hai tàu quét mìn 839, 840) thậm chí cả máy bay tiêm kích Su-27, ông Ngô Ngọc Thu cho biết. Clip cho thấy, tàu chiến Trung Quốc đã sử dụng các sóng có âm tần cao, gây chói tai, tổn hại sức khỏe đến các thuyền viên và lực lượng chấp pháp của Việt Nam.
 
Trả lời câu hỏi cuối cùng về diễn biến Trung Quốc đang tiến hành bê tông hóa tại đá Gạc Ma và một số bãi khác tại Trường Sa đã từng bị chiếm đoạt bằng vũ lực, ông Lê Hải Bình người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động xây dựng mở rộng trái phép tại quần đảo Trường Sa và các hành động đơn phương khác làm thay đổi diện mạo quần đảo Trường Sa và không tái diễn các hành động trong tương lai vì nó đe dọa hòa bình an ninh khu vực.
Cũng trong buổi họp báo, ông  đã trả lời khái quát về chuyến công du sắp tới của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội. Ông Bình cho biết, cuộc gặp giữa ông Dương và Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chắc chắn là một kênh để hai bên có thể thảo luận vấn đề tìm giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Biển Đông".
 

No comments:

Post a Comment