Monday, June 16, 2014

Căng thẳng ở Biển Đông chưa ảnh hưởng vận chuyển hàng hóa

 - 

Sơ đồ các tuyến vận tải hàng hải ở khu vực Đông Nam Á.
Sơ đồ các tuyến vận tải hàng hải ở khu vực Đông Nam Á.
Dù tình trạng căng thẳng giữa Trung Quốc và một số quốc gia đang leo thang ở khu vực Biển Đông, các nhà phân tích bình luận rằng tuyến đường vận chuyển thương mại trên biển vẫn đang hoạt động ổn định.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trái phép, gây nên sự căng thẳng giữa hai nước. Philippines cũng đã tìm sự trợ giúp quân sự từ Mỹ khi đối mặt với những gì họ cho là chiến thuật “bắt nạt” của Trung Quốc và ký kết một hiệp ước cho phép hàng ngàn quân Mỹ đóng ở các căn cứ của nước này.
Tình hình ở Biển Đông xấu đi đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về liệu nó có ảnh hưởng đến sự thông suốt của tuyến đường vận chuyển hàng hải qua đây – vốn là một trong những khu vực nhộn nhịp nhất thế giới với hơn một nửa số tàu chở dầu đi ngang qua.
“Một sự phong tỏa hay gián đoạn không hề mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc, cũng không mang lại lợi ích cho Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan. Tôi không lo lắng. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra”, Jayendu Krishna, một nhà phân tích tại công ty tư vấn Dịch vụ Hàng hải Drewry của Singapore, nói
Theo ông Krishna, Trung Quốc sẽ cẩn thận để đảm bảo mọi hoạt động của mình không dẫn đến một cuộc xung đột quân sự có thể sẽ phá vỡ tuyến đường hàng hải.
“Một phần lớn lưu lượng thương mại đi qua Biển Đông là của Trung Quốc, hay có nguồn gốc từ Trung Quốc. Họ cần tuyến đường hàng hải trên để phục vụ cho nền kinh tế của họ”, ông Krishna nói.
Trong khi đó, theo ông Shivaji Das, phó chủ tịch của công ty tư vấn toàn cầu Frost & Sullivan thì một cuộc chiến tranh sẽ dẫn tới sự gián đoạn tuyến đường thương mại trên biển của khu vực phía nam của Trung Quốc.
“Và tôi không thấy điều đó xảy ra. Tất cả các nước đều có vai trò giữ cho các tuyến đường thương mại trên được mở”, ông Das nói.
Cũng theo ông Das, các quy tắc về “tự do hàng hải” trên biển trong thời gian gần đây hiếm khi bị phá vỡ bởi các chính phủ.
“Khi nói đến thương mại, tất cả các nước đều có vùng đặc quyền kinh tế của họ, nhưng họ vẫn cho phép tàu buôn được tự do hàng hải. Và điều đó sẽ không bị ảnh hưởng trừ khi có một cuộc xung đột thực tế xảy ra trong khu vực”, ông Das nhận định.
Hải quân Malaysia phá vỡ một âm mưu cướp biển trên Biển Đông
Hải quân Malaysia vừa phá vỡ thành công một âm mưu của cướp biển nhằm tấn công vào một tàu chở dầu ngoài khơi phía đông của Biển Đông, theo Cục Hàng hải quốc tế (IMB).
Ông Noel Choong, người đứng đầu Trung tâm Theo dõi Hải tặc của IMB có trụ sở tại Kuala Lumpur cho hay lực lượng của Malaysia, với sự hỗ trợ của hải quân Indonesia và Singapore đã chặn đứng thành công một cuộc tấn công của cướp biển vào tối ngày 14.6.
  
Một tàu tuần tra của hải quân Malaysia đang hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: AFP
Toán cướp biển đã nhanh chóng đào tẩu khỏi tàu chở dầu của Singapore sau khi thấy tàu tuần tra của hải quân tiến gần đến.
“Hải quân Malaysia đã nhanh chóng đưa một tàu tuần tra đến và tiến hành bao vây tàu chờ dầu. Cướp biển đã trốn thoát trước khi các tàu hải quân xuất hiện”, báo cáo của IMB cho hay.
Các nhà chức trách cũng cho biết thêm rằng toàn bộ thủy thủ đoàn và hàng hóa trên tàu đều an toàn, nhưng không tiết lộ chi tiết về chiếc tàu chở dầu cũng như những tên cướp biển.
Thời gian gần đây, hải tặc đã thực hiện nhiều vụ tấn công ở vùng biển ngoài khơi Indonesia, Singapore và Malaysia.
Hồi ngày 12.6, LHQ đã lên tiếng cảnh báo Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng về tình trạng cướp biển, sau khi một chiến dịch quốc tế đã làm suy giảm số lượng các vụ cướp biển ở ngoài khơi Somalia.
Năm ngoái, khu vực Đông Nam Á đã xảy ra 150 vụ cướp biển, theo Viện LHQ về Đào tạo và nghiên cứu (UNITAR).
Hoài Anh (Theo AFP)

No comments:

Post a Comment