Thursday, June 5, 2014

Việt Nam công bố video vụ đâm tàu, Trung Quốc tố ngược lại

Ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần Hoàng Sa hôm 29/4/2014 được điều trị y tế trên đảo Lý Sơn.
Ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần Hoàng Sa hôm 29/4/2014 được điều trị y tế trên đảo Lý Sơn.

VOA Tiếng Việt-05.06.2014
Đài truyền hình Việt Nam (VTV) hôm 4/6 đã công bố một đoạn video được cho là do các ngư dân ghi lại, quay cảnh tàu của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng hôm 26/5.

Đoạn phim dài khoảng 3 phút, được ghi lại từ một tàu khác, cho thấy một chiếc tàu loại lớn không rõ số hiệu, bám theo hai tàu được cho là của ngư dân Việt Nam rồi tông vào một chiếc tàu cá, khiến nó xoay ngang rồi lật và chìm.

Sau đó, có thể nghe thấy tiếng hét ‘chìm rồi, chìm rồi’ của một số người đàn ông đứng gần máy quay.

Sự việc được cho là xảy ra gần giàn khoan dầu gây tranh cãi của Trung Quốc ở biển Đông.

VTV nói đó là ‘bằng chứng không thể chối cãi cho hành động vô nhân đạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam tại khu vực thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.

Sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền Bắc Kinh cho rằng tàu cá của Việt Nam đã tự ý đi vào vùng biển quanh giàn khoan dầu và đâm vào một tàu của Trung Quốc rồi bị lật.
 
Về ‘bằng chứng’ do Việt Nam đưa ra, hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố rằng chính các tàu của Việt Nam mới là bên ‘tấn công’.

“Tại các vùng biển đó, các tàu của Trung Quốc ở trong thế thủ còn các tàu của Việt Nam ở thế công. Các tàu của Trung Quốc chỉ cách đảo Trung Kiến của Trung Quốc (Việt Nam gọi là Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa) 17 hải lý trong khi các tàu của Việt Nam đã đã tới địa điểm đó sau một hải trình xa, gần 160 hải lý. Vậy bên nào khơi mào trước? Bên nào gây căng thẳng tại đó? Chuyện này quá rõ rồi”.

Ông Đặng Văn Nhân, thuyền trưởng tàu cá bị đâm, cho VOA Việt Ngữ biết rằng vụ va chạm đã khiến 10 ngư dân rớt xuống biển, khiến 2 thuyền viên bị thương nhẹ, nhưng hiện giờ sức khỏe đã hồi phục. Ông Nhân cũng phản bác cáo buộc từ Bắc Kinh:

“Trung Quốc rất ngang ngược. Chủ quyền biển của nước ta mà nó qua, nó tự đâm chứ tàu của chúng tôi đâu có dám đâm tàu đó. Tàu đó là tàu sắt không à. Tàu sắt nó đâm mình chứ mình tàu gỗ, nhỏ tí ti, đâu có đâm được. Tôi là ngư dân, tới đánh bắt hải sản ở khu vực vùng biển đảo của Việt Nam mà họ ngang ngược, họ tới họ đâm tàu, cố giết anh em ngư dân của chúng tôi trên biển mà”.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần Hoàng Sa.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần Hoàng Sa.
Truyền thông trong nước cho hay, sau khi tàu bị đắm được đưa về đất liền, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) có ý định ‘mua lại xác tàu để trưng bày tại Bảo tàng huyện, làm bằng chứng tố cáo Trung Quốc’, và chủ tàu bị nạn ‘đang làm thủ tục để khởi kiện Trung Quốc’.

Trong khi đó, hôm nay, Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế lần thứ tư kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực mà Hà Nội nói là thềm lục địa của mình hồi đầu tháng Năm.

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển, cho hay, tàu Trung Quốc đã làm hư hỏng 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển và khiến 12 kiểm ngư viên bị thương.

Ông Thu cho biết thêm rằng Trung Quốc ‘tạo ba vòng bảo vệ cho giàn khoan’ với các loại tàu và máy bay khác nhau.

Hà Nội cũng cho biết giàn khoan của Trung Quốc đã dịch chuyển vị trí nhưng vẫn nằm trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trong khi Bắc Kinh nói rằng giàn khoan nằm trong vùng biển của mình.

Trong khi đó, cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông vẫn làm nóng các diễn đàn quốc tế.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển, G7, hôm qua đã bày tỏ quan ngại về các diễn biến trên biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

Không đề cập cụ thể bất kỳ nước nào, nhóm này tuyên bố phản đối các hành động đơn phương nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền trên biển.

Liên quan tới việc Trung Quốc bác bỏ yêu cầu của tòa án quốc tế trong vụ kiện do Philippines khởi xướng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua nói rằng các nước nên ‘thông qua một hệ thống cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp’.

Còn hôm nay, Philippines một lần nữa cáo buộc Trung Quốc theo đuổi chính sách ‘mở rộng’, đồng thời cho hay, Manila có bằng chứng rằng các tàu của Trung Quốc đang ‘bao vây hai vỉa đá tranh chấp’ với nước này.

No comments:

Post a Comment