Thursday, June 5, 2014

Lễ tốt nghiệp vẫn là lễ thất nghiệp!?

  - 

Lễ tốt nghiệp vẫn là lễ thất nghiệp!?
Tháng 8.2013, Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh (giám đốc Viện quản lý VN) có bài viết “Lễ tốt nghiệp là lễ thất nghiệp” được nhiều độc giả chú ý. Trong những ngày này khi hàng triệu thí sinh đang chuẩn bị thi đại học thì thị trường lao động cũng đang nóng lên với tỷ lệ thất nghiệp cao đặc biệt...
Một Thế Giới có cuộc trao đổi với tác giả về đề tài này để cập nhật các thông tin và ý kiến.
Thưa ông Vũ Tuấn Anh, theo ông sau gần một năm câu chuyện về sinh viên ra trường có việc làm hay không có được cải tiến tốt hơn?
Ông Vũ Tuấn Anh: Giáo dục đại học là 4 năm vì vậy theo tôi các bạn sinh viên ra trường năm nay vẫn còn chịu tư duy của 4 năm trước đây vì vậy tôi nghĩ rằng về bản chất không thay đổi. Các câu chuyện như thầy nhiều hơn thợ, nói thẳng thắn thầy ở đây cũng là thầy “dzỏm”. Kế tiếp tỉ lệ phân bổ lệch giữa các ngành, tình trạng yếu kỹ năng mềm, tiếng Anh… sẽ vẫn là nhức nhối. 
Các bạn sinh viên ra trường sẽ vừa là nạn nhân đồng thời là thủ phạm của vấn đề này như tôi đã trao đổi trong các bài viết trước. Trong năm nay có những dấu hiệu khả quan như số hồ sơ thi đại học ít đi, xã hội đã hiểu hơn về thực chất tấm bằng đại học. Xu hướng cần thời gian và quan trọng nhất đó là thực tế khắc nghiệt để mọi gia đình cá nhân điều chỉnh.
Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính của tốt nghiệp là thất nghiệp?
Theo tôi sâu xa đó là gia đình và bản thân các em. Vì quá trình học đại học là quá trình sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu rất nhiều. Những năm trước xã hội còn vin vào lý do không đủ thông tin nhưng trong năm nay câu chuyện đó không còn thuyết phục nữa. Có rất nhiều cảnh báo về dư thừa trong ngành ngân hàng và kinh tế tuy nhiên cha mẹ và học sinh vẫn đổ xô vào. Không tự lượng sức mình và không tự lượng dự báo chuyên môn. Tâm lý tìm việc an nhàn, lương cao, thực dụng vẫn chiếm đa số. Hệ quả là các em học sinh đổ xô vào các ngành “hot” nhưng bản thân mình lại không đủ tốt cho ngành đó. Khó khăn chắc chắn sẽ tới những cá nhân và gia đình như vậy. Lý do thứ hai đó là các trường đại học có chất lượng và tâm đức của những người lãnh đạo đại học đó có những dấu hỏi nghi vấn. Tôi sẽ trình bày cụ thể trong phần sau.
Ông vừa nói trường đại học là nguyên nhân chính yếu thứ hai gây ra vấn đề thất nghiệp. Ông có thể nói rõ thêm về câu chuyện này?
Sản phẩm của đại học không phải là mảnh bằng treo trên cổ sinh viên. Sản phẩm đại học là con người có thể làm được việc cho xã hội. Nếu trường đại học không làm được điều đó coi như anh là nhà máy sản xuất ra các phế phẩm trong xã hội. 
Cách đây vài ngày tôi có đọc một trường đại học tại TP HCM tự quảng cáo rằng 95 % sinh viên có việc làm. Có thể nói đây là một con số không thực tế ngay cả trong thời kỳ hoàng kim nhất của nền kinh tế. Vấn đề đấy là gì, đó chính là thông tin công bằng và rõ ràng cho khách hàng. 
Một cửa hàng cơm hay dịch vụ giặt ủi sẽ nhanh chóng phá sản vì khách hàng biết rõ rằng cơm quá tệ, dịch vụ giặt ủi quá tồi. Đại học lại câu chuyện khác khi cha mẹ và bản thân các em học sinh không có đủ năng lực và trình độ để đánh giá chất lượng đại học. Để giải quyết bài toán này rất đơn giản hãy bắt các trường công bố khoảng 10-15 chỉ tiêu quan trọng nhất để cho cha mẹ và học sinh quyết định xem đó là tiệm “phở xịn” hay tiệm “phở dzỏm”. 
Một số chỉ tiêu quan trọng tổng số thầy cô trong khoa, tỷ lệ cơ hữu/ thỉnh giảng, tỷ số sinh viên (tất cả các hệ)/ giáo viên, số lượng bài báo, nghiên cứu khoa học các thầy cô, ngân quỹ đầu tư vào thư viện, phòng thí nghiệm, đào tạo cho các thầy cô.
Một loại chỉ tiêu quan trọng nhất đó chính là nguồn lực và công việc tập trung cho phát triển nghề nghiệp sinh viên, bao nhiêu % sinh viên có việc làm ngay, sau 6 tháng tốt nghiệp và sau 1 năm tốt nghiệp, tổng số tiền đầu tư cho phát triển nghề nghiệp sinh viên tại trường. Trên thực tế có sự thật đáng buồn là ngân quỹ quảng cáo tuyển sinh lên đến hàng tỷ đồng trong khi đó ngân quỹ đầu tư cho phát triển nghề nghiệp sinh viên chỉ là tỉ trọng rất nhỏ so sánh với ngân quỹ tuyển sinh.
Qua đó chúng ta có thể thấy sự thật rất thực dụng và trần trụi mang đầy màu sắc kinh doanh tại một số trường đại học - làm thế nào có càng nhiều sinh viên vì mọi lý do đăng ký học tại trường càng tốt, còn đi làm được hay không phó mặc cho thị trường. 
Quay trở lại trường đại học nói trên khi nói rằng 95 % sinh viên có việc làm nhưng không hề có những con số như tổng số tiền đầu tư cho phát triển nghề nghiệp, số lượng nhân lực và các hoạt động trong cả năm cho chương trình này. Con số 95 % sẽ mang đầy tính hoài nghi và không có luận chứng khoa học chứng minh. Bắt các trường đại học công khai các chỉ tiêu chất lượng quan trọng hàng năm là con đường êm ái và hiệu quả nhất giúp cho xã hội nhận thức các cấp độ chất lượng.
Một trường đại học kém chất lượng chắc chắn sẽ dần dần bị xã hội từ chối và bị đào thải tự nhiên khỏi hệ thống giáo dục!
Những câu chuyện vừa nói có tác dụng dài hạn, đối với các sinh viên vừa tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp, ông có những lời khuyên gì cho sinh viên?
Tôi nhấn mạnh lại nếu Học lờ vờ - Hiểu lờ mờ và Hành lờ dờ thì chắc chắn tương lai sẽ là Mờ mờ ảo ảo đối diện với thất nghiệp hiển nhiên. Tiếp thứ hai, các trường đại học có xu hướng quản lý không có tâm - học “dzỏm” và dạy giả chạy theo lợi nhuận các bạn sinh viên từ những trường này sẽ không bao giờ qua được chốt chặt phòng nhân sự tại doanh nghiệp vì đơn giản họ là người bỏ tiền mua sức lao động. Họ có quyền từ chối và thải loại các ứng viên không đạt yêu cầu. Ngay cả trong thời kỳ hoàng kim khi nền kinh tế tốt không phải cứ sinh viên ra trường là có việc.
Triết lý là các bạn sinh viên chạy nhanh hơn những bạn đồng lứa với mình để thoát khỏi “con cọp” thất nghiệp. Để làm được điều đó sinh viên cần chuẩn bị nâng cao năng lực, tiếng Anh, chuyên môn, thái độ và mối quan hệ. Các bạn làm chưa tốt những điều nói trên chắc chắn các bạn sẽ thất nghiệp.
Thứ hai các bạn cần nhìn rộng ra và chấp nhận thực tế khó khăn. Thay vì tìm việc tại TP.HCM và Hà Nội, các bạn có thể xuống các tỉnh hay đi xa. Các bạn là sinh viên cứ có công việc nào làm là tốt và hiệu quả. Trong 1-2 năm đầu, các bạn có thể thay đổi nhiều công việc tại nhiều vị trí.
Thứ ba nhân lực có độ trễ, các bạn muốn có được việc làm tốt các bạn sẽ phải mất 1- 1,5 năm đầu tư. Nếu 2014 thất nghiệp các bạn không tự nâng cấp thì 2015 hay 2016 thất nghiệp vẫn sẽ là tài sản của bạn.
Cái thứ tư đó là các bạn sinh viên cần định hướng và hoạch định nghề nghiệp lại. Mỗi cá nhân luôn luôn phải thực hiện hướng nghiệp trong cả cuộc đời. Cái thứ năm các bạn cũng xem lại bản thân mình có thật sự cao như mình nghĩ hay không. Nếu như trình độ các bạn chỉ làng nhàng thì không nên ảo tưởng hãy chấp nhận những công việc thấp hơn phù hợp với sức và khả năng của mình. Thứ sáu, Việt Nam sắp hội nhập thị trường lao động ASEAN, Việt Nam gia nhập TPP, các bạn sinh viên nên nghĩ và định hướng cho mình cao hơn rộng hơn
Được biết ông là người có nhiều chương trình hỗ trợ cho các bạn sinh viên sắp và đã tốt nghiệp, còn đối với các bạn sinh viên sắp chuẩn bị vào đại học năm nay?
Chúng tôi thực hiện các chương trình dựa trên quan điểm chuỗi giáo dục. Sinh viên ra 
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh trong buổi
giao lưu với sinh viên
trường là sản phẩm cuối cùng của 3 năm cấp 1-2-3 và đại học. Nếu sản phẩm kém chất lượng có nghĩa là toàn bộ chuỗi phải chịu trách nhiệm. Viện quản lý Việt Nam - VIM sẽ tập trung chủ yếu vào hướng nghiệp từ lớp 12 lên đại học, tư vấn hỗ trợ phương pháp học, nghiên cứu làm luận văn tốt nghiệp bậc đại học, các chương trình đào tạo phát triển kỹ năng mềm, các chương trình đào tạo phát triển bản thân và các chương trình giúp sinh viên năm cuối tiếp cận doanh nghiệp và ứng tuyển thành công. 
Tất cả đều thực hiện theo cách tiếp cận hoàn toàn miễn phí thông qua video, bài giảng, bài viết, tư vấn trực tuyến miễn phí. Các bạn học sinh lớp 12 và các trường có thể sử dụng các dịch vụ tư vấn hướng nghiệp đồng thời các em đang thi đại học có thể sử dụng các dịch vụ và tài liệu hướng dẫn học đại học hiệu quả.
Năm 2014 FBNC, đại học kinh tế tài chính TP.HCM và VIM có thực hiện bộ video talkshow Hướng dẫn học đại học hiệu quả cho sinh viên thi đỗ đại học năm nay. Đây là bộ video tôi tâm huyết thực hiện từ năm 2011 cho tới nay mới hoành thành.
Để chốt lại các quý phụ huynh và các bạn sinh viên hãy: Hướng nghiệp kỹ càng - Chọn trường phù hợp - Học đàng hoàng - Hiểu thấu đáo - Làm nghiêm túc chắc chắn các bạn sẽ có cơ hội thành công khi tốt nghiệp.
Phương Anh (Ảnh:TL)

No comments:

Post a Comment