Thursday, June 5, 2014

G7 lên án hành vi 'dùng vũ lực, đe dọa khẳng định chủ quyền'

  - 

G7 lên án hành vi 'dùng vũ lực, đe dọa khẳng định chủ quyền'
Hôm thứ Tư (4.6), các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu (gọi tắt là G7) đã nhóm họp tại Bỉ. Các bên đã thống nhất việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng ở châu Á sẽ là điều không thể chấp nhận.
Dễ dàng tìm được tiếng nói chung
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc bởi những căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông", các nhà lãnh đạo từ Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ cho biết trong thông cáo chung về chính sách ngoại giao được đưa ra ngay sau ngày đầu tiên của họ tại cuộc họp hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Brussels.
"Chúng tôi phản đối mọi nỗ lực đơn phương của bất cứ bên nào nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ và hàng hải thông qua việc đe dọa, ép buộc hoặc dùng vũ lực", các nhà lãnh đạo G7 cho biết .
Thông cáo không nói rõ bất cứ nước nào, nhưng đã được đề cập rõ ràng các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian gần đây. Trên thực tế, chính Trung Quốc đang gây sóng gió trong khu vực khi đơn phương đặt giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đâm chìm thuyền ngư dân Việt Nam.
Điều khôi hài nhất là báo chí Trung Quốc tỏ ra “phấn khởi” khi không bị chỉ đích danh là kẻ gây rối trong khi ai cũng thừa hiểu bản thông cáo của G7 đã lên án Trung Quốc một cách tế nhị. Trước đó, các nước Nhật, Úc và nhiều nước khác đều có chung quan điểm là lên án những hành vi đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và gây mất ổn định trong khu vực. Riêng Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã chỉ đích danh Trung Quốc là người có các hoạt động khiêu khích trên biển Đông.
Ông Abe đã nói gì?
"Tôi đã giải thích (với các lãnh đạo G7) sự gia tăng căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông", Abe nói với các phóng viên ngay sau ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh. 
Ông Abe nói rõ với các lãnh đạo của G7, rằng quan điểm của Nhật Bản là “bất kỳ nước nào cũng nên theo đuổi yêu sách lãnh thổ của mình phù hợp với luật pháp quốc tế và bất kỳ sự ép buộc hay đe dọa nào đều không thể chấp nhận được". “G7 ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Nhật Bản", ông Abe nói.
Về vấn đề Ukraine, các nhà lãnh đạo cho biết họ ủng hộ Tổng thống vừa đắc cử Petro Poroshenko trong những nỗ lực để "phục hồi luật pháp và trật tự".
 G7 kêu gọi Triều Tiên từ bỏ việc phát triển vũ khí tên lửa đạn đạo
G7 cũng kêu gọi Triều Tiên từ bỏ "tất cả các vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo", kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. G7 thúc giục Triều Tiên "thực hiện các bước ngay lập tức" để giải quyết vấn đề bắt cóc công dân của Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980, vấn đề đã ngăn cản Tokyo và Bình Nhưỡng bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Hôm nay (5.6), các nhà lãnh đạo G7 có kế hoạch thảo luận về nền kinh tế toàn cầu, an ninh năng lượng và các vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Abe dự kiến ​​sẽ nói với các đồng nhiệm G7 về việc Nhật sẽ xây dựng một chiến lược tăng trưởng vào cuối tháng này bằng việc giảm thuế doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư vào Nhật Bản, chấp nhận lao động nước ngoài nhiều hơn và nâng cao vị thế phụ nữ.
Anh Tú (theo Kyodo News)

No comments:

Post a Comment