Thursday, June 5, 2014

Trung Quốc biến bãi đá ngầm thành đảo nổi ở Trường Sa

 MANILA (NV) .- Trung Quốc đang có những dấu hiệu mở rộng một số bãi đá ngầm thành những căn cứ cỡ lớn ở quần đảo Trường Sa với các hoạt động xây dựng tấp nập.



Hình lớn: Tàu hút cát của Trung quốc đang hoạt động thổi cát dưới lòng biển lên bồi đáp bãi đá ngầm Gạc Ma thành đảo nhân tạo. Bốn hình nhỏ từ trên xuống dưới từ năm 2012 đến nay cho thấy sự thay đổi hoàn toàn. (Hình: Tạp chí an ninh quốc phòng Jane)

Lâu nay, người ta chỉ thấy Philippines báo động còn Việt Nam tuy tuyên bố chủ quyền toàn thể khu vực quần đảo Trường Sa lại vẫn nín lặng.

Hôm Thứ Năm 5 tháng 6, 2014, tại Hội Nghị Âu-Á (ASEM) tổ chức ở Manila, tổng thống Philippines Benigno Aquino báo động rằng qua các hình ảnh và tài liệu mà ông nhận được, Trung Quốc đang có những hoạt động đáng ngờ vực ở một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa.

Hồi Tháng Tư vừa qua, Philippines đã chính thức phản đối Bắc Kinh đưa những dụng cụ cỡ lớn thổi cát từ dưới lòng biển để biến bãi đá ngầm Johnson South Reef (Việt Nam gọi là đá Gạc Ma, Trung Quốc gọi là Chi Gua Jiao hay Xích Qua Tiêu) thành một căn cứ rộng lớn khoảng 30 hecta. Một số nguồn tin cho rằng Bắc Kinh còn tính xây dựng cả phi trường tại đây.

Nay, các không ảnh mà ông nhìn thấy có các tàu hút cát cỡ lớn có khả năng biến các bãi đá ngầm Cuarteron Reef (Việt Nam gọi là đá Châu Viên, Trung Quốc gọi là Huayang Jiao hay Hoa Dương Tiêu) và Gaven Reefs (Việt Nam gọi là đá Ga Ven và đá Lạc, Trung Quốc gọi là Nanxun Jiao hay Nam Huân Tiêu và Xinan Jiao hay Tây Nam Tiêu) thành các đảo nổi với diện tích lớn.

Tại các bãi đá ngầm này, sau khi cướp được từ Việt Nam và Philippines hồi hơn 20 năm trở về trước, Trung Quốc đã xây dựng mỗi nơi một pháo đài nhỏ trên bãi đá ngầm, có đầy đủ súng phòng không, đại bác chống tàu biển, radar, hệ thống truyền tin viễn thông vệ tinh.

“Chúng tôi lại thấy phiền nhiễu vì có vẻ như đang có các khai phá ở khu vực tranh chấp.” Ông Aquino nói trong cuộc họp báo tại hội nghị nói trên.

Tuy tổng thống Phi Aquino không nói rõ ràng về các hoạt động hút cát biến bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo của Trung Quốc ở các khu vực Trường Sa đang tranh chấp của nhiều nước, nhưng hai sĩ quan quân đội của Philipines xác nhận với hãng thông tấn AP rằng các máy bay tuần tra đã theo dõi các hoạt động của Trung quốc ở các bãi đá ngầm Gaven reefs và Cuarteron reef lâu nay.

Tại Gạc Ma, không ảnh của không quân Philippines chụp được cho thấy có những sự thay đổi rõ rệt của nơi này từ ngày 13/3/2012 đến ngày 11/3/2014. Cho tới ngày 20/2/2013, vẫn chỉ có một pháo đài nhỏ, nổi lên giữa một bãi đá ngầm và biển mênh mông. Nhưng không ảnh chụp ngày 25/2/2014 thì hoàn toàn khác hẳn. Một đảo cát rộng lớn nổi trên biển xuất hiện với máy hút và thổi cát từ dưới lòng biển liên tục hoạt động. Cái pháo đài đã xây dựng từ mấy năm trước chỉ còn là một miếng nhỏ trong đó.

Tháng Ba vừa qua, người ta thấy nhà cầm quyền Việt Nam cho tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã chết khi bị tàu Trung Quốc xả súng bắn ngày 14/3/1988 tại đá Gạc Ma. Lại còn có cả những lời kêu gọi giúp đỡ cho thân nhân gia đình các tử sĩ này.

Trong khi Philippines phản đối Bắc Kinh vi phạm Tuyên bố nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông mà họ đã ký với ASEAN năm 2002, người ta chỉ thấy báo chí chính thống của nhà cầm quyền tại Việt Nam đưa tin tường thuật theo báo Philippines. Bộ Ngoại giao Việt Nam không hề lên tiếng việc làm phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển đảo mà mình vẫn luôn luôn tuyên bố chủ quyền.

Ngay tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN gần đây ở Miến Điện, tổng thống Philippines Benigno Aquino vẫn đem vụ Gạc Ma ra đả kích Bắc Kinh và không hề thấy Việt Nam nói gì.

Từ 7 bãi đá ngầm và mỗi nơi chỉ có một căn cứ quân sự nhỏ, với những gì đang diễn ra tại 3 nơi, các bãi đá ngầm đang trở thành những đảo nổi nhân tạo và các căn cứ lớn nằm trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Phi, đe dọa an ninh của nước này. Bộ Ngoại Giao Philippines nói rằng hành động của Bắc Kinh dẫn đến nguy cơ mất ổn định ở khu vực. (TN)

06-05-2014 6:01:55 PM

No comments:

Post a Comment