Friday, June 27, 2014

Việt Nam ‘cân nhắc kỹ lưỡng’ thời điểm kiện Trung Quốc

HÀ NỘI (NV) - Ðó là tuyên bố của phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao CSVN liên quan đến thắc mắc về việc sử dụng biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Ðông.

Trong một cuộc họp báo quốc tế, ông Lê Hải Bình, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam, cho biết, Việt Nam xem việc sử dụng biện pháp pháp lý là phương thức bảo vệ chủ quyền “văn minh được luật pháp quốc tế và thế giới ủng hộ.” Tuy nhiên Việt Nam đang “cân nhắc kỹ lưỡng” về việc sử dụng biện pháp này.

Ảnh chụp mũi tàu KN 951 sau khi bị các tàu của Trung Quốc vây và đâm vào hai bên hông. Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc bảo rằng, “trách nhiệm không thuộc về Trung Quốc.” (Hình: Tuổi Trẻ)

Khác với trước, gần đây, Việt Nam liên tục lên tiếng tố cáo Trung Quốc “ngang ngược” trước cộng đồng quốc tế. Ðối với việc Trung Quốc mới đưa giàn khoan Nam Hải 09 đến cửa vịnh Bắc bộ, Phát ngôn viên Việt Nam, cho rằng, đó cũng là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế vì giàn khoan Nam Hải 09 hoạt động ở “vùng chồng lấn,” chưa được phân định và về nguyên tắc, các bên không được có hành động đơn phương như thăm dò khai thác dầu khí ở đó.

Cùng với Philippines, Việt Nam cũng đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về việc phát hành bản đồ mới vì đó là hành vi vi phạm vi phạm luật pháp quốc tế, khiến tình hình khu vực thêm bất ổn.

Trước kia, các bản đồ giới thiệu về chủ quyền của Trung Quốc được in ngang, trong đó, vùng biển và các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền được thu nhỏ, đặt trong một ô riêng ở góc dưới bản đồ. Yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên biển Ðông được xác định bằng một đường với chín đoạn, bị mỉa mai là “đường lưỡi bò.”

Gần đây, nhà xuất bản Hồ Nam ở Trung Quốc phát hành một bản đồ mới, không còn in ngang mà in dọc. Yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc không những được phóng lớn mà còn được xác định bằng một đường với mười đoạn, bao phủ toàn bộ biển Ðông. Việt Nam còn lên án Trung Quốc gia tăng khiêu khích, khiến tình hình tại khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa “căng thẳng và phức tạp hơn.”

Trong vài ngày gần đây, các tàu của Trung Quốc tiếp tục vây, ép, đâm vào các tàu của Việt Nam ở khu vực tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Trong các tàu của Việt Nam bị vây, ép, đâm ngang hông, có cả tàu mang số hiệu CSB 8003 - tàu lớn nhất của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang hiện diện tại khu vực tranh chấp chủ quyền.

Theo tường thuật của báo giới Việt Nam, các tàu của Việt Nam phải liên tục di chuyển, tránh bị vây, bị đâm hư tàu. Ngoài ra, việc vây, ép, đâm vào các tàu của Việt Nam ở khu vực tranh chấp nay được các tàu của Trung Quốc thực hiện vào cả ban đêm. Chưa kể các tàu của Việt Nam còn bị tấn công bằng vòi rồng, bị quấy nhiễu bằng loa phát âm thanh cao tần, đèn pha loại cực mạnh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động cản trở tàu công vụ của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bồi thường cho việc làm hư hại các tàu của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam.

Ðáp lại, ông Dương Vũ Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, cảnh cáo rằng “Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và hiệp thương trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế. Nếu quốc gia nào đó một mực làm liều, tiếp tục đối đầu, sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả do việc này gây nên.”

Ông này phủ nhận các hành động đơn phương của Trung Quốc gây bất ổn trong khu vực và cho rằng, “trách nhiệm không thuộc về Trung Quốc” mà do một số quốc gia cá biệt tạo ra. (G.Ð)
06-27-2014 3:09:44 PM 

No comments:

Post a Comment