Loạt bài chiếc hộp vàng hé lộ những kho báu: |
Kỳ 4: Đánh cắp kho báu trong lăng mộ
Trại Lốc là địa danh cổ thuộc vùng Yên Sinh xưa, nay thuộc xã An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Nơi đây có nhiều công trình hoành tráng, nguy nga thời Trần. Trại Lốc chính là cửa ngõ từ đồng bằng vào rừng và cũng là điểm đầu tiên của hành trình cuốc bộ lên Tây Yên Tử, nơi vua Trần Thái Tông lập am, xây chùa, tu thiền cho đến khi hóa.
Ngay từ đầu thôn Trại Lốc, có tấm bia chỉ đường vào đền Thái, một công trình kiến trúc kỳ vĩ thời Trần, được nhắc đến rất nhiều trong sử sách. Thế nhưng, Đền Thái bây giờ chỉ còn là một gian nhà cấp bốn nhỏ xíu, xây hình chữ Đinh nằm giữa quả đồi, lẩn khuất sau những tán vải um tùm.
Ông Trần Minh Tòng, người trông nom, hương khói đền và ông Nguyễn Hữu Tâm đang ngồi uống nước trước sân đền. Theo ông Tòng, đền Thái hiện tại do nhân dân dựng lại cách nay hơn chục năm để thờ 3 vị vua là Trần Hiến Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông.
Chiếc hộp vàng ròng tìm thấy ở Trại Lốc, nơi có quần thể lăng mộ vua Trần |
Lăng mộ 3 vị vua Trần nằm ngay sau đền Thái. Ông Nguyễn Hữu Tâm dẫn tôi đi tìm lăng mộ của vua Trần Minh Tông. Đứng trên con đập hùng vĩ, ông Tâm chỉ tay xuống phía chân đập và bảo: “Ngay dưới chân đập, chỗ bãi bằng kia là lăng mộ vua Trần Minh Tông đấy! Chỉ vài người lớn tuổi chúng tôi còn biết đến lăng mộ của ông Minh Tông thôi. Giờ lăng mộ biến mất rồi, không có sự chỉ dẫn của chúng tôi, các nhà khảo cổ cũng khó mà xác định được vị trí”.
Tôi và ông Tâm tụt xuống chân đập và định vị lăng mộ khổng lồ của một vị vua Trần nổi tiếng thế kỷ 14. Tôi loanh quanh trên khoảng đất rộng mênh mông lọt giữa khe đồi, song tuyệt nhiên không tìm thấy dấu tích gì, dù là một mẩu gạch, một viên đá.
Đang lang thang ở trên khu vực vốn là lăng mộ vua Minh Tông, ông Tâm chợt dừng lại bên một hố đất vừa bị múc lên một cách bí ẩn. Ông Tâm bảo, không ai được phép đào bới ở chân đập, nên những vết đào bới này rất khả nghi.
Vết tích đào bới ở lăng mộ vua Trần Minh Tông |
Theo lời ông, thi thoảng vẫn có người lạ mặt tìm đến khu vực đo đạc, tìm kiếm, đào bới. Có thể, những người này đang săn tìm thứ gì đó ở khu vực từng có lăng mộ vua. Nhiều khả năng họ vẫn tiếp tục đi tìm kho báu.
Theo lời ông Tâm, khu vực này từng có tên là Khe Gạch. Địa danh Khe Gạch vốn là một khu dân cư thuộc thôn Trại Lốc. Năm 1970, gia đình ông Tâm đến định cư ở ngay chân đồi Khe Gạch, cách lăng mộ vua Trần Minh Tông khoảng 150m. Lăng mộ khi đó nằm dựa vào chân đồi, ngay cạnh con suối. Địa thế nơi đặt lăng mộ rất đẹp. Phía trong hồ Trại Lốc bây giờ, cách lăng mộ chỉ vài trăm mét, là xóm của người Hoa bí ẩn.
Ngày đó, ông Tâm là chi hội trưởng người cao tuổi của thôn, được nhân dân giao trông nom, hương khói khu lăng mộ này. Khi đó, lăng mộ đã đổ nát, nhưng di vật vẫn còn rất nhiều, nằm la liệt trên mặt đất. Cả một khu vực rộng mênh mông có vô vàn bia đá, tượng, bụt, gạch ngói, bệ đá.
Đặc biệt, lăng mộ vẫn còn nguyên 8 cửa lên xuống, với mỗi cửa là 2 con “sấu đá” (cách gọi của địa phương, gần giống như rồng đá), tổng cộng là 18 con. Theo ông Tâm, lăng mộ vua Trần Minh Tông ở chân đồi Khe Gạch là lăng mộ lớn nhất, đẹp nhất và còn nguyên vẹn nhất khi đó.
Cổ vật ở lăng mộ vua Trần Anh Tông bị đập phá để tìm kho báu |
Lời các cụ kể lại rằng, xưa kia, chẳng ai biết đó là lăng mộ, nhưng mưa nắng mài mòn mấy trăm năm, rồi các cuộc đào bới ăn cắp kho báu của những kẻ bí ẩn đã khiến những phiến đá lớn lộ ra. Cả những súc gỗ lớn, là cũi của mộ cũng bị những kẻ săn lùng cổ vật, truy tìm kho báu bới lộ ra ngoài, hất tung lên mặt đất và mục nát hết cả.
Ông Tâm cũng như những người lớn tuổi ở thôn Trại Lốc kể rằng, mặc dù các cụ kể lại nhiều cuộc đột nhập lăng mộ, đào bới hầm hào vào lăng mộ ăn cắp kho báu, nhưng có lẽ, kho báu, cổ vật cất giữ trong lăng mộ vua Trần Minh Tông vẫn chưa bị lấy hết. Cuộc phá mộ lấy đất đá đắp đập cũng chưa làm phát lộ những báu vật cất giấu dưới mộ vua.
Lăng vua Trần Nghệ Tông đã bị bọn trộm cổ vật phá hủy hoàn toàn. Đây là một phần lăng mộ mới được xây dựng lại |
Ông Tâm khẳng định điều đó là bởi khi con đập còn đang xây dựng dang dở, thì vào đúng đêm 29, 30 và mùng 1 Tết năm 1979, khi dân làng còn đang bận mải với việc đón Tết, thì tại Trại Lốc xuất hiện một nhóm người Trung Quốc lạ mặt.
Nhóm người này không nói được tiếng Việt, ăn mặc rất lạ lùng, có một người trông giống thầy pháp. Họ mang theo bản đồ, gia phả, với cả la bàn. Có mấy người còn vác cả dao kiếm, thuổng, súng kíp, dắt theo mấy con chó rất hung dữ.
Khi đó, chính quyền thôn, xã, gồm cả dân quân đã gặp nhóm người này, nhưng họ bảo đi tìm lại một số di vật thất lạc ở Trại Lốc, nơi mà ông bà, cha mẹ họ mới rời đi.
Trại Lốc vốn là địa danh người Hoa sinh sống, mọi người nghĩ họ tìm lại đồ vật của mình nên đã không để tâm đến nhóm người này. Hồi đó, ông Tâm ở ngay Khe Gạch, nên thi thoảng vẫn để ý nhóm người này lần mò, đào bới.
Rùa đã tại lăng Trần Nghệ Tông bị đập vỡ tìm của |
Sau mấy ngày Tết dò la, vạ vật ở khu vực quanh lăng mộ vua Trần Minh Tông, Trần Anh Tông, Trần Hiến Tông, thì đột nhiên nhóm người lạ mặt này… biết mất. Người dân trong vùng đi kiểm tra khu vực, thì phát hiện rất nhiều điểm bị đào bới quanh lăng mộ vua Minh Tông, Anh Tông và Hiến Tông. Ở mỗi lăng mộ, đều phát hiện hố đào sâu vào lòng đất với dấu tích đáy chum rõ rệt. Ông Tâm khẳng định rằng, nhóm người này đã lấy đi rất nhiều kho báu!
Theo ông Tâm, khu vực Khe Gạch là nơi có rất nhiều cổ vật. Ngay cả bây giờ, chỉ cần bới lớp đất lên, sẽ thấy gạch ngói, cổ vật bằng đá rất nhiều dưới lòng đất. Sở dĩ khu vực này gọi là Khe Gạch, vì dưới lòng đất toàn là gạch ngói, đồ gốm.
Theo đó, ngoài lăng mộ vua Trần Minh Tông, Thái Miếu, khả năng khu vực này còn có một công trình rất lớn mà chưa được biết đến. Lẫn trong những công trình bí ẩn trong lòng đất, ai biết được có những kho báu mà chỉ những người Trung Quốc bí ẩn kia mới biết biết được.
Người dân Trại Lốc đồn rằng, dưới lăng mộ Trần Nghệ Tông có đường hầm dẫn đến chỗ rùa đá khổng lồ |
Để khẳng định việc người Trung Quốc sang tìm kho báu ở lăng mộ vua Trần là sự thật, ông Tâm đã dẫn tôi vòng về lăng mộ vua Trần Hiến Tông. Lăng mộ xưa kia vốn rộng mênh mông, phải tính bằng héc-ta. Tuy nhiên, toàn bộ lăng mộ cũng đã bị mộ tặc săn tìm kho báu đào bới tan tành, phá nát hết cả.
Lăng mộ vua Hiến Tông được một doanh nghiệp ở Quảng Ninh dựng lại ở khu trung tâm, nhưng không thể sánh với nguyên trạng thời Trần. Giờ đây, khu lăng mộ đã bị chia năm xẻ bảy, mỗi gia đình một mảnh để xây nhà, làm vườn.
Ở khu vườn của một hộ dân, cách trung tâm lăng mộ khoảng 100 mét là một con rùa đá khổng lồ. Rùa đá cõng bia này vốn nằm trong quần thể lăng mộ, nhưng vì lăng mộ bị dân lấn chiếm, chia năm xẻ bảy, nên giờ rùa đá nằm ở vườn nhà dân. Con rùa đá vẫn nằm chềnh ềnh trên mặt đất.
Ông Tâm chỉ tay vào rùa đá khổng lồ, nặng vài tấn và nhớ lại: “Sau khi nhóm người Trung Quốc rút đi, dân làng chúng tôi đã phát hiện một đường hầm do họ đào xuyên xuống bụng con rùa đá này. Các cụ kể rằng, dưới hầm mộ vua Hiến Tông có nhiều đường hầm, trong đó có một hầm nối từ lăng mộ ra tận chỗ con rùa này, nhưng không ai đào bới nên không biết. Chỉ khi nhóm người Trung Quốc rút đi, chúng tôi mới tá hỏa rằng họ đã lấy đi sạch sẽ báu vật.
Không biết họ lấy được gì, nhưng hố đào dẫn xuống bụng con rùa này có nguyên vết đáy chum. Điều đó có nghĩa, họ đã đào được một cái chum, còn cái chum đó chứa vàng bạc, cổ vật, hay thứ gì thì chúng tôi không rõ.
Theo ông Tâm, nhóm người bí ẩn đã lấy kho báu dưới bụng rùa đá khổng lồ |
Có lẽ, người xưa chôn của quý dưới bụng con rùa này, bởi vì không ai có thể nhấc được con rùa này lên để lấy cắp. Ở khắp núi Tây Yên Tử này, công trình tháp đá, chân tảng, rùa đá đều có vết hang đào xuống đáy. Có lẽ, chỉ người Trung Quốc, hoặc đám mộ tặc chuyên nghiệp mới biết chỗ cất giấu của quý của người xưa”.
Kể chuyện về con rùa đá khổng lồ xong, ông Tâm dẫn tôi vào góc vườn trước lăng mộ vua Hiến Tông. Hàng chục cổ vật rùa đá, tượng đá, sấu đá bị đập vỡ tan tành, vứt chỏng chơ một góc. Ông Tâm bảo, bọn mộ tặc đập vỡ những di vật đá để… tìm kho báu bên trong.
Còn tiếp…
No comments:
Post a Comment