(Thị trường) - Theo các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay trong hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường châu Phi là rủi ro về thanh toán.
Trong 2 ngày 25 và 26/6 đã diễn ra diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng (NH) châu Phi và các nước ASEAN khối Pháp ngữ tổ chức ở TP.HCM.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, năm 2013, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - châu Phi đạt 4,29 tỉ USD, tăng hơn 22% nhưng chưa tương xứng với tiềm năng nên cần thúc đẩy quan hệ hợp tác, tăng cường trao đổi thương mại giữa 2 khu vực.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang châu Phi gồm gạo, máy vi tính, điện thoại và linh kiện các loại, thủy sản, cà phê, sản phẩm dệt may. Doanh nghiệp Việt nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như hạt điều thô, bông, sợi, dầu thô, gỗ.
Điều, một trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang châu Phi |
Theo các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay trong hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường châu Phi là rủi ro về thanh toán. Dù kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD vào thị trường này nhưng doanh nghiệp Việt đang phải xuất qua một nước thứ ba ở châu Âu, rồi doanh nghiệp châu Âu mới xuất tiếp sang châu Phi. Ngay việc thanh toán, do Việt Nam chưa có ngân hàng thương mại nào mở chi nhánh tại châu Phi nên doanh nghiệp cũng phải qua một ngân hàng quốc tế của nước thứ ba.
Gạo, điều, gỗ, bông, xơ các loại... cũng là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, phụ thuộc vào một thị trường là chết.
"Khi đã nắm thị phần cao, gần như độc quyền tiêu thụ họ sẽ hạ giá sản phẩm, đặt điều kiện cho Việt Nam và lúc ấy họ được quyền kén cá chọn canh, không mua thì chúng ta chết", ông nói.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đã và đang phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2013, những tháng đầu năm 2014, năm 2013 kim ngạch buôn bán 2 chiều hơn 50 tỉ USD, trong đó, Việt Nam nhập hơn 36 tỉ USD; 30% hàng nông sản của VN xuất khẩu sang Trung Quốc; nguyên liệu cho sản xuất chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc; nhiều hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam là hàng độc hại.
Lo ngại trên lặp lại khi các ĐB đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2014. Một số ĐB cho rằng việc phụ thuộc kim ngạch xuất, nhập khẩu của ta vào Trung Quốc hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chẳng hạn trong trường hợp Trung Quốc cô lập nước ta về kinh tế thì kim ngạch xuất, nhập khẩu sẽ giảm, thiếu nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp hỗ trợ.
Từ thực trạng trên, các ĐB đề nghị cần đánh giá đúng mối quan hệ với Trung Quốc, lường trước và có phương án đối phó với khả năng Trung Quốc dùng biện pháp kinh tế để chống lại VN.
“Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường xuất khẩu và lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp; có phương án nghiên cứu, khai thác thị trường mới để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; củng cố thị trường trong nước; tăng cường kiểm soát việc Trung Quốc lợi dụng thương lái Việt Nam thu mua nông sản nhằm lũng đoạn nền kinh tế”, Trưởng đoàn thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH báo cáo.
Minh Thái (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment