Friday, June 27, 2014

Cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Nhật Bản, Philippines là thông điệp cho TQ


(GDVN) - Philippines tin tưởng rằng họ sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu Nhật Bản tăng cường khả năng hiện diện trong lĩnh vực an ninh tại khu vực.
Tạp chí Học giả ngoại giao có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản ngày 26/6/2014 đăng tải bài viết của tác giả Shannon Tiezzi – Biên tập viên cộng tác chuyên nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến chính sách ngoại giao, chính trị, kinh tế của Trung Quốc đề cập đến chuyến thăm đáng chú ý của Tổng thống Philippines Benigno Aquino đến Nhật Bản trong bối cảnh an ninh của khu vực châu Á nói chung và khu vực Biển Đông, Biển Hoa Đông nói riêng đang bị Trung Quốc gây rối loạn.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Bà Shannon Tiezzi cho biết chuyến thăm Tokyo của lãnh đạo cao nhất của Philippines dường như là một tín hiệu cho thấy cả Nhật Bản và Philippines đều đang mong muốn thắt chặt mối quan hệ chiến lược song phương giữa hai nước.

Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã công khai bày tỏ sự ủng hộ của Manila đối với nỗ lực sửa đổi Hiến pháp, dỡ bỏ lệnh cấm tự vệ tập thể đối với lực lượng quân đội của Nhật Bản.

Theo báo chí Nhật Bản, Đảng LPD của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần như chắc chắn sẽ có thể nhận được sự chấp thuận của Nội các Nhật Bản trong việc làm sáng tỏ, chi tiết hơn Điều 9 trong Hiến Pháp Nhật, trong đó sẽ cho phép quân đội Nhật Bản có thể thực hiện các hành động hỗ trợ các đồng minh của mình trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng ông mong muốn và chào đón việc Nhật Bản tăng cường vai trò an ninh của mình ở khu vực và trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh với với báo chí quốc tế rằng:

“Vì lẽ đó, chúng tôi (người Philippines) không có cảnh giác, cân nhắc gì với việc Nhật Bản xem xét, sửa đổi hiến pháp nếu đó là nguyện vọng và mong muốn của người dân Nhật Bản, đặc biệt là nếu điều đó tăng cường khả năng can dự của Nhật trong các vấn đề, rào cản quốc tế và mang mục tiêu chung của chúng ta là hòa bình, ổn định cũng như thịnh vượng chung”.

Lãnh đạo cấp cao của Philippines nói rằng các quốc gia thiện chí sẽ được hưởng lợi nếu chính quyền Nhật Bản mạnh hơn, viện trợ nhiều hơn cho các quốc gia khác.
Bà Shannon Tiezzi - Biên tập viên chuyên nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến chính sách ngoại giao, chính trị, kinh tế của Trung Quốc 
Tờ Reuters của Anh nhận định rằng, là một đồng minh của Mỹ, Philippines tin tưởng rằng họ sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu Nhật Bản tăng cường khả năng hiện diện trong lĩnh vực an ninh tại khu vực.

Ông Benigno Aquino cũng đã nhấn mạnh những đóng góp hết sức tích cực của Nhật Bản đối với hòa bình và ổn định, đặc biệt là khi Nhật Bản giữ vai trò trung gian, tổ chức các cuộc thương thuyết giữa cá nhân ông Aquino và lãnh đạo Phong trào Mặt traanh Giải phóng Hồi giáo Moro/Moro Islamic Liberation Front (MILF).
Bên cạnh đó, Thổng thống Philippines cũng đã đánh giá cao những nỗ lực của Nhật Bản trong việc thúc đẩy ký kết một hiệp ước hòa bình giữa lực lượng MILF và chính quyền Manila.

Chính phủ Philippines rõ ràng đã chia sẻ quan điểm của Mỹ trong việc Nhật Bản từng bước dỡ bỏ các rào cản lịch sử với mục đích là giúp tăng cường, thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương, đồng thời công khai nói với những người có mặt trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Abe rằng “đừng tự biến mình thành những tù nhân của lịch sử”.

Những tuyên bố của Tổng thống Philippines trên đất nước Hoa Anh Đào dường như là để nhằm thẳng vào những gì truyền thông và giới cầm quyền ở Bắc Kinh, Trung Quốc đang cố gắng kêu gào khi cảnh báo các nước châu Á về “thảm họa đế chế Nhật Bản” trong Chiến tranh thế giới lần II.

Theo Biên tập viên Shannon Tiezzi của Tạp chí Học giả ngoại giao, Thủ tướng Nhật Bản Abe và lãnh đạo Philippines dường như đang phối hợp với nhau càng càng mật thiết trong bối cảnh an ninh và ổn định của khu vực châu Á Thái Bình Dương đang ngày càng bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng.

Giới chức của Nhật Bản và Philippines đều nhấn mạnh, vạch rõ tầm quan trọng của việc phải giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các quy định của luật pháp quốc tế, chỉ trích mạnh mẽ các hành động gây hấn, trái pháp luật của Bắc Kinh trên khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tạp chí Học giả ngoại giao nhấn mạnh lại một lần nữa là Philippines đã từng đệ đơn kiện tuyên bố “đường lưỡi bò” (9 đoạn) phi pháp của Trung Quốc lên tòa án quốc tế những đến nay Bắc Kinh vẫn tảng lờ, từ chối theo đuổi tiến trình tố tụng.

Trong bối cảnh hiện nay, theo Shannon Tiezzi, chuyên thăm Tokyo của Tổng tống Philippines Benigno Aquino rõ ràng là một thông điệp đối với Trung Quốc. Mặc dù chỉ lưu lại đất Nhật chỉ có 1 ngày nhưng đây là cuộc gặp thứ 4 của  nhà lãnh đạo Philippines với Thủ tướng Abe trong vòng 1 năm qua.

Nhật Bản và Philippines đang xích lại gần nhau hơn trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình trước một Trung Quốc đang ngày càng ngang ngược và quyết đoán.

Trên thực tế, Nhật Bản cũng đã tuyên bố cung cấp 10 tàu tuần tra cho lực lượng phòng vệ bờ biển còn đang thiếu, yếu đủ thứ của Philippines.

Trong khi đó, trong con mắt của Bắc Kinh, Nhật Bản và Philippines là những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á. Trung Quốc coi những nước này là một trong những cản trở lớn nhất đối với sự trỗi dậy (phi hòa bình –PV) của nước này.
Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Ngay sau khi Nhật Bản và Philippines công bố thông cáo chung giữa hai nhà lãnh đạo Abe và Aquino, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tỏ thái độ bất mãn khi cho nữ phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói rằng “Trung Quốc có các mối quan ngại hợp lý, chính đáng về chính sách an ninh mới của Nhật Bản”.

Cơ quan ngoại giao của Trung Quốc cũng đã yêu cầu Nhật Bản tôn trọng những mối lo ngại (thực tế thì Trung Quốc đang tạo nhiều lo ngại nhất cho ổn định và hòa bình ở châu Á).

Đồng thời, Bộ ngoại giao của Bắc Kinh cũng đưa ra cảnh báo với Malina và các nước khác rằng “các quốc gia có liên quan nên thể hiện sự chân thành và đồng hướng với (quan ngại-PV) của Trung Quốc thay vì cố ý gia tăng căng thẳng, lôi kéo các nhân tố phức tạp can dự vào tình hình khu vực”.

Hoa Xuân Oánh cũng đã tái khẳng định lập trường lâu dài của mình khi cho rằng “các tranh chấp trên biển phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương” (đàm phán song phương ở đây là phải chấp nhận chủ quyền thuộc về Trung Quốc, một luận điệu, tuyên bố thể hiện sự tham lam, ma mãnh không bao giờ có thể chấp nhận được –PV)

No comments:

Post a Comment