Friday, June 27, 2014

Biển Đông: TQ nâng cấp đường băng phi pháp ở Hoàng Sa



(Tình hình Biển Đông - Vấn đề Biển Đông) - Trung Quốc tăng tần suất máy bay, tàu chiến quanh giàn khoan 981, sử dụng một bến tàu mới và đang nâng cấp một đường băng phi pháp ở Hoàng Sa.

Trung Quốc tăng tần suất bay trinh sát ở giàn khoan
Chiều 26/6, Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 ở vị trí ổn định, không thay đổi.
Trung Quốc vẫn duy trì số lượng lớn phương tiện bảo vệ giàn khoan. Cụ thể ở hiện trường, Trung Quốc đang có khoảng 117 - 121 tàu các loại. Trong đó có 41 - 43 tàu hải cảnh, 13 - 14 tàu vận tải, 17 - 18 tàu kéo, 40 tàu cá và 6 tàu vỏ sắt.
Cũng tại vùng biển có giàn khoan, lực lượng kiểm ngư ghi nhận, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động trinh sát bằng máy bay, bay ở tầm thấp.
Cụ thể, lực lượng của ta phát hiện máy bay Trung Quốc bay ở độ cao từ 500 - 1.500 mét ở hướng bắc - đông bắc quanh giàn khoan và hoạt động ở nhiều thời điểm khác nhau trong ngày.
Ngoài ra, Trung Quốc có đưa thêm máy bay chiến đấu hoạt động ở vùng biển có giàn khoan. Trong khoảng thời gian từ 8h 45 - 8h 55, lực lượng của ta phát hiện 2 máy bay chiến đấu. Các máy bay này bay lượn 2 vòng ở độ cao 1.000 - 1.500 mét, cách 12 hải lý ở khu vực nam tây nam giàn khoan.
Cục Kiểm ngư cho biết, các tàu kiểm ngư Việt Nam đang hoạt động ở vùng biển cách giàn khoan từ 9,5 - 10,5 hải lý. Khi lực lượng của ta tiến sâu vào bên trong, các đội tàu Trung Quốc vẫn sử dụng chiến thuật dàn hàng ngang chặn đường, ép hướng.
Sau khi đâm tàu kiểm ngư 951  ở mạn phải, tàu Hữu Liên 9 tiếp tục ghìm chặt, không cho tàu 951 quay trở được để cho tàu kéo 285 lấy đà lao vào, phía xa tàu hải tuần 11 dùng vòi rồng phun nước uy hiếp
Sau khi đâm tàu kiểm ngư 951 ở mạn phải, tàu Hữu Liên 9 tiếp tục ghìm chặt, không cho tàu 951 quay trở được để cho tàu kéo 285 lấy đà lao vào, phía xa tàu hải tuần 11 dùng vòi rồng phun nước uy hiếp
Phân tích tình hình trên thực địa, thuyền trưởng tàu CSB 8003 - Đại úy Nguyễn Văn Hưng - cho biết: “Các tàu Trung -Quốc chia thành 2 tốp ở hai bên, để trống ở giữa. Mỗi bên có từ 7 - 8 tàu, dàn đội hình theo kiểu vòng cung với ý đồ “dụ” cho tàu của ta tiến gần vào là họ ập vào từ hai bên, vây ép, kẹp chặt trong thế gọng kìm”.
Sau một thời gian dài thấy các tàu thực thi pháp luật Việt Nam không tiến không lui, Trung Quốc đã không đủ kiên nhẫn “dụ” tàu chúng ta tiến vào gần, liền triển khai 3 tàu Hải cảnh chạy với tốc độ cao lao về phía tàu CSB 8003 - là tàu lớn nhất trong tốp tàu thực thi pháp luật Việt Nam ở phía Nam Tây Nam giàn khoan.
Khi 3 tàu này của Trung Quốc cách tàu CSB 8003 khoảng 2 hải lý (tương đương 3,6km) thì tàu CSB 8003 nhận được lệnh cơ động ra xa, chủ động tránh bị đâm va.
Điều đặc biệt nữa trong hai ngày gần đây là các tàu Trung Quốc không chỉ ngăn cản, uy hiếp, quấy phá vào ban ngày mà kể cả ban đêm.
Lúc 20h20 đêm 25/6, dù lúc này các tàu của ta đã cách giàn khoan 14 hải lý nhưng Trung Quốc vẫn tổ chức đội hình tiếp cận ngăn cản các tàu thực thi pháp luật Việt Nam.
Khi cách tàu CSB 8003 khoảng 1.200m thì hai tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 3210 và 33002 bất ngờ dùng đèn pha công suất lớn cùng lúc chiếu thẳng vào tàu CSB 8003.
Hành động phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm
Những hành động trắng trợn của Trung Quốc không chỉ diễn ra quanh giàn khoan Hải Dương 981, mới đây, Trung Quốc còn đưa vào sử dụng một bến tàu mới và đang nâng cấp một đường băng phi pháp ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đó là những dấu hiệu cho thấy hải quân và không quân Trung Quốc có thể biến Phú Lâm thành cơ sở quân sự tổng hợp lớn, theo chuyên san Kanwa Defense Review (Canada).
Hoàn Cầu thời báo hôm 26/6 dẫn lại bài viết từ Kanwa Defense Review nói rõ Trung Quốc đưa vào sử dụng cảng mới ở Phú Lâm vào năm 2013 sau khi khởi công xây dựng năm 2011.
Cảng mới có 3 mặt với chiều dài lần lượt là 364, 270 và 250 m. Cảng này cũng có cửa vào đê chắn sóng rộng tới 107 m, đủ để đón tất cả các loại tàu chiến nổi của Trung Quốc, theo Kanwa Defense Review.
Ngoài cảng mới, Trung Quốc trước đó đã xây 2 cảng biển phi pháp, với chiều dài 400 m và cửa ra vào đê chắn sóng rộng lần lượt 182 và 92 m, được dùng cho mục đích dân sự và hải quân.
Cũng theo Kanwa Defense Review, Trung Quốc đang nâng cấp đường băng phi pháp ở Phú Lâm để có thể phục vụ cho mọi chiến đấu cơ của không quân nước này, trong đó có oanh tạc cơ.
Tàu chiến Trung Quốc trong một đợt tuần tra phi pháp ở Hoàng Sa
Tàu chiến Trung Quốc trong một đợt tuần tra phi pháp ở Hoàng Sa
Trung Quốc dùng “thủ đoạn mới”
Tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao tổ chức hôm 26/6, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, trong hơn 100 tàu thường xuyên có mặt bảo vệ giàn khoan thì có từ 4-6 tàu chiến. Lực lượng tàu quân sự này gồm các tàu hộ vệ tên lửa, tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh và quét mìn.
“Chúng tôi đã thu thập hình ảnh, tọa độ của lực lượng này. Không riêng chúng tôi mà các bạn phóng viên trong nước và quốc tế đều ghi lại được những hình ảnh đó,” ông Thu lên tiếng.
Bởi vậy, đại diện của lực lượng cảnh sát biển một lần nữa bác bỏ việc Trung Quốc nói tàu quân sự của nước này chỉ “đi ngang qua.”
Cũng theo ông Thu, phía Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục huy động 33-43 tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu kéo cùng với 30-40 tàu cá hoạt động vòng ngoài tạo thành vành đai bảo vệ từ xa. Để uy hiếp lực lượng của Việt Nam, Trung Quốc còn sử dụng máy bay như trinh sát, tiêm kích,trực thăng bay ở độ cao thấp 300-500m.
Tuy nhiên, theo ông Thu, Trung Quốc đang sử dụng thủ đoạn mới để uy hiếp tàu Việt Nam. Trước đây, Trung Quốc thường sử dụng tàu hải cảnh để đâm vào tàu Việt Nam nhưng những ngày gần đây đã thay bằng tàu kéo công suất lớn. Những tàu kéo này có hệ thống đệm va tốt nên khi đâm tàu Việt Nam sẽ không gây nhiều hư hại cho tàu Trung Quốc.
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
Liên quan việc Trung Quốc phát hành bản đồ bao trùm toàn bộ Biển Đông của Việt Nam, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, việc phát hành bản đồ là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc đã bị nhiều nước phản đối đồng thời Việt Nam cũng kiên quyết phản đối hành động này của Trung Quốc.
Phóng sự "Rượt đuổi ở Hoàng Sa" trên trang nhất báo Le Monde
Báo Le Monde ngày 23/6 đã đăng trên trang nhất phóng sự "Rượt đuổi ở Hoàng Sa" của phóng viên Bruno Laymond Philip sau chuyến đi thực địa Hoàng Sa trên tàu thực thi pháp luật Việt Nam cùng các nhà báo quốc tế khác để tận mắt chứng kiến tình hình trên biển.
Bài viết phản ánh khách quan tình hình liên quan đến khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, giúp dư luận Pháp và châu Âu hiểu rõ các hành động vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 của Trung Quốc và cách ứng xử đúng mực của Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, tại một cuộc tọa đàm về Việt Nam diễn ra ngày 24/6 tại thành phố La Plata (Argentina), ông Ezequiel Ramoneda, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Quốc gia La Plata, đã phê phán Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) và khoa trương sức mạnh hòng đe dọa để chiếm đoạt nguồn tài nguyên dầu khí tại vùng biển của Việt Nam và kiểm soát các tuyến giao thông huyết mạch của thế giới tại Biển Đông.
Trước đó, tại cuộc gặp sinh viên ngành khoa học chính trị và quan hệ quốc tế Trường đại học công giáo La Plata, bà Vanina Soledad Fattori, phụ trách phát triển và nội dung của Equilibrium Global, tố cáo Trung Quốc huy động nhiều tàu tới khu vực giàn khoan, trong đó có tàu chiến, đe dọa sự ổn định ở Đông Nam Á và tự do hàng hải. Bà khẳng định hành động của Bắc Kinh vi phạm nghiêm trọng UNCLOS.
Lan Phương  (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment