Wednesday, June 18, 2014

Vạch mặt các “mánh lới” thâm độc của thương lái Trung Quốc


(Kênh 13) – Nông dân Việt Nam sẽ phải làm gì để tránh rơi vào “vòng luẩn quẩn” trong những vụ mua bán các loại hàng hóa “tào lao” của thương lái Trung Quốc?
Thương lái Trung Quốc thu gom bông thanh long 3.500 đồng/kgThương lái Trung Quốc ngừng mua, giá rong mơ xuống đáyMua cua trái phép, thương lái Trung Quốc bị phạtThực hư chuyện thương lái Trung Quốc mua lá khoai langCon banh lông thương lái Trung Quốc tận thu dùng để chữa bệnh?
Chỉ mua “hàng độc”, chọn nơi hẻo lánh
Đây được coi là nguyên tắc vàng đầu tiên của các thương lái Trung Quốc khi tiếp cận nông dân Việt Nam.
Đối với những người nông dân thuần túy, lại sinh sống ở những khu vực hẻo lánh nhất, quanh năm với thửa ruộng – thửa nương tìm kế sinh nhai, có lẽ “hàng độc” là khái niệm còn khá mơ hồ, thậm chí cũng chẳng mấy ai chú ý nhiều đến nó.
Chỉ biết rằng, những lời đề nghị mua mấy cái “trời ơi đất hỡi” như: Râu mèo, đuôi chuột, xoài non, lá vải, đỉa, ốc bươu vàng, nụ hoa thanh long… vô tình đã trở nên quá hấp dẫn với nhiều người, kể cả những người ở các khu vực có điều kiện sống tốt hơn.
1-nuoi-20dia-arrb-1402995373813-crop1402995490531p
Nhiều người dân đã khốn đốn với giấc mơ đổi đời từ cơn sốt đỉa.
Bởi lẽ, đối với cuộc sống thường nhật, đặc biệt là những nơi xa xôi hẻo lánh, những thứ lạ lùng kia vốn không có nhiều giá trị nếu không muốn nói “chỉ có ma mới mua”.
Do đó, lý giải về khái niệm này của các thương lái Trung Quốc lại cực kỳ đơn giản: Nông sản họ mua phải càng lạ càng tốt, người ta không biết giá thực tế là bao nhiêu để có thể so sánh được.
Thêm nữa, việc chọn những vùng xa xôi hẻo lánh cũng là một điều “khôn ngoan” của thương lái Trung Quốc.
Bởi lẽ, do điều kiện vị trí địa lý xa xôi, cơ sở hạ tầng còn hạn chế đặc biệt bình quân dân trí còn thấp, trong khi đó, việc tiếp cận các thông tin thị trường còn nhiều khó khăn, công tác quản lý còn yếu, chúng sẽ dễ “ra tay” hơn trong các vụ mua bán.
Bông thanh long được thương lái Trung Quốc lùng mua
Trả tiền trước, giá “ngất ngưởng” cho những “thứ vứt đi”
Những chiêu ra giá “có một không hai” của thương lái Trung Quốc đối với nông dân Việt Nam là câu chuyện cũ nhưng luôn gây bất ngờ cho nhiều người.
Do hàng độc này thường không được giao thương trên thị trường nên các thương lái Trung Quốc nghiễm nhiên có quyền ra giá, và trong nhiều thương vụ mức giá lại đặc biệt hấp dẫn người dân.
Câu chuyện một thời, ở Bình Phước rộ thông tin có nhóm các thương lái thu mua lá điều non giá ngang bằng (thậm chí cao hơn) giá hạt điều thô ở Bình Phước là một ví dụ.
Hay câu chuyện thu mua đỉa giá cao ở Nghệ An năm 2012 và ngay tại Hà Nội năm 2013 vừa qua thực sự đã gây nhiều bất ngờ.
Theo đó, vào khoảng giữa năm 2012, với tin đồn có người mua đỉa làm thuốc, trả giá rất cao tới 180 – 200 nghìn đồng/kg, người dân huyện Quế Phong (Nghệ An) đã đổ xô xuống đồng săn đỉa bán lấy tiền.
Thậm chí theo thông tin phản ánh từ báo điện tử VnExpress, khi đó, ở một số xã thuộc huyện Quế Phong, đỉa đã thực sự tạo nên “cơn sốt” cả về việc làm lẫn sốt giá.
Chỉ quanh quẩn mấy khu đầm lầy, mỗi ngày cũng kiếm được từ 50 – 80 nghìn đồng, kiếm tiền nhiều hơn mà đỡ vất vả hơn nhiều so với đi vác gỗ hay đào củ mài trong rừng, đó là tâm sự của không ít nông dân tại huyện Quế Phong khi đó.
Câu chuyện đỉa còn trở nên trớ trêu hơn khi xảy ra ngay tại thủ đô Hà Nội vào những ngày tháng 7/2013 vừa qua.
Theo đó, đã có rất nhiều người lao động ngoại tỉnh (nhiều nhất là Vĩnh Phúc) tràn xuống các cánh đồng hoang trũng nước ở xã Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) để bắt đỉa, gom lại bán giá hời cho người Trung Quốc.
Thương lái Trung Quốc đã trực tiếp xuất hiện thu mua đỉa với cái giá “trên trời” khoảng 800 – 1 triệu đồng/kg.
Thậm chí, hàng chục thương lái là người Việt cũng nhanh chân bỏ vốn đi mua đỉa để bán cho người Trung Quốc ăn chênh lệch.
Nghiêm trọng hơn, do cơn sốt đỉa lan tỏa trong nhiều ngày, đã xuất hiện những “ý tưởng” sẽ bỏ ruộng (trồng lúa, rau màu…) để quây nuôi đỉa.
Thế rồi, vẫn tái diễn tình trạng của những năm 2011 tại Tây Ninh, Hóc Môn (TP.HCM), những người mua đỉa lại bỗng dưng mất tích, những vựa đỉa, ao nuôi đỉa… lại mọc lên, gây kinh hoàng cho người dân sinh sống.
Vòng “luẩn quẩn” của những vụ mua bán
Cũng đã không ít người quan tâm đến những vụ lùm xùm của thương lái Trung Quốc, trong đó có cả những nạn nhân các vụ mua bán đã cất công tìm hiểu đường đi của những thứ hàng “giời ơi đất hỡi” này.
Kết quả khiến cho không ít người phải thất vọng, bởi vì dò hỏi tại các cửa khẩu Tân Thanh, Móng Cái, Thanh Thủy, Hà Khẩu…, hầu hết mọi người đều nói chưa từng thấy xuất những loại hàng như thế qua bên kia biên giới.
Và câu hỏi “Họ mua làm gì? Sao mua mà không xuất về Trung Quốc?…” vẫn trở thành đề tài bán tán khắp làng trên, ngõ dưới, thậm chí trong cả những diễn đàn quy mô to nhỏ được tổ chức bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền.
Chia sẻ của một người đã “cất công” tìm hiểu trực tiếp các thương lái Trung Quốc sau đây đã hé lộ đường đi mà người viết tạm gọi là “vòng luẩn quẩn” của các vụ mua bán.
Theo miêu tả của “người trong cuộc”, phi vụ của họ thường gồm một nhóm gồm 2 thương nhân ít nhất trở lên, mục tiêu là các vùng nông thôn hẻo lánh, hàng nông sản họ mua phải càng lạ càng tốt…
“Đề án” về mua lá điều non tại Bình Phước, Việt Nam là câu chuyện được mang ra bàn luận của chính các thương lái ở Quảng Tây (Trung Quốc).
Họ quyết định chọn Bình Phước, nơi có trồng khá nhiều cây điều (đào lộn hột), lá điều non là mặt hàng họ quyết định thu mua vì là hàng độc, không có tiền lệ mua bán, dễ tạo nên “sự tò mò một cách huyền thoại”.
Việc đầu tiên là tìm thương lái địa phương, đặt vấn đề mua lá điều non, giá ngang bằng hạt điều thô.
“Đặt tiền trước, số lượng lớn, cần lấy ngay”, đó là động thái để dẹp tan mọi nghi ngờ ban đầu của người nông dân vốn sẵn tính “bán tín, bán nghi”. Ngay sau câu chuyện, ồ ạt các gia đình, thôn trên, thôn dưới vặt lá điều phơi khô để chuẩn bị giao hàng.
Cùng lúc, thương lái khác lại sang những địa bàn lân cận ngỏ lời với nội dung tương tự “đặt tiền trước, số lượng lớn, cần lấy ngay”.
Nhưng, có một điểm khác là ở địa bàn này họ sẽ tăng giá lên gấp đôi so với ban đầu, thế là trong dân lời đồn lan tỏa, chỉ trong vài ngày, quy mô vụ mua bán không còn giới hạn ở cấp thôn, xã mà đã lan ra cả huyện thậm chí cả tỉnh.
Bẵng đi ít ngày, các thương lái triển khai giai đoạn 2, vẫn gặp những “đầu nậu” cũ của Việt Nam, nhưng lần này là câu chuyện “hàng khan lắm, lại đang chuộng bên Trung Quốc, giá tăng lên từ 5 – 10 lần”.
Vẫn tiếp tục điệp khúc, đưa tiền trước, số lượng lớn nhưng họ không quên cài thêm điều khoản “ép phải giao ngay”.
Cơ hội làm giàu hiển hiện, những đầu nậu nhanh chóng triển khai, nhưng mắc ở chỗ, hàng đâu còn mà đi thu mua, người dân cũng không còn mà bán. Bỗng dưng, trong xóm ngoài làng lại rộ lên tin đồn có người rao sẵn có số lượng lớn, cần bán, giá thấp hơn giá bán cho người Trung Quốc.
Các “đầu nậu”, thậm chí cả người dân đua nhau bỏ tiền túi ra đi thu mua hàng của “nhân vật bí ẩn” này. Kết quả bước đầu khiến hàng trăm người dân đều hồ hởi vì kiếm chênh lệch, chủ kho hàng bí ẩn cũng đã xả hết hàng.
Ngay lập tức, giá thu mua lại được phía thương lái đẩy lên gấp nhiều lần hơn, gom nhanh để nhập ngay, đặc biệt “lần này số lượng ít nhất phải vài ngàn tấn”. Người dân lại nô nức đi thu mua hàng từ các kho hàng khác với giá “cắt cổ” miễn sao có chênh lệch so với giá của người Trung Quốc là ổn.
Thế nhưng, quanh đi quẩn lại, hàng trôi nổi bán ra từ các kho kia lại chính là hàng của 1 thương lái trong nhóm 2 người hoạt động tại Việt Nam.
Vài lần đầu đặt tiền trước để giữ uy tín, theo lẽ thường đã hết nghi ngờ, thương lái đâu cần đặt tiền trước nữa, những người dân “có máu buôn bán” đã lặng lẽ dốc vốn ôm hàng chờ đến mua để đổi đời.
Do đó, vô tình hàng trăm người dân bỏ cả tiền trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng ra gom hàng chờ bán đã đặt mình vào thế chuẩn bị phá sản.
Theo dõi cả một quá trình, theo ước tính của các thương lái Trung Quốc , đã đến thời điểm “chốt hạ” vụ làm ăn, họ quyết định tăng giá lên khoảng 50 – 100 lần so với mức giá lần đầu tiên hỏi mua, “gom ngay mai lấy”.
Những người nông dân vốn cần cù, chịu khó nghĩ đã đến lúc “đổi đời” nên chỉ trong vòng 1 – 2 ngày, hàng ngàn tấn hàng đã được gom đủ với không khí hào hứng chờ nhận tiền tỷ.
Thế nhưng, các thương lái Trung Quốc lại “bỗng dưng mất tích” sau khi đã ôm trọn số vốn liếng “thắt lưng buộc bụng” của hàng ngàn con người, thậm chí nhiều người còn cắn răng đi vay nặng lãi, vay nóng để đi gom hàng.
Tán loạn đi tìm kiếm thì cũng chỉ thấy hoàn cảnh tương tự của hàng chục đầu nậu, người dân thì chẳng còn cây điều nào để chờ hái quả, rơi vào cảnh “phá chẳng được, để chẳng xong”.
“Những gương mặt đen nhẻm và những giọt nước mắt nóng hổi. Những kho lá điều chất cao như núi vì ai cũng tranh thủ ôm hàng. Những vườn điều xơ xác, vắng lặng, mênh mông… Hóa ra, họ thu mua các nông sản tào lao ấy chỉ là một cách để làm giá. Mua bán lòng vòng đẩy giá lên, kiếm cục tiền còn người ôm cuối cùng là các tiểu thương tội nghiệp”.
Trong nhiều năm qua, nhẩm đếm cũng đã có đến vài chục vụ như vậy xảy ra ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam, điều lạ là các cơ quan quản lý thì vẫn chỉ hoặc “mới nghe thấy” hoặc “đang điều tra”.
Nhưng kết quả thì vẫn… “chưa ra” và người dân thì vẫn tiếp tục rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” cùng các cơ hội “đổi đời” do thương lái Trung Quốc tạo ra.

No comments:

Post a Comment