Phố cổ Hà Nội
(PLO) - Một bức tranh đô thị thiếu thống nhất, sự lộn xộn của thị trường nhà ở... – đó làm một trong những lý do khiến QH phải sửa đổi Luật Nhà ở. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH vẫn cho rằng Dự luật chưa đủ sức để khắc phục những bất cập về nhà ở hiện nay.
ĐB Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh “Lôm côm một chút mới là nhà xã hội?”
“Đột phá của Luật Nhà ở là xây dựng phát triển nhà ở xã hội, nhưng khi đưa luật vào thành phố Hồ Chí Minh thì quy định nhà xã hội 6 tầng, không có thang máy và bằng vốn Nhà nước, không tính tiền đất. Một nhà đầu tư bảo rằng nhà nước muốn 6 tầng, họ xây 15 tầng, tặng không Nhà nước 6 tầng để làm nhà xã hội, họ làm thang máy cho người ta đi. Nhưng có quan điểm lại bảo như vậy không phải là nhà ở xã hội, nhà ở xã hội phải là nhà hơi lôm côm một chút, còn nhà thương mại thì mới đàng hoàng. Cách đặt vấn đề như vậy là sai.
ĐB Trần Du Lịch
|
Do những cách hiểu sai đó, nên sau 8 năm thực thi nhà ở xã hội không phát triển, nhưng thị trường nhà ở lại phát triển méo mó, vừa thừa vừa thiếu. Nhà thương mại gọi là nhà cao cấp thì phát triển ồ ạt, còn nhà phổ thông phù hợp với sức mua của dân thì không có. Tôi đánh giá luật hiện hành khác với một số đại biểu là tác dụng rất hạn chế, không đóng góp vai trò to lớn gì cả…
Tôi đề nghị tập trung chính sách để phát triển nhà cho thuê đối với tất cả đối tượng mà không ưu tiên vấn đề bán ở đây, bán là theo thị trường. Đồng thời đề nghị tập trung chính sách phát triển loại nhà phổ thông. Tôi nói nôm na ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội loại căn hộ 1-1,5 tỷ, ở các tỉnh 500-600 triệu đồng để phù hợp sức mua thị trường. Đây là vấn đề mà hiện nay chúng ta thiếu chính sách”
ĐB Bùi Thị An - TP Hà Nội “Người dân phải làm gì để có quyền có nơi ở?”
"Thời gian qua đất nước ta đã phát triển, đời sống nhân dân đã được nâng lên, tuy vậy nhiều người dân, nhất là dân nghèo thành thị, công nhân các khu công nghiệp, các đôi vợ chồng trẻ không dựa vào bố mẹ, một số công chức, viên chức tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn nghèo còn chưa có chỗ ở, hoặc chỗ ở không đảm bảo môi trường trong lành như Hiến pháp đã quy định là con người phải là chủ thể, mọi người đều có quyền có nơi ở hợp pháp và có quyền được sống trong môi trường trong lành. Trong luật này tôi thấy chưa làm rõ quyền có nơi ở là như thế nào, người dân làm thế nào để quyền này được đến với họ hay cơ chế ra sao để nâng cao chất lượng cuộc sống cho các chủ thể này.
ĐB Bùi Thị An |
Trong chính sách nhà chung cư và cải tạo chung cư tôi thấy vai trò của nhà nước chưa rõ, hiện nay đang có những chính sách đối với các doanh nghiệp để doanh nghiệp cải tạo, nhưng tôi thấy quá lâu, quá dài, để những người dân sống trong các căn hộ này quá khổ.
Ví dụ các nhà ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay một số nơi xây từ năm 1960, 5-6 hộ bây giờ vẫn phải dùng nhà vệ sinh chung, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, nên tôi nghĩ vai trò của nhà nước trong cải tạo chung cư phải rất cao. Trước hết phải là nhà nước, nếu cứ để doanh nghiệp làm mà không có chính sách cho doanh nghiệp thì tôi nghĩ sẽ kéo dài và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân...
Cũng tại các đô thị, theo thống kê hiện nay có 40% là nhà do dân tự xây và cũng đã xuống cấp rất nhiều, làm ảnh hưởng đến an toàn, thẩm mỹ đô thị, nhưng để cải tạo các nhà này thì vô cùng khó khăn. Ở đây tôi không muốn nói đến các khu phố cổ hoặc trong quy hoạch. Nên tôi đề nghị bổ sung thêm vào luật quyền của người dân được tự cải tạo nhà mình xây với những thủ tục chặt chẽ, nhưng phải rất đơn giản mà nhanh chóng
Tôi cũng đề nghị nhà nước nên tập trung ưu tiên chính sách phát triển nhà cho thuê, vì hiện còn rất nhiều người, nhất là người nghèo ở thành thị, công nhân lao động ở các khu công nghiệp, nhất là các đôi vợ chồng trẻ như tôi đã nói ở trên mới đi làm, không được dựa vào bố mẹ, rất thiếu nhà ở, chỗ ở đã gây cho họ không biết bao nhiêu phiền toái, khó khăn, làm cuộc sống của họ, của gia đình họ, đặc biệt những trẻ em sinh ra trong các gia đình này họ đã phải sống trong các nhà ở trật trội, môi trường không trong sạch. Vì vậy, về chính sách của nhà nước tôi thấy cần phải ưu tiên số 1 là làm nhà để cho thuê, cho những đối tượng nghèo được thuê vì họ làm gì có tiền để mua.
ĐB Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình: "Luật vẫn còn “bỏ rơi” phố cổ"
"Sau khi chúng tôi tiếp cận với một số nhà trong khu phố cổ thì thấy Việt Nam có hàng trăm, hàng ngàn con phố cổ ở các thành phố lớn. Những con phố cổ này dân cư ở hết sức đông đúc và chật chội, họ đều có tâm tư là những nhà trong khu phố cổ có tới hàng trăm, hàng ngàn năm, chất lượng nhà hiện nay đã xuống cấp, nhưng mỗi khi sửa chữa, tu chỉnh thì đang chịu điều hành của rất nhiều văn bản pháp luật. Nào là theo Luật di sản, bảo tồn bảo tàng phải giữ nguyên hiện trạng, nào là nằm trong quy hoạch v.v... Nếu không sửa chữa, tu chỉnh thì lại mất an toàn, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
ĐB Đỗ Văn Vẻ |
Vì vậy, những người dân phố cổ đều có chung nguyện vọng là cần có một văn bản quy định chính thống để thực thi tốt hơn, kể cả những nhà biệt thự trong khu phố cổ nhiều khi họ muốn sửa chữa nhưng lại nằm trong số mấy trăm biệt thự phải giữ nguyên hiện trạng.
Nhà ở trong khu phố cổ cũng là nhà ở, trong khi đó luật chưa đề cập đến. Tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà trong khu phố cổ, biệt thự cổ cần bảo tồn; trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền đối với việc bảo tồn loại nhà này.
Luật cũng cần quy định cơ chế tài chính cho việc duy tu, bảo dưỡng nhà ở khu phố cổ, nhà biệt thự như thế nào. Thực tiễn quản lý loại nhà trên phát sinh nhiều bất cập chưa được giải quyết thỏa đáng, quyền của người dân ở khu phố cổ chưa được quan tâm, giải quyết. Vì vậy, để Luật nhà ở này được thực thi và tốt tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nên đưa quy định về nhà ở trong khu phố cổ."
ĐB Đinh Thị Mai Lan - Cao Bằng “Cần thay đổi diện mạo nhà ở từ đô thị đến nông thôn"
"Không cần đến con số chứng minh cụ thể cũng có thể nhìn thấy tình trạng lộn xộn trong quy hoạch xây dựng nhà ở nước ta. Ngay ở những thành phố văn minh, tình trạng nhà ở tự phát cũng không được kiểm soát đúng mức, mặc dù chúng ta vẫn đang có luật điều chỉnh. Hệ quả là những khu nhà chắp vá, ổ chuột vẫn tồn tại và khu đô thị mới thì phát triển quá chênh lệch so với điều kiện cơ sở hạ tầng.
ĐB Đinh Thị Mai Lan |
Dự thảo luật lần này mới chỉ dừng lại ở việc khắc phục những hạn chế mang tính tình huống, thủ tục trong luật hiện hành mà chưa quan tâm đến việc cải thiện toàn diện, diện mạo cho cảnh quan từ đô thị đến nông thôn. Đã đến lúc cần có một cuộc thay đổi mạnh mẽ tổng thể và nhất quán hơn về chính sách nhà ở. Không chỉ tạo sự hợp lý giữa nhu cầu và điều kiện đất nước mà còn mang tính định hướng cho các mục tiêu trong tương lai.
Để làm được điều này, trước hết phải xác định được trong luật những ưu tiên. Theo tôi nên ưu tiên phát triển loại hình nhà ở chủ đạo là các khu dân cư tập trung, chung cư, hạn chế dần việc xây dựng nhà ở cá nhân, đặc biệt là nhà ở tự phát, nhà để đầu cơ, nhà không theo nhu cầu..."
No comments:
Post a Comment