Wednesday, June 18, 2014

Trung Quốc lộ tử huyệt, thêm bất chính tham vọng Biển Đông

(BaoDatViet.vn) - Trung Quốc vừa công bố "Sách Xanh" chỉ rõ những thách thức về an ninh năng lượng của quốc gia này.
Những thách thức của Trung Quốc về năng lượng
Theo thông tin từ tờ Vietnam+, Viện Nghiên cứu sinh thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc phối hợp với Nhà Xuất bản Văn hiến Khoa học xã hội ngày 16/6 đã công bố “Sách Xanh năng lượng thế giới: Báo cáo phát triển năng lượng thế giới (2014)” tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Sách Xanh này chỉ rõ Trung Quốc hiện tại và tương lai đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng về an ninh năng lượng trong và ngoài nước.
Ở trong nước, thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt là mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP quá cao. Trong cơ cấu năng lượng, tỷ trọng nhiêu liệu hóa cũng rất cao, phương thức tiêu thụ năng lượng “carbon cao” trực tiếp gây ra ô nhiễm nặng, lãng phí cao, hiệu quả thấp. Năm 2013, diện tích ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng ở Trung Quốc lên tới 1,6 triệu km2, không khí của nhiều tỉnh, thành ở mức ô nhiễm nghiêm trọng.
Vấn đề năng lượng của Trung Quốc đang là thách thức lớn nhất của quốc gia này. (Ảnh minh họa)
Vấn đề năng lượng của Trung Quốc đang là thách thức lớn nhất của quốc gia này. (Ảnh minh họa)

Về mặt quốc tế, những thách thức đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc bao gồm nguồn nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc tập trung ở các khu vực thường có biến động như Trung Đông và châu Phi.
Từ đầu năm 2014, Mỹ xác định bắt đầu từ năm 2017 sẽ xuất khẩu khí tự nhiên sang Nhật Bản. Tuy số lượng hạn chế nhưng điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường khí tự nhiên khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, đàm phán về khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, Trung Quốc có thể phải đối mặt với cục diện nghiêm trọng hơn.
Tử huyệt của Trung Quốc
Thực tế, vấn đề về năng lượng đã được Bắc Kinh nhìn ra từ lâu và họ đã sớm có chiến lược để đối phó với điều này. Nền kinh tế của Trung Quốc phát triển một cách phi mã, trỗi dậy rầm rộ, nhưng không có một nền móng vững chắc. Có rất nhiều yếu tố có khả năng làm nền kinh tế này sụp đổ mà trong đó, năng lượng là yếu tố có nguy cơ cao nhất.
Đất nước gần 1,4 tỷ dân này cùng với một nền công nghiệp còn nhiều yếu tố tự phát, chưa chuyên nghiệp tạo ra một nhu cầu khổng lồ về năng lượng, quan trọng nhất trong đó là dầu mỏ. Trong khi bản thân quốc gia này không đủ sức đáp ứng được nhu cầu ấy và họ cần tìm đến những nguồn cung khác. Tuy nhiên, bản thân việc nhập khẩu dầu mỏ cũng đặt ra những thách thức đáng kể.
Từ trước đến nay, nguồn cung chủ yếu của Trung Quốc là dầu mỏ của khu vực Trung Đông và châu Phi. Nhưng hiện tại, những khu vực này đang ẩn chứa nhiều điều bất ổn mà những đối thủ của cường quốc châu Á này hoàn toàn có thể lợi dụng để "tiệt đường sống" của Trung Quốc.
Iran là một trong những nguồn cung quan trọng của năng lượng Trung Quốc
Iran là một trong những nguồn cung quan trọng của năng lượng Trung Quốc
Nhìn về khu vực Trung Đông, người bạn thân phương xa của Trung Quốc lúc này là Iran vẫn đang chịu những sự kìm kẹp từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Nguồn cung này cho thấy sự bấp bênh và thiếu bảo đảm.
Còn với các quốc gia khác, Iraq, Afghanistan, Ai Cập, hay các quốc gia Ả Rập... bàn tay của Mỹ đã nhào nặn khu vực này theo hai hướng: hoặc thân với Mỹ, hoặc sẽ chỉ còn bất ổn, nội loạn. Trung Đông đang là một nguồn cung thiếu an toàn đến đáng sợ.
Còn châu Phi, nguồn cung năng lượng này phụ thuộc vào đường biển để đưa những thùng dầu thô đến Trung Quốc thông qua tuyến hàng hải huyết mạch Tây - Đông, qua Ấn Độ Dương, qua eo Malacca, qua Biển Đông, và đến Trung Quốc. Trong khi Ấn Độ Dương dễ dàng bị kiểm soát bởi Ấn Độ, một đối thủ nặng ký của Trung Quốc.
Dùng một hình ảnh minh họa cục diện Trung Quốc như sau: Cường quốc châu Á này đang án ngữ một tòa thành, còn bên ngoài là sự bao vây của Mỹ và đồng minh, và đơn giản nhất để quân trong thành tan rã, thất bại là chặn đường vận lương của họ. Dầu khí chính là lương thực của "đội quân" Trung Hoa này. Từ đó để thấy tử huyệt của Trung Quốc đang bị kiểm soát một cách quá dễ dàng.
Trước thách thức ấy, Trung Quốc đã làm thế nào? Họ mở thêm một nguồn cung nữa, đó là nước Nga. Trong bối cảnh Nga đứng trước nguy cơ bị trừng phạt kinh tế, Trung Quốc nhanh chóng ký được một hợp đồng dầu khí khổng lồ giá 400 tỷ USD với cái giá "rẻ giật mình." Vậy là một nguồn cung nữa được hình thành, đảm bảo cho nhu cầu năng lượng của Trung Quốc trong 20 năm tới (theo giá trị của hợp đồng).Đối sách ngang ngược của Trung Quốc
Nhưng nhìn vào hợp đồng ấy cũng đủ thấy đó chỉ là một giải pháp tình thế. Yêu cầu đặt ra là cường quốc này phải giải quyết song song hai biện pháp: vừa đảm bảo những nguồn cung cũ, vừa chủ động những nguồn dầu khí mới thuộc sở hữu của họ.

Tàu chở dầu của Trung Quốc di chuyển trên Ấn Độ Dương
Tàu chở dầu của Trung Quốc di chuyển trên Ấn Độ Dương

Và để giải quyết yêu cầu này, Trung Quốc bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế gây hấn tại Biển Đông. Bởi lẽ, trước hết, Biển Đông còn là một ẩn số khi chưa một cường quốc nào được khai thác dầu khí một cách thực sự tại đây. Trữ lượng dầu ở vùng biển sâu của Biển Đông theo thông số của Trung Quốc đủ để cả đất nước này tự chủ được năng lượng trong một thời gian dài, ít nhất là 40 năm. Miếng bánh béo bở ấy, Trung Quốc tham lam sẽ không thể không ăn.
Thứ hai, Biển Đông là cửa ngõ tiến ra Ấn Độ Dương. Nếu những con tàu chở dầu của Trung Quốc từ châu Phi về gặp nguy hiểm, thì từ các căn cứ quân sự tại cực nam của Biển Đông (nếu chiếm được chắc chắn sẽ xây dựng) ra ứng cứu sẽ rút gọn thời gian rất nhiều.
Đồng thời, làm chủ Biển Đông đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ có vị thế như Ấn Độ trong tuyến hàng hải Đông - Tây, nghĩa là có đủ khả năng để kiểm soát tuyến này.
Đó là lý do vì sao Trung Quốc gọi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" để hiện thực cái giấc mơ về một Đại Trung Hoa, mộng bá chủ thế giới.

Hình ảnh tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam được đăng tải trên tờ USNew của Mỹ.
Hình ảnh tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam được đăng tải trên tờ USNew của Mỹ.

Giàn khoan Hải Dương 981, cùng với việc  xây dựng tại đảo Gạc Ma và một số đảo khác của Trường Sa đã cho thấy mục tiêu ăn cướp của quốc gia này.  Sự lên án thông thường của dư luận quốc tế dường như chưa làm họ lùi bước. Cần phải có một biện pháp mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc. Bởi nhân loại đang ở thế kỷ 21, những hành động cướp đất, cướp biển là không thể dung thứ.
Nếu Mỹ khẳng định có thể trừng phạt được kinh tế Nga, thì không có lý do gì các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lại sợ Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment