Tuần dương hạm USS Cowpens (CG-63). Cuối năm ngoái, con tàu này đã suýt va chạm với một tàu chiến TQ ở Biển Đông khi tàu TQ chặn đầu tàu Mỹ
(Soha.vn) - Nếu tấn công một tàu của Philippines, Malaysia hay Việt Nam ở Biển Đông, Trung Quốc hoàn toàn có nguy cơ gặp phải một chiếc tàu Mỹ đi ngang qua.
Những động thái leo thang liên tục gần đây của Trung Quốc đang khiến cho tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng. Không chỉ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc còn ráo riết mở rộng, củng cố các cơ sở đồn trú tại nhiều khu vực thuộc quần đảoTrường Sa mà nước này đang chiếm đóng trái phép.
Theo một báo cáo mật vừa được Philippines công bố, Trung Quốcđang tiến hành cải tạo đất trái phép tại 5 khu vực - đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven và đá Én Đất - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Báo điện tử Chính phủ dẫn lời Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình Deutsche Welle của Đức và báo Washington Times của Mỹ, nhận định “Trung Quốc liên tục gây hấn trên Biển Đông xuất phát từ việc Bắc Kinh cho rằng Washington không dám can thiệp nếu xung đột xảy ra trong khu vực...”
Tuy nhiên, ông Bower khẳng định: “Bắc Kinh không nên nhận định sai tình hình. Quan điểm cho rằng Mỹ sẽ không can thiệp quân sự để Trung Quốc muốn làm gì thì làm trên Biển Đông là hoàn toàn sai lầm”.
Không đồng tình với quan điểm của một số nhà phân tích cho rằng Mỹ sẽ không bảo vệ Việt Nam nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông, ông Bower, cho rằng việc Mỹ có hỗ trợ cho Việt Nam hay không là tùy thuộc vào tình hình.
Cũng bàn về vai trò của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, tướng Không quân Pháp Jean-Vincent Brisset, giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) cho rằng, Mỹ quan tâm đến vấn đề Biển Đông vì có lợi ích trực tiếp trong khu vực.
Ông Brisset cho rằng người Mỹ sẽ ngày một hiện diện cụ thể hơn tại Biển Đông. Để tấn công một tàu của Philippines, Malaysia hay Việt Nam như Trung Quốc vẫn thường xuyên làm, nước này hoàn toàn có nguy cơ gặp phải một chiếc tàu Mỹ đi ngang qua. Bắc Kinh sẽ không muốn nhận lấy rủi ro khi tấn công, đánh chìm một tàu của Mỹ vì việc đó sẽ gây ra các phản ứng rất nặng nề.
Tướng Pháp Jean-Vincent Brisset
Về phần mình, trong cuộc cuộc trao đổi qua điện thoại với báo giới châu Á sau Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) tại Yangon (Myanmar), trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Danny Russel cho rằng với tư cách là cường quốc Thái Bình Dương, các liên minh quân sự và quân đội của Mỹ trong nhiều thập kỷ đã có mặt ở đây, đảm bảo hòa bình cho khu vực.
Ông Russel khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục sự hiện diện này trong tương lai, không phải với mục tiêu phát động chiến tranh mà là để tránh chiến tranh.
Trong bối cảnh những diễn biến kể trên, giới quan sát cho rằng, yếu tố Trung Quốc đang thúc đẩy hình thành một “ liên minh chiến lược” tứ cường bao gồm Nhật – Úc - Ấn - Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó, Mỹ có thể đóng một vai trò hạt nhân quan trọng nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment