Wednesday, June 18, 2014

100% trẻ em ở Đông Mai bị nhiễm độc chì



100% trẻ em ở Đông Mai bị nhiễm độc chì
Được biết, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường đã kết hợp triển khai thí điểm dự án “cải tạo khắc phục ô nhiễm chì trong đất” ở 37 hộ dân Đông Mai. Người làng chì phấn khởi bởi sau bao năm bị “bỏ rơi”, họ đã được quan tâm thiết thực. Chưa biết dự án trên sẽ giúp “thủ phủ” tái chế chì hồi sinh đến đâu, nhưng trước mắt, việc đẩy mạnh tuyên truyền những tác hại nghiêm trọng của ô nhiễm kim loại nặng tới sức khỏe con người, để đẩy lùi tâm lý coi thường - căn bệnh nan y của người Đông Mai, giúp họ tự bảo vệ mình, cũng rất cần thiết.


(PLO) - Vì nhiều lý do, có thể bởi không có tiền, cũng có thể bởi cha mẹ quá bận rộn, nhiều đứa trẻ bị nhiễm chì ở thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) chưa được đưa đến bệnh viện tẩy chì. Cán bộ thôn và Trưởng trạm Y tế xã lo lắng cho sức khỏe thế hệ tương lai của Đông Mai. Họ cho rằng làng đang bị “bỏ rơi”. Tuy nhiên, lo lắng thì vẫn lo lắng, sơ chế chì vẫn cứ sơ chế chì… 
Rất ít trẻ được đưa đi tẩy chì
Chuyện Đông Mai ô nhiễm chì đã hiển hiện hai năm rõ mười, thế nhưng cũng từ ngày các kết quả xét nghiệm được công bố, người dân trong vùng bỗng… ngại tiếp xúc với người lạ. Họ sợ bất kỳ vị khách vãng lai nào hỏi về nghề sơ chế chì, đặc biệt tránh đụng chạm đến cụm từ “ô nhiễm”. 
Khi phóng viên Báo PLVN có mặt, dù nói thác rằng chỉ có ý định tìm hiểu về nghề, nhưng rất cảnh giác, hầu hết chủ các cơ sở thu gom phế liệu trên địa bàn đều kêu “bận” kèm thái độ không mấy thân thiện. Ông Trưởng thôn Lê Huy Gương than thở: “Nghề tái chế chì nuôi sống người dân chúng tôi. Vì thế, với nhiều người, môi trường bị ô nhiễm cũng đành ráng chịu, miễn kiếm ra tiền lo miếng cơm manh áo. Báo chí vào cuộc, các cơ quan bên môi trường về khảo sát, tất cả nói ra rả suốt ngày nhưng để bắt tay khắc phục, vạch ra hướng làm ăn, hướng xử lý ô nhiễm môi trường thì cả chục năm nay vẫn vậy”.  
Vị cán bộ thôn nói tiếp như cố giải tỏa bức xúc: “Trẻ nhỏ trong làng có khoảng 700 cháu, chúng bị nhiễm chì nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có cháu nào được đưa đi viện tẩy chì. Theo tôi biết, tẩy chì trong máu phải làm 3 tháng một lần, mỗi lần đi mất trên dưới 5 triệu đồng, ở quê nghèo toàn làm ruộng lấy đâu ra số tiền ấy, trong khi đó Nhà nước không có bất kỳ hỗ trợ nào. Chừng ấy năm kể từ ngày kêu chúng tôi bị ô nhiễm, bị ảnh hưởng nhưng cũng từng ấy năm chúng tôi như bị lãng quên, thế nên có bệnh thì cũng đành chịu”.  
Không có tiền, người dân không đưa trẻ nhỏ đi tẩy chì. Thậm chí, nhiều trẻ bị nhiễm độc chì nhưng vẫn đi học, chơi đùa bình thường nên cha mẹ các cháu chủ quan, không đưa đi sàng lọc. Cái nghiệp tái chế kim loại nặng vẫn được xem như “phao cứu sinh” không thể bỏ. Người làng Đông Mai vẫn gắn với nghiệp sơ chế chì thủ công. Rốt cuộc, họ cũng lo lắng cho sức khỏe con em mình nhưng không thoát khỏi vòng luẩn quẩn, vì tiền. 
Có nhiều lời biện minh rằng các khu tái chế chì đóng trên địa bàn giờ đây đã bớt độc hại vì được trang bị những thiết bị hiện đại. Thế nhưng, khi được hỏi nó hiện đại và giảm thiểu khí độc như thế nào thì người dân lý giải quanh co: “Trước kia các cụ hẩy chì thì khói nhiều, chứ giờ việc hẩy chì không còn khói nữa”.
Các cơ sở tái chế chì xả trực tiếp nước các phế phẩm ra nguồn nước. 
Người lớn coi thường hậu quả
Thì đây, hậu quả thế nào, những con số “không biết nói dối” có thể chứng minh. Theo điều tra đã được công bố, 109 trẻ làm xét nghiệm máu, đều chưa đến 10 tuổi, tất cả đều nhiễm chì. Trong đó, trẻ có hàm lượng chì thuộc mức nguy hiểm và báo động chủ yếu ở nhóm 5-7 tuổi, thậm chí có bé mới 2-3 tuổi.
Đơn cử, bé Lê Ngọc C. mới bốn tuổi, hàm lượng chì trong máu lên đến 74,52 mg/dl, gấp hơn bảy lần mức cho phép. Hàng năm, gia đình đưa bé C. lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lọc máu. Theo các bác sỹ, việc phục hồi hoàn toàn của bé là không thể, bé sẽ phải đối mặt các di chứng như chậm phát triển trí não, còi cọc...
Bé gái Lê Phương L. cũng bốn tuổi, hàm lượng chì trong máu là 73,16 mg/dl, thuộc mức nguy hiểm, có nguy cơ tổn thương thần kinh cao, phải nhập viện và điều trị bằng thuốc thải chì truyền tĩnh mạch. Nhiều bé khác, mới 2-3 tuổi nhưng hàm lượng chì trong máu gấp 6-7 lần mức cho phép.
Mới đây, Viện Y học và vệ sinh môi trường nghiên cứu mức độ ô nhiễm chì tại xã Chỉ Đạo. Kết quả, mức ô nhiễm chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn gần 3,5 lần. Có thời điểm, hàm lượng chì vượt ngưỡng hơn 10 lần. Các loại thực phẩm có gốc ở làng như rau, cá có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn 4,6 lần. 
Theo các chuyên gia y tế, nhiễm chì ở trẻ có thể qua đường nước, không khí, đất, rau quả nhiễm chì. Bố mẹ làm nghề, quần áo dính chì, con cái cũng có nguy cơ nhiễm độc chì cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong quá trình lớn lên, trẻ sẽ tự đào thải chì trong máu. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ vẫn để lại di chứng, làm chậm phát triển trí tuệ, thậm chí đần độn, ngờ nghệch. 
Y văn ghi nhận có những bé bị nhiễm chì từ lúc hai tháng tuổi, khi được ba đến sáu tuổi, hàm lượng chì trong máu vẫn ở mức 30-40mg/dl. Tinh thần và thể chất của các bé này đều không thể bằng các bé phát triển bình thường. Ngoài ra, khi mẹ mang chì trong máu thì con cũng mang chì trong máu qua đường bú sữa. Vì thế, nguy cơ ảnh hưởng đến thế hệ sau có thể xảy ra.

No comments:

Post a Comment