Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định như trên tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 5-5
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Thanh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), Trưởng Ban Nội chính Trung ương - nhìn nhận phải cải thiện việc thu hồi tài sản tham nhũng do hành vi tham nhũng gây ra. “Đây là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh PCTN. Song thực tế thu hồi tài sản tham nhũng còn rất khó khăn, số lượng tài sản thu hồi đạt rất thấp, không quá 10%” - ông Thanh nhìn nhận.
Tập trung vào tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước
Ông Thanh đề nghị cần sớm bổ sung quy định thu hồi tài sản tham nhũng vào Luật PCTN để kịp thời xác minh, truy tìm tài sản bị chiếm đoạt, nâng cao tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản tham nhũng đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Mai Thế Dương cho biết qua kiểm tra, phát hiện hơn 2.000 đảng viên vi phạm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị Ảnh: NHẬT BẮC
Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng thừa nhận việc thực hiện giám sát còn hạn chế, đặc biệt đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Vi phạm về tham nhũng thường rất tinh vi và được che chắn bằng nhiều hình thức dẫn đến kết quả, hiệu quả rất hạn chế.
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, cho biết nhiều vụ tham nhũng xảy ra ở các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, có những vụ thất thoát đến hàng ngàn tỉ đồng, trong đó nhiều người có chức vụ cao.
“Mổ xẻ” quốc nạn tham nhũng, ông Lê Quý Vương dẫn chứng số liệu thống kê của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, chỉ trong 14 vụ án được khởi tố từ tháng 4-2012 và năm 2013 đã có 90 bị can, trong đó 70 bị can là người có chức vụ, quyền hạn.
Không có ngoại lệ trong án tham nhũng
Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, đánh giá: Từ đầu năm 2013 đến nay, công tác PCTN đã được triển khai khá đồng bộ, có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong PCTN so với kỳ vọng của người dân.
“Số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Tỉ lệ tài sản tham nhũng thu hồi còn rất thấp” - Tổng Bí thư nhìn nhận.
Đáng lo ngại, theo Tổng Bí thư, việc xử lý tham nhũng còn nương nhẹ; đã có tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho khởi tố bị can theo quy định pháp luật.
Tổng Bí thư cho rằng cần chú trọng xây dựng quy định về kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao.
“Cán bộ, tổ chức phải biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng. Quyết tâm không chỉ trên giấy, hô hào mà phải được nhìn thấy trong thực tế. Chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết phải chống trong các cơ quan chống tham nhũng. Phải không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ” - Tổng Bí thư khẳng định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo PCTN vừa qua là chọn ra 8 vụ án, 2 vụ việc và làm trong chưa đầy 1 năm đưa ra xử 5 vụ. Năm 2014, Ban Chỉ đạo PCTN sẽ chọn ra khoảng 7-8 vụ; Ban Nội chính Trung ương đề nghị 15-16 vụ và các địa phương gần 30 vụ. Cách làm là tập trung vào các vụ việc trọng tâm, trọng điểm, không làm tràn lan.
“Vừa rồi, cử tri có ý kiến đưa vụ án ra, rồi co lại, rồi hoãn. Hay trước đây nói vụ án chuẩn bị sẵn, vụ án bỏ túi. Nay chúng ta cải cách tư pháp, phải có tranh tụng trước tòa” - Tổng Bí thư chia sẻ.
Tổng Bí thư cũng nhắc nhở cơ quan PCTN phải thiết lập được cơ chế giám sát hiệu quả; tránh để quyền lực quá lớn, quá tập trung dẫn đến sai lầm nghiêm trọng.
“Nếu không dựa vào dân, cuộc chiến PCTN không thể thành công. Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, thời nào cũng có, xã hội nào cũng có. Chỉ là ít hay nhiều. Nhưng nhiều nơi giương cờ chống tham nhũng để lật nhau. Nên phải thấy mặt nọ, mặt kia, thấy nhiều chiều. Phải hết sức cảnh giác những âm mưu sử dụng công tác chống tham nhũng để lật đổ chính quyền” - Tổng Bí thư quả quyết.
Của chung dễ phóng tay
Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, chỉ ra khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện PCTN tại các doanh nghiệp nhà nước chính là con người do họ không vượt qua được cám dỗ của vật chất. Bên cạnh đó là quản trị doanh nghiệp chưa tốt, với tâm lý “của chung”, phóng tay, lãng phí, thờ ơ. “Việc quản lý thu nhập và chi tiêu còn nặng hình thức. Như chi tiêu hiện nay chủ yếu là tiền mặt, trong khi một người có thể có nhiều nguồn thu nhập khác nhau”- ông Thực góp ý.
Để chống tham nhũng hiệu quả, Thượng tướng Lê Quý Vương đề xuất cần có chính sách bảo vệ, khen thưởng phù hợp đối với việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng và điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng như quy định cho phép được trích phần trăm trong tổng số tài sản tham nhũng bị phát hiện, thu hồi.
Thứ Hai, 05/05/2014 23:05
THẾ DŨNG
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/phai-biet-xau-ho-vi-tham-nhung-20140505230325735.htm
No comments:
Post a Comment