Thiếu đủ thứ... kéo dài
Nhìn lại hoạt động của BVTA từ năm 2011 đã thấy xuất hiện những vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, tại biên bản của đoàn thanh tra Bộ Y tế ngày 16.8.2011 kết luận: Bệnh viện chưa thực hiện đầy đủ một số quy định của quy 
chế chuyên môn như hội chẩn, hồ sơ bệnh án... Trong khi đó, luật pháp quy định: “Việc hội chẩn được thực hiện khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị của người hành nghề hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đã điều trị nhưng bệnh không có tiến triển tốt hoặc có những diễn biến xấu đi”. Việc vi phạm quy định về hội chẩn cũng đồng nghĩa với việc không đưa ra được phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời cho bệnh nhân và giảm chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện.
Hơn 2 năm sau (ngày 17.10.2013), đoàn thanh tra Bộ Y tế lại tiến hành thanh tra BVTA và phát hiện lại là những “căn bệnh” cũ từ năm 2011. Vẫn là vi phạm những quy định về hồ sơ bệnh án: Ghi chép bệnh án còn chưa đầy đủ, một số bệnh án bác sĩ kê đơn thuốc không đánh số, không ghi số lượng (bằng chữ) thuốc gây nghiện; phiếu siêu âm không có chữ ký của của bác sĩ thực hiện siêu âm. Thanh tra phát hiện vẫn là vi phạm quy định của quy chế chuyên môn về hội chẩn: Biên bản hội chẩn không có đủ chữ ký của các thành viên tham gia hội chẩn. Ngoài cái cũ chưa sửa, thanh tra còn phát hiện những vi phạm mới tăng thêm: Khoa Răng - hàm - mặt, Tai - mũi - họng không có danh mục thuốc, trang thiết bị, dụng cụ y tế, không có sổ sách theo dõi việc sử dụng thuốc tại khoa.
Sang đến năm 2014 thì những điểm yếu cần khắc phục tại BVTA lại càng tăng thêm. Theo xác minh của PV, đến cuối tháng 2.2014 tại các khoa, phòng quan trọng của BVvẫn thiếu quá nhiều phương tiện, điều kiện cần thiết để phục vụ công tác khám, chữa bệnh theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế. Tại khoa Ngoại: Chưa có phiếu tóm tắt quy trình chuyên môn; bệnh án còn bị tẩy xoá; chưa xây dựng các quy trình kỹ thuật, chưa xây dựng các hướng dẫn chuyên môn và phác đồ điều trị, không có bình bệnh án... tại khoa Dược: Chưa có quy trình giám sát sử dụng thuốc; chưa có hệ thống lưu trữ thông tin thuốc. Phòng điều dưỡng, chưa xây dựng kế hoạch đánh giá, giám sát và kiểm soát nhiễm khuẩn, chưa có dụng cụ khám và cũng chưa có cả cán bộ phụ trách dinh dưỡng... Khoa Khám bệnh là một trong những khoa quan trọng nhất của bệnh viện, nhưng bà Phạm Thị Thu (Giám đốc BVTA) phải xác nhận tại khoa này: “Chưa có hồ sơ hướng dẫn khám bệnh, chưa có quy trình khám bệnh, chưa có quy trình thụt tháo”. Và chua chát hơn, bà Phạm Thị Thu còn phải thừa nhận thêm rằng BVTA “chưa có đủ phương tiện cấp cứu bệnh nhân”.
Sự lo ngại
Thanh tra Bộ Y tế đã chỉ ra rất nhiều vi phạm của BVTA (nêu trên). Nhưng rốt cuộc, những vi phạm đó vẫn cứ kéo dài hết năm này qua năm khác, thậm chí vi phạm của năm sau được phát hiện lại nhiều hơn năm trước mà vẫn không được khắc phục triệt để, làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh, không ai xử lý vi phạm, rõ ràng đã cho thấy công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết quả sau thanh tra bị buông lỏng, nói cách khác là “đánh trống bỏ dùi”.
Xác minh của phóng viên cho thấy một thực tế nữa, theo quyết định thành lập BVTA thì Cty phát triển công nghệ y học (ông Vũ Thế Hùng làm Tổng Giám đốc) là chủ sở hữu bệnh viện. Ngày 2.7.2009, ông Hùng ký văn bản chứng nhận khoản góp vốn 200.000.000 đồng của bà Trịnh Thanh Thuỷ (phòng hành nghề y tư nhân – Sở Y tế HN), lãi suất 15%/6 tháng. Ngày 15.3.2010 và ngày 15.9.2010, ông Hùng lại ký tiếp 2 giấy chứng nhận góp vốn đầu tư ưu đãi với bà Trần Thị Nhị Hà (phòng hành nghề y tư nhân – Sở Y tế HN) tổng số tiền là 1 tỉ đồng, lãi suất 3%/tháng. Thực tế này làm tăng thêm băn khoăn nữa về tính khách quan, sự lo ngại trong quản lý nhà nước về hành nghề y tư nhân đối với BVTA, đó là việc cán bộ quản lý hành nghề y tư nhân lại được chủ sở hữu bệnh viện cho góp vốn để hưởng lãi suất hằng tháng?