Lê Trà, Sài Gòn
RFA-2014-04-09
Khu dân cư Phường Tăng Nhơn Phú A - Quận 9 - TP.HCM được quy hoạch và phát triển sau năm 1975. Các đường màu vàng và màu cam thể hiện đường giao thông trong khu vực.Hình minh họa được chụp từ google earth
“Đường cong mềm mại”
Mấy ngày nay lòng người dậy sóng vì việc mở rộng cung đường huyết mạch của Thủ Đô mang tên của cựu Tổng bí thư Trường Chinh. Sự việc lẽ ra đã không phải tốn nhiều giấy mực của báo chí nếu sở quy hoạch kiến trúc không bẻ cong nó nhằm né nhà công vụ và các cơ quan của Quân chủng phòng không không quân Việt Nam.
Việc nắn lại đường này khiến cho cung đường không còn là đường thẳng mà là trở thành “đường cong mềm mại” nói như lời của ông phó Giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội. Nếu như cho tôi quyền chất vấn ông thì tôi sẽ hỏi rằng: “Đường cong như thế nào thì được gọi là đường cong mềm mại? Có phải là uốn éo hình chữ S mới gọi là mềm mại phải không? Vậy đường cong cỡ người mẫu Ngọc Trinh có gọi là ‘đường cong mềm mại’ chưa thưa ông phó Giám đốc?”
Khi làm công tác quy hoạch giải tỏa, nếu gặp nhà dân thì giải tỏa thẳng trong khi gặp nhà cán bộ thì lại tránh. Phải chăng nhà cửa của dân không đáng giá bằng nhà cửa cán bộ? Bồi thường nhà dân đỡ tốn kém hơn nhà cán bộ?
Việc bẻ cong con đường này khiến chiều dài đoạn đường cần thi công tăng lên, người dân phải đi chậm hơn trên quãng đường dài hơn. Việc mở rộng thay vì mở về phía Nam trúng các cơ quan và nhà công vụ của Quân chủng phòng không không quân cho đường được thẳng; thì sở quy hoạch kiến trúc lại chọn mở về phía Bắc không chỉ trúng nhiều nhà dân mà làm con đường xấu đi bội phần. Khi làm công tác quy hoạch giải tỏa, nếu gặp nhà dân thì giải tỏa thẳng trong khi gặp nhà cán bộ thì lại tránh. Phải chăng nhà cửa của dân không đáng giá bằng nhà cửa cán bộ? Bồi thường nhà dân đỡ tốn kém hơn nhà cán bộ?
Nhìn người dân thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh trong những năm gần đây luôn phải sống chung với lũ mỗi khi có mưa lớn hoặc triều cường để thấy được tầm cỡ của cái cơ quan được gọi là sở quy hoạch kiến trúc đến đâu. Việc quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu khoa học cùng với việc thi công thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan bên cạnh việc đề cao lợi ích nhóm đã phá vỡ hạ tầng và hủy hoại môi trường cảnh quan. Nếu như cứ quy hoạch như thế này thì đất nước cứ mãi lẫn quẩn trong cái vòng kim cô phát triển hạ tầng mà không còn nguồn lực để tập trung vào việc phát triển cái khác.
Có người bảo rằng “Con đường bị bẽ cong đâu có nhằm nhò gì; lịch sử, luật pháp mà người ta còn bẻ cong được huống chi là con đường.”
Đâu đâu cũng thấy “cong”
Tôi đem chuyện cung đường Trường Chinh ra trong lúc trà dư tửu hậu với mấy anh em đồng nghiệp. Có người bảo rằng “Con đường bị bẽ cong đâu có nhằm nhò gì; lịch sử, luật pháp mà người ta còn bẻ cong được hốn chi là con đường.” Nghe đến đây tôi chợt giật mình khi mấy ngày qua có người phanh phui sự thật về một nhân vật lịch sử được in trong sách giáo khoa tuyên truyền suốt bao thế , rồi đến việc năm công an đánh chết dân nhưng viện kiểm sát chỉ đề nghị án treo. Thiết nghĩ luật đã ban hành trên giấy trắng mực đen trước toàn dân mà còn bẻ cong được huống hồ chi những việc mà chỉ có một nhóm nhỏ quyết định. Họ muốn thẳng thì sẽ thẳng mà muốn cong thì sẽ cong.
Xã hội bây giờ còn nhiều cái bị bẽ cong nữa; nào là lương tâm bị bẽ cong, chính sách bị bẽ cong, báo cáo bị bẽ cong, giá bị bẽ cong....rồi đến tự do bị bẽ cong, nhân quyền bị bẽ cong...Tất cả những thứ bị bẽ cong ấy cũng khiến niềm tin của người dân bị cong theo.
Có những đường cong nhìn đẹp mắt khiến người ta thấy thích thú muốn khám phá. Nhưng cũng có những đường cong thấy chướng mắt, nó giống như cái gai trong mắt mà người ta phải chịu đựng. Chắc chắn có một ngày người ta chịu không nỗi cái gai đó và sẽ nhổ nó quăng đi.
Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
No comments:
Post a Comment