(Tin tức thời sự) - Bộ Y tế vừa cho biết dịch sởi không có dấu hiệu bất thường và đang giảm. Tuy nhiên theo 1 số bệnh viện, số trẻ điều trị lại không giảm.
Dịch sởi bất thường: bệnh viện nói có, Bộ bảo không
Thông tin được Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế với các Viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur khu vực chiều 8/4 cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 6.611 trường hợp sốt phát ban dạng sởi.
Dịch sởi bùng phát 59 tỉnh thành khiến người dân hoang mang. |
Bệnh nhân tập trung chủ yếu tại miền Bắc và miền Nam, trong đó ghi nhận gần 2.500 trường hợp được xác định mắc bệnh sởi tại 59 tỉnh, thành phố. Tích lũy từ tháng 11/2013 đến hết tháng 3/2014, ghi nhận 3.380 trường hợp mắc sởi, trong đó 25 trường hợp tử vong.
Đáng chú ý, cả 25 trường hợp tử vong này đều ở miền Bắc và chỉ có duy nhất 1 trường hợp được tiêm vacxin phòng sởi nhưng mới tiêm 1 mũi.
Tuy nhiên, theo thống kê so sánh, mùa dịch năm 2013 – 2014 có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009-2010 và đang có dấu hiệu giảm dần.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư khẳng định, chưa có sự biến đổi về gene và các tuyp virus sởi cũng như chưa ghi nhận gia tăng độc lực. Chủng virus sởi năm nay tương đồng với chủng virus cổ điển.
Chuyên gia dịch tễ dự báo, tháng 5 tới, khi thời tiết nóng lên cộng với số lượng trẻ được tiêm vét vacxin sởi thì số trẻ mắc bệnh sẽ giảm mạnh.
Bộ Y tế nhận định, các trường hợp tử vong do mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các virus khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do viêm phổi. Theo TS Hiển: “Nếu công tác tiêm chủng được đẩy mạnh như hiện nay thì VN có thể thanh toán bệnh sởi vào năm 2017”.
Tuy nhiên về phía bệnh viện Nhi Trung ương và bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh sởi đang diễn ra hết sức phức tạp và kêu cứu đến Bộ Y tế.
Tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai) trong ngày 8/4 có 3 bệnh nhân sởi nhập viện. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết từ gần 3 tháng nay khoa đã điều trị cho 83 bệnh nhi sởi rất nặng, chỉ có 2 trong số đó đến từ tỉnh ngoài Hà Nội. Nhiều bệnh nhi phải thở máy, thở oxy vì virus xâm nhập vào phổi rất nhanh.
Trong nhiều năm công tác tại khoa Nhi, TS Dũng khẳng định: “Chúng tôi cho rằng dịch sởi năm nay bất thường vì viêm phổi diễn biến nhanh, virus tấn công trực tiếp vào phổi gây biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao hơn các năm trước. Thông thường, bệnh nhân mắc sởi chỉ gặp biến chứng viêm phổi sau khi ban sởi đã bay. Ngoài ra có trẻ chỉ 24 ngày tuổi đã bị sởi là bất thường”.
PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, hiện BV đang điều trị cho 10.000 bệnh nhân (tăng 30%), trong đó hơn 50% là bệnh viêm đường hô hấp, bệnh nhân sởi.
Trao đổi bên lề cuộc họp, TS Hải cho biết điểm bất thường của năm nay là tỷ lệ bệnh nhân mắc sởi nhập viện tăng cao, phần lớn trẻ bệnh nặng dưới 9 tháng tuổi, chưa được tiêm phòng. Theo ông Hải, khoảng 4 tháng qua BV đã điều trị nội trú gần 1.000 ca sởi bị biến chứng nặng.
Ông Hải lo lắng: “Hiện nay chúng tôi vẫn đang điều trị thường xuyên từ 200-250 bệnh nhi sởi, chưa có dấu hiệu giảm. Xét nghiệm 6 bệnh nhân tử vong do sởi cho thấy trẻ đồng nhiễm thêm các virus khác khiến bệnh thêm nặng. Có những bệnh nhân nhiễm adenovirus khiến tổn thương phế nang phổi, khiến phổi đặc lại. Để cứu chữa nhiều bệnh nhân nặng do sởi, BV Nhi T.Ư đã phải áp dụng các kỹ thuật cao như kỹ thuật ECMO, lọc máu với chi phí hàng trăm triệu đồng một bệnh nhi”.
TS Hải thừa nhận, 25 trường hợp tử vong do sởi tại BV Nhi T.Ư là con số cao hơn nhiều so với những năm trước do bệnh cảnh nặng, cho thấy sự bất thường của dịch sởi năm nay.
PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, trong hơn 40 năm qua ông chưa từng thấy dịch sởi năm nào diễn biến nặng và bất thường như năm nay bởi những ca biến chứng viêm phổi rất nặng dù đã được điều trị tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh ngay từ đầu nhưng bệnh vẫn nặng, nhiều trẻ tử vong.
Vacxin có biến chứng: chuyên gia lo, còn Bộ Y tế bảo an toàn
Mặc dù trong thời gian vừa qua, đã liên tiếp có nhiều trẻ phản ứng sau tiêm và tử vong sau khi tiêm vacxin Quinvaxem Bộ Y tế vẫn nói an toàn.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trưởng ban điều hành dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia - khẳng định không có vắc xin an toàn 100% bởi phản ứng sau tiêm luôn có.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển nói các phản ứng sau tiêm vắc xin có thể nhẹ là đau, sốt rồi tự khỏi, còn thể nặng thì trẻ có thể tàn tật, thậm chí tử vong.
Theo ông Hiển, thống kê trung bình mỗi năm, ngành y tế ghi nhận từ 10-15 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin. Tất cả trường hợp tử vong đều được điều tra theo quy trình của WHO nhưng các kết luận đều không có bằng chứng cho thấy liên quan đến chất lượng vắcxin.
Ông Hiển đặt vấn đề nếu các trường hợp trên tử vong do vắc xin thì tại sao những trẻ còn lại được tiêm cùng lô vắc xin lại không gặp vấn đề gì. Bên cạnh đó, quy trình tiêm chủng cũng được ông Hiển loại trừ khỏi nguyên nhân gây tử vong vì Bộ Y tế đã kiểm tra rất chặt chẽ.
Theo Cục Y tế dự phòng, hồi tháng 5/2013, sau khi có nhiều trường hợp phản ứng với Quinvaxem, Chính phủ đã cho dừng tiêm loại này, đến tháng 7 tiếp tục sử dụng. Việt Nam đã tham gia các cuộc họp toàn cầu về tình hình trẻ tử vong sau tiêm vắc xin này và các tổ chức y tế thế giới đều nhận định không có bằng chứng nào liên quan đến chất lượng vắc xin.
Trong khi theo kết quả của Bộ Y tế tiêm vacxin quinavaxem là an toàn nhưng các chuyên gia y tế vẫn lo ngại khi sử dụng loại vacxin này.
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Chúng tôi cũng lo ngại sẽ có các sự cố sau tiêm Quinvaxem mặc dù các điều tra trước đó đã khẳng định vắc xin có chất lượng và an toàn.
Tuy nhiên, tâm lý lo ngại sẽ khó tránh khỏi và có thể tỷ lệ tiêm sẽ giảm sút lúc mới tiêm trở lại. Ngay cả nhân viên y tế nhiều người cũng e ngại khi tiêm vắc xin này. Tuy nhiên, vắc xin tiêm trở lại sau khi đã được điều tra rất kỹ bởi chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới. Mẫu vắc xin xét nghiệm tại Anh cũng cho kết quả an toàn.
Chúng tôi mong muốn các gia đình hợp tác với cơ quan y tế khi đưa con em đi tiêm bằng cách: thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe của trẻ trước và sau tiêm để kịp thời phát hiện các tình huống chống chỉ định hoặc tạm thời chưa tiêm".
Thảo My (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment