(Kênh 13) – Cơ quan điều tra Bộ Công an đã triệt phá một đường dây hoạt động bài bản, chuyên tổ chức thi hộ cho các thí sinh dự tuyển vào các trường đại học, trong đó có cả trường của ngành công an.
Đặc biệt, ngay cả khi thí sinh được thi hộ đã trúng tuyển, vào học trong trường, nhưng qua công tác hậu kiểm hồ sơ, hành vi gian dối đó vẫn bị phát giác, kết cục tiền mất, bản thân học viên bị buộc thôi học.
Nghi vấn từ những bài thi
Sáng 3/4, thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an cho biết, đơn vị này vừa hoàn tất kết luận điều tra về đường dây thi hộ vào các trường đại học. Theo đó, bảy bị can trong vụ án bị đề nghị truy tố với tội danh “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, gồm: Nguyễn Văn Phượng (SN 1975, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội); Đậu Đức Hải (SN 1964, trú tại Thanh Hóa); Lê Quang Báu (SN 1954, trú tại Hà Tĩnh); Nguyễn Tôn Doãn (SN 1955, trú tại Hà Nội); Nguyễn Thị Hương (SN 1961, trú tại Hà Nội); Nguyễn Thị Hòa (SN 1967, trú tại Nghệ An); Nguyễn Văn Bình (SN 1964, trú tại Hà Nội). Ngoài ra, liên quan đến vụ án này, hai đối tượng đang bị truy nã là Trần Văn Chung và Nguyễn Như Khải.
Được biết, qua công tác kiểm tra hồ sơ của các thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012 – 2013 của các trường trung cấp, đại học trong lực lượng công an nhân dân, đã phát hiện một số trường hợp có dấu hiệu nghi vấn nhờ người khác thi hộ.
Từ những dấu hiệu tổng hợp ban đầu, Trường Đại học Kỹ thuật hậu cần Công an Nhân dân đã gửi mẫu chữ viết của thí sinh nghi vấn, mẫu chữ trong bài dự thi tuyển sinh… trưng cầu giám định tại đơn vị khoa học hình sự.
Kết quả, đúng như nhận định của phía nhà trường, chữ viết trên bài thi dự tuyển của các trường hợp nghi vấn không phải là chữ viết của người đã đăng ký dự thi tuyển sinh. Ngay lập tức, tất cả những tài liệu, thông tin ban đầu về vụ việc đã được chuyển sang Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an tiến hành điều tra, làm rõ.
Cơ quan An ninh điều tra đã rất khẩn trương vào cuộc. Quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ đã làm rõ đối tượng cầm đầu trong đường dây này chính là Nguyễn Văn Phượng. Dưới sự “chỉ đạo” của Phượng, các “mắt xích” trong đường dây hoạt động rất quy củ, bài bản, được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Mỗi khâu, mỗi vị trí sẽ do một người đảm nhiệm, theo “quy trình khép kín”.
Thế nhưng, dù có ranh ma đến đâu, chúng cũng không thể lường được rằng, ngay cả khi thí sinh được thi hộ đã “trúng tuyển”, vào học nhưng vẫn bị nhà trường phát giác. Hành vi phạm pháp của chúng bị lật tẩy. Cho đến khi bị bắt, Phượng khai nhận, do biết nhiều gia đình có con học kém nhưng lại có nhu cầu muốn cho con vào học tại các trường đại học danh tiếng, trong đó có các trường thuộc lực lượng công an nhân dân nên hắn đã nảy sinh ý đồ dựng lên một đường dây thi hộ hòng thu lời bất chính.
Thực hiện ý định của mình, Phượng đã lân la quanh khu vực các trường đại học có tiếng trên địa bàn TP. Hà Nội và thông qua các mối quan hệ quen biết ngoài xã hội, hắn đã câu móc, dụ dỗ, lôi kéo các bị can khác trong vụ án này tham gia vào “cuộc chơi” của mình.
Các “chân rết” được Phượng giao nhiệm vụ tìm kiếm “con mồi” ở nhiều địa phương, gạ thi hộ cho con em họ, rồi ngã giá một khoản tiền khoảng từ 200 – 250 triệu đồng/suất. Để lấy lòng tin của các bậc phụ huynh, Phượng chỉ nhận tiền đặt cọc trước từ 10 – 50 triệu đồng, khi nào thí sinh trúng tuyển, được vào nhập học mới thu nốt số còn lại.
Lôi kéo nhiều sinh viên giỏi tham gia đường dây
Việc lựa chọn người đi thi hộ thí sinh cũng được Phượng và đám “đệ tử” cân nhắc, lựa chọn kỹ. Đa phần đó là những trường hợp đang là sinh viên hoặc đã từng tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng trên địa bàn Hà Nội như Đại học Quốc gia, Bách khoa, Xây dựng… Bọn chúng gọi những trường hợp này là “gà”. Tổng cộng, chúng gom được 13 “gà” tham gia vào đường dây của mình.
Chúng nhắm vào trường hợp có hoàn cảnh rất nghèo để tỏ ra quan tâm, dụ dỗ, cho tiền ăn học rồi gạ gẫm “giúp” chúng đi thi hộ người khác. Vì lỡ nhận khoản tiền lớn, “há miệng mắc quai” nên một số sinh viên đành chấp nhận trở thành “gà”. Cũng có trường hợp, nhóm của Phượng biết người này từng tốt nghiệp đại học, trước đây có thành tích học tập khá tốt nhưng ra trường chưa xin được việc làm nên chúng đã tìm cách tiếp cận, lôi kéo.
Ổ nhóm của Phượng hoạt động rất tinh vi, bài bản đến mức, trước mỗi kỳ thi đại học, chúng gom tất cả các “gà” lại, tập huấn cách thức “qua mặt” hội đồng tuyển sinh. Ngoài ra, để “chắc ăn”, chúng còn mua tài liệu về, yêu cầu các “gà” phải ôn luyện lại kiến thức trước khi đi thi hộ “khách hàng”. Mỗi “gà”, chúng thỏa thuận trả từ 60 đến 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi “mọi sự đã xong xuôi”, Phượng rất quái, hắn lấy lý do trừ đi khoản tiền đã “hỗ trợ” cho “gà” trước đây, rồi trừ tiếp tiền ăn ở, in ấn tài liệu… trong thời gian “gà” tập trung “ôn luyện”, nên cuối cùng, “gà” chỉ còn được nhận khoảng hai, ba chục triệu đồng cho một lần thi hộ.
Trong năm 2012, các đối tượng đã tổ chức thi hộ trót lọt cho năm trường hợp, năm 2013 là 14 trường hợp. Các đối tượng cũng thừa nhận, trước đây chúng từng tổ chức cho một số trường hợp thi vào trường của quân đội. Tuy nhiên, khi các “gà” đang làm thủ tục dự thi thì bị phát hiện, ngăn chặn.
Theo một nguồn tin, Phượng vốn trước đây học hành rất giỏi, từng thi đỗ rất cao vào một trường đại học của quân đội, nhưng sau đó, do vi phạm kỷ luật nên bị đuổi học. Tuy nhiên, sau đó, Phượng tiếp tục thi đậu với số điểm cao vào một trường đại học dân sự thuộc diện tốp đầu tại Hà Nội.
Tốt nghiệp đại học, Phượng đầu quân cho công ty Vận tải hành khách Hà Nam, có trụ sở tại TP.Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh. Vì hám lời bất chính, hắn đã không thể vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền, đứng ra thành lập đường dây thi hộ chuyên nghiệp. Nhưng, tất cả những sai phạm đó đã không thể… lọt lưới.
Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an cũng yêu cầu hai đối tượng bị truy nã là Trần Văn Chung và Nguyễn Như Khải ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật.
Thủ đoạn cáo già tinh vi
Dựa vào ảnh của thí sinh do gia đình gửi đến, Phượng đối chiếu, lựa chọn “gà” có khuôn mặt hao hao giống với thí sinh nhất, sau đó dùng kỹ thuật photoshop chỉnh sửa, tạo ra bức ảnh mới, vừa giống “gà”, vừa giống thí sinh, rồi gửi lại cho phía “khách hàng” để dán ảnh đó vào hồ sơ đăng ký dự thi theo mẫu chung, sau đó tiến hành làm các thủ tục sơ tuyển theo quy định.
Đến ngày dự thi, “gà” sẽ được “trưng dụng” để đi thi hộ. Cáo già hơn, Phượng vẫn yêu cầu thí sinh thật phải vắng mặt tại địa phương trong thời gian thi cử để tránh bị phát hiện. Kết thúc kỳ thi, Phượng và đám “đệ tử” yêu cầu các “gà” tập hợp lại, “phổ biến” chi tiết các thông tin liên quan đến kỳ thi cho thí sinh như: Sơ đồ phòng thi, thời gian thi các môn, mã đề, đặc điểm giám thị coi thi, nội dung cơ bản bài thi đã làm… để đối phó khi nhập học nếu trúng tuyển.
CHÍ CÔNG
No comments:
Post a Comment