Wednesday, April 9, 2014

Cứu bé gái bị mẹ xây "lô cốt" giam cầm giữa Hà Nội


Ngày 27/3, ông Nguyễn Viết Chức đã chỉ đạo công an phường giải cứu cháu bé bị mẹ giam cầm giữa Hà Nội. Chị M. sau đó đã được đưa đi điều trị ở bệnh viện tâm thần, còn bé H. được bố và bà nội nuôi dưỡng.

Đau xót nhìn bé gái bị hành hạ 

Đau xót nhìn bé gái bị hành hạ, cô giáo chủ nhiệm của H. cho biết, bé là học sinh ngoan, sức học tốt, nhưng cô bé khép kín và trầm lặng so với các bạn cùng lớp. Khi cô bé học lớp 2, chị M. có đến trường trình bày với cô chủ nhiệm và cô hiệu trưởng về việc H. thường xuyên bị bố và bác hãm hiếp, lén lút tuồn ma túy, ép cô bé phải sử dụng. 

Hàng ngày, sau khi đưa con đến lớp, chị M. không chịu bỏ đi, cứ đứng ngoài cửa lớp chờ cho đến khi con tan học. Nhà trường không biết thực hư câu chuyện của chị nhưng đã tạo điều kiện cho người mẹ được giám sát con gái mình cả trong giờ học. 

Vậy nhưng đến hết năm học vừa rồi, chị M. đến trường xin nghỉ cho con. Sau đó, bé H. không được đi học và bị mẹ nhốt trong "lô cốt".

Tại nhà anh C., bố của cháu H., anh cho biết, dù biết con gái bị mẹ hành hạ nhưng anh bất lực, bởi mỗi lần tìm đến gặp con, chị M. ở trong nhà khóa chặt cửa, chửi bới om sòm và vu vạ đủ điều cho anh. 

"Tôi biết vợ mình có dấu hiệu của bệnh hoang tưởng, rất thương và muốn đem con về nuôi, nhưng không biết phải làm cách nào", anh C. nói. 

Việc con gái bị vợ nhốt vào "lô cốt", anh C. không hay biết bởi đã vài tháng nay anh không thể thuyết phục được vợ cho mình thăm con.


Bé H. sau khi được giải cứu. 

Bà Nguyễn Thị Vân, Tổ trưởng dân phố số 9, phường Phúc Đồng cho hay: "M. dọn tới đây ở khoảng nửa năm trước. Cô ta có biểu hiện không bình thường khi thường xuyên chửi bới lung tung, nói anh ruột vứt thuốc, bố bé H. thường lạm dụng tình dục con gái...". 

Ngày 27/3, ông Nguyễn Viết Chức, Phó trưởng công an quận Long Biên đã xuống phường Phúc Đồng, chỉ đạo công an phường giải cứu cháu bé. Chị M. sau đó đã được đưa đi điều trị ở bệnh viện tâm thần, còn bé H. được giao cho bố và bà nội nuôi dưỡng. 

Tận mắt chứng kiến nơi bé gái bị mẹ mình giam cầm, ông Chức cho biết: "Việc chị M. nhiều lần làm đơn gửi đi khắp nơi tố cáo, khiếu nại rằng cháu H. bị bố và bác ruột liên tục cho dùng ma túy rồi hãm hiếp đã được Công an quận Long Biên tiếp nhận và xác minh là không đúng sự thật từ hơn một năm trước". 

Tuy nhiên, ông không nhận được thông tin nào về việc chị M. ngược đãi, đánh đập, giam cầm con gái và nửa năm nay cô bé không được giao tiếp với thế giới bên ngoài, không được gặp người thân… 

Ảnh hưởng tiêu cực từ người mẹ 

Ông Chức hỏi chuyện cô bé sau khi H. được "giải cứu": 

- Con ở trong phòng đó bao lâu rồi? 

- Con ở đó được một tháng rồi ạ. 

- Có lúc nào con được ra ngoài không? 

- Không ạ. Con ở đó luôn, không được ra ngoài ạ. 

- Hôm nay con được ra ngoài con có thích không? 

- Dạ, con thích ạ. 

- Con có thích quay lại gian phòng đó để ở không? 

- Dạ con không thích ạ. Con thích được ra ngoài như thế này hơn ạ. 

- Thế việc vệ sinh cá nhân hằng ngày của con ở đâu? 

- Mẹ để cho con cái bô trong phòng, con đi luôn vào cái bô đó ạ. 

- Ban đêm ai ngủ với con? 

- Con ngủ một mình ạ. 

- Thế con phải ngủ một mình trong căn phòng đó con có sợ không? 

- Con có sợ ạ. 

- Con có biết tại sao con bị khóa ở đó không ? 

- Có ạ. 

- Vì sao ? 

- Vì con ăn ma túy, dạng bột, viên hình tam giác ạ. 

- Ai cho con? 

- Bố với bác ạ. 

- Bố với bác cho con ăn hằng ngày à? 

- Vâng ạ. Nhưng khi mẹ con xây “lô cốt”, cho con vào trong đó ở thì con không còn bị ăn viên nào nữa ạ. 

- Trong thời gian con ở trong phòng, không ra ngoài nghĩa là con không được đi học à? 

- Vâng, con ở nhà, không đến trường. 

Qua đoạn đối thoại trên, có thể nhận thấy cô bé đã bị người mẹ hoang tưởng của mình nhồi nhét vào đầu óc thơ dại những điều tệ hại. 

Một bác sĩ Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: "Chị M. có dấu hiệu bị rối loạn hoang tưởng. Người phụ nữ này có những hành vi bất thường như nhốt con, nghi ngờ không cơ sở, không phù hợp với người bình thường". 

Đối với cháu bé, do đã bị đối xử, giam giữ một cách bất bình thường và điều này chính là một căng thẳng trường diễn cho cháu bé, nên chắc chắn cháu có bị ảnh hưởng, bị chấn thương tâm lý, cần phải được khám tại các cơ sở khám chữa về tâm lý tâm thần, thể chất để được đánh giá, kết luận về mức độ tổn thương tâm lý tâm thần rối loạn cần chữa trị. 

Cô bé còn bị cách ly do suy nghĩ bất bình thường của mẹ chính là hoang tưởng. Vì bé sống trong thông tin ảo nên những thông tin này dần thấm vào suy nghĩ. Nó như một tập nhiễm lâu ngày của những thông tin ảo, theo thời gian đã tạo ra cho cháu bé một nhận thức không bình thường. 

Theo các bác sĩ, cháu bé cần được đưa đi khám để đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ mức độ tổn thương tâm lý, tâm thần, thể chất để có biện pháp chữa trị kịp thời theo nguyên tắc phát hiện càng sớm càng tốt. 

Cần tạo cơ hội cho cháu bé được tái hòa nhập tại gia đình, cộng đồng, trường học càng sớm càng tốt. Nếu can thiệp sớm, chữa trị sớm bằng thuốc, tâm lý, môi trường, sẽ tránh được việc cô bé bị các rối loạn sang chấn sau căng thẳng.

No comments:

Post a Comment