Saturday, April 5, 2014
Không cách nào chống Trung Quốc bành trướng Biển Đông ngoài pháp luật
HỒNG THỦY- 06/04/14 07:23
(GDVN) - Không có bên yêu sách nào đủ khả năng quân sự để chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là Philippines. Và Mỹ sẽ không can thiệp quân sự
Chuyên gia Gregory Poling từ trung tâm CSIS, ảnh: VOV.
Philstar ngày 6/4 dẫn lời chuyên gia Gregory Poling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) từ Washington phân tích, Philippines đã lựa chọn giải pháp phù hợp khi khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông, bất chấp khả năng Manila có thể phải đối mặt với một số hậu quả.
Gregory Poling cho rằng việc Philippines nộp bản thuyết trình 4000 trang lập luận của mình cho Hội đồng Trọng tài Tòa án Quốc tế về Luật Biển hôm 30/3 đánh dấu một bước đi táo bạo của Manila mà Bắc Kinh dường như nằm mơ cũng không nghĩ rằng nó sẽ xảy ra.
Bản thuyết trình 4000 trang cung cấp chi tiết những lập luận của Philippines và bằng chứng bác bỏ đường lưỡi bò Trung Quốc. Philippines đang phải trả một khoản chi phí cho vụ kiện của họ bởi họ xác định rằng chi phí của sự chấp nhận (để Bắc Kinh tự tung tự tác) sẽ lớn hơn rất nhiều.
Philippines đã chọn giải pháp phù hợp, bây giờ cộng đồng quốc tế cần phải cân nhắc và thuyết phục Trung Quốc.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Bắc Kinh vẫn tiếp tục bác bỏ giải pháp trọng tài, thậm chí liên tục đe dọa trừng phạt Philippines vì vụ kiện.
Sự kiện Scarborough là bài học đắt giá cho Philippines, Trung Quốc sẽ không thay đổi tham vọng của họ, hạn chế tiếp cận các giới hạn luật pháp quốc tế.
Gregory Poling cũng chỉ ra rằng Bắc Kinh luôn tìm cách biến các bãi chìm, rặng san hô thành các đá, các đảo. Bãi James hay bãi Cỏ Mây (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) là ví dụ.
"Tuyên bố của Trung Quốc cùng với chiến thuật ngày càng hung hăng của hải quân Trung Quốc đã đẩy các quốc gia khác tiến gần tới quan điểm của Philippines. Các quan chức Malaysia đã ngày càng hợp tác với ASEAN về Biển Đông khi Trung Quốc 'tuần tra' bãi James. Thậm chí ngay cả Indonesia trước đó đã cố gắng rút khỏi tranh chấp nhưng cũng đã lo ngại trước các diễn biến liên quan."
Cho đến nay đàm phán đã không thành công trong việc tạo ra một cơ chế quản lý, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
"Không có bên yêu sách nào đủ khả năng quân sự để chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là Philippines. Và Mỹ sẽ không can thiệp quân sự, ngoại trừ trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện. Vậy là Philippines chỉ có một sự trông cậy, đó là pháp luật." Gregory Poling nhận xét.
Mỹ và Nhật Bản hiện là 2 nước ủng hộ mạnh mẽ nhất vụ kiện của Philippines. Washington công khai chỉ trích, bác bỏ đường lưỡi bò, ủng hộ các giải pháp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment