Wednesday, March 26, 2014

Truyền thông Trung Quốc "nói ra nói vào" về quan hệ Việt Nam - Nhật


(GDVN) - Bài viết cố tỏ ra lo ngại quan hệ Việt-Nhật lớn mạnh sẽ ảnh hưởng xấu đến hiện thực hóa tham vọng "đường lưỡi bò" trên Biển Đông của TQ
Nhật Bản tiếp đón trọng thị đối với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân
Tờ "Đại công báo" Hồng Kông ngày 25 tháng 3 đăng bài viết có dụng ý tuyên truyền với nhan đề "Tín hiệu nguy hiểm của đồng minh Việt-Nhật" của cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc (giấu tên).
Bài viết dị nghị về quan hệ Việt-Nhật này đã được truyền thông Trung Quốc đăng tải phổ biến trên các tờ "Tin tức Trung Quốc", "Thanh niên Trung Quốc"... Để hiểu thêm về những gì dư luận Trung Quốc, Hồng Kông đang được tuyên truyền báo GDVN đăng tải lại nội dung của bài báo để độc giả tham khảo.
Theo bài báo, nhận lời mời của Nhật Bản, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã dẫn đầu đoàn đại biểu “khổng lồ” đến thăm chính thức Nhật Bản. Thành viên của đoàn đại biểu có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao cùng với 6 Bộ trưởng và 7 Thứ trưởng.
Nhật Bản đã dành sự đón tiếp rất trọng thị (quy cách cao nhất), ngoài Thiên hoàng tổ chức lễ đón và “tiệc nhà”, cùng Thủ tướng Shinzo Abe hội đàm, còn sắp xếp để Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang gặp gỡ lãnh đạo các đảng phái, bộ ngành chính phủ, tập đoàn kinh tế của Nhật Bản, tổng cộng có tới 48 hoạt động.
Thủ tướng Shinzo Abe nói, Nhật Bản rất coi trọng chuyến thăm này, cho rằng đây là "sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt" trong quan hệ hai nước. Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết, "mục tiêu quan trọng nhất (của chuyến thăm này) là thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hạ viện Nhật Bản
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên Việt-Nhật nhất trí, đồng ý, trên nền tảng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược năm 2009, tiếp tục xây dựng "quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á", đồng thời đã ra Tuyên bố chung Việt-Nhật.
Nhật Bản thể hiện đầy nhiệt tình với việc tăng cường quan hệ với Việt Nam, quyết định tiếp tục coi Việt Nam là nước ưu tiên nhất trong cung cấp viện trợ ODA, cam kết cung cấp 120 tỷ yên (khoảng 7,2 tỷ nhân dân tệ) khoản vay Chính phủ, giúp Việt Nam xây dựng đường cao tốc, bến cảng và trang thiết bị phát điện, cấp điện.
Theo bài báo của TQ, khi phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản, Chủ tịch Trương Tấn Sang đề cập đến tranh chấp Biển Đông, nhấn mạnh phải tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, các bên đều cần duy trì kiềm chế, không làm cho tình hình phức tạp hóa, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Truyền thông Việt Nam cho rằng, chuyến thăm lần này được tiến hành "trong bầu không khí thực sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau". Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết, chuyến thăm đã đạt được thành quả to lớn, Chủ tịch đặc biệt nhấn mạnh, "lòng tin chính trị" của hai bên không ngừng được tăng cường.
Việt Nam-Nhật Bản nâng tầm quan hệ
Mặc dù là hoạt động ngoại giao bình thường của Việt Nam, nhưng tờ “Đại công báo” cho rằng, trong tình hình bình thường, sự phát triển quan hệ giữa nước này với nước kia không thể dị nghị.
Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trương Tấn Sang trong tình hình hiện nay lại có liên quan đến rất nhiều “nhân tố nhạy cảm”, đã thu hút sự chú ý rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Bài báo cho rằng, đối với Nhật Bản, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi quay trở lại cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là Việt Nam, công khai kêu gọi Việt Nam và Nhật Bản “bắt tay cùng ứng phó với hành động ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc ở khu vực”.
Trong vấn đề Biển Đông, bài báo cho rằng, Việt Nam có ý đồ “lôi kéo Nhật Bản vào tranh chấp Việt-Trung” (thực tế là trước đây không có tranh chấp, nhưng từ khi Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa, tham vọng “đường lưỡi bò” thì Bắc Kinh mới cố tình gây ra tranh chấp).
Bài báo nhấn mạnh, đặc biệt, vào tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bất ngờ đến thăm ngôi đền Yasukuni, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đã mạnh mẽ phản đối và chỉ trích, khiến cho quan hệ giữa các nước này với Nhật Bản xuống đến mức thấp nhất. Nhưng, bài báo cho rằng, khi đó, Việt Nam lại lặng im, không nói gì.
Tàu ngầm Hà Nội, Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Ngoài ra, khi nói về kết quả chuyến thăm Nhật Bản lần này, bài báo nói rằng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nói: “Hai nước chưa từng đạt được nhất trí rộng rãi như vậy trên phương diện tăng cường quan hệ hợp tác”.
Hơn nữa, Việt Nam ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thể hiện rõ lập trường và thái độ “thực tế” (bài báo nói là thực dụng) của Việt Nam.
Bài báo liên tưởng cho rằng, trong thời gian họp “Lưỡng hội” của Trung Quốc, Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường đã trình bày về “Báo cáo công tác Chính phủ”, trong đó cho biết, Trung Quốc muốn “bảo vệ thành quả thắng lợi của Chiến tranh thế giới thứ hai và trật tự quốc tế sau Chiến tranh, quyết không cho phép quay bánh xe lịch sử”.
Theo đó, bài báo phê phán Việt Nam gần gũi hơn với chính quyền Shinzo Abe, một chính quyền “giẫm đạp thô bạo lên trật tự quốc tế sau Chiến tranh, quay ngược bánh xe lịch sử” là “động thái đáng chú ý”.
Như vậy, báo Hồng Kông đăng bài viết của “cựu quan chức ngoại giao lâu năm Trung Quốc” rất dị nghị về quan hệ Việt-Nhật, lấy nhiều lý do để chỉ trích, thực chất là tỏ rõ lo ngại Việt Nam mạnh lên thì Trung Quốc khó hiện thực hóa được tham vọng “đường lưỡi bò”, lo ngại chủ trương bất hợp pháp của mình trên Biển Đông không thực hiện được.
Tàu ngầm Hồ Chí Minh, Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, Việt Nam chắc chắc sẽ phát huy tối đa mọi nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực. Đây là việc làm chính đáng, chính nghĩa của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, không tham lam vô độ, bất chấp luật pháp quốc tế và sự thực như chủ trương “đường lưỡi bò”.
Trong thời gian “Lưỡng hội”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng nói: “Đối với tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển giữa Trung Quốc và một số nước, trên cơ sở tôn trọng sự thực lịch sử và luật pháp quốc tếTrung Quốc sẵn sàng kiên trì thông qua hiệp thương, đàm phán bình đẳng, xử lý ổn thỏa bằng phương thức hòa bình, điều này tuyệt đối sẽ không thay đổi trong tương lai”.
Ông này nói thêm: “Trung Quốc tuyệt đối sẽ không lấy lớn bắt nạt nhỏ, cũng tuyệt đối không chấp nhận để cho các nước nhỏ làm loạn. Trong vấn đề liên quan đến chủ quyền và lãnh thổ, Trung Quốc có lập trường kiên định và rõ ràng, đó là không phải là của chúng tôi thì một ly cũng không cần, đã là của chúng tôi thì một tấc đất cũng phải giữ”.
Ông Vương Nghị nói như vậy, nhưng chủ trương “đường lưỡi bò” và các hành động để thực hiện tham vọng đó không phản ánh điều đó. Và ông nói “nước to”, “nước nhỏ”… như vậy là một thái độ rất đáng quan ngại trong thời đại văn minh như hiện nay.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp báo trong thời gian "Lưỡng hội"

No comments:

Post a Comment