26/03/2014 20:25
(TNO) Trung Quốc đang có vai trò là một trong những nước tham gia tìm kiếm máy bay MH370 mất tích, nhưng nhiều quốc gia cùng tham gia nghi ngờ rằng cường quốc châu Á này đang lợi dụng vụ việc để do thám họ, tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 26.3 dẫn lời các chuyên gia quân sự cho hay.
Một trực thăng cất cánh từ tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn của Hải quân Trung Quốc để tìm kiếm máy bay MH370 - Ảnh: Reuters |
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Ấn Độ nói với Wall Street Journal rằng vào tuần trước, yêu cầu cho tàu vào vùng biển gần quần đảo Andaman thuộc Ấn Độ từ phía Trung Quốc đã bị từ chối vì lo ngại Bắc Kinh dùng chiến dịch tìm kiếm để do thám các căn cứ quân sự quan trọng tại đây.
“Họ có thể đang lợi dụng tình cảnh và cố tìm cách đi vào khu vực này. Chúng tôi có đủ các phương tiện hiện đại để tự tìm kiếm chiếc máy bay nếu nó rơi trong vùng biển của Ấn Độ”, vị quan chức giấu tên này cho hay.
Giáo sư Brahma Chellany, một trong những chuyên gia phân tích chiến lược quốc tế hàng đầu của Ấn Độ, đồng ý với lập luận nói trên, đồng thời nhận định rằng đó là ví dụ mới nhất cho thấy Trung Quốc đang dần trở nên mạnh tay hơn trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Wall Street Journal đã liên lạc với bộ ngoại giao Trung Quốc để yêu cầu bình luận về nhận định nói trên, nhưng đã không được hồi đáp.
Việc Bắc Kinh hăng hái hỗ trợ cho cuộc tìm kiếm cũng xuất phát từ mong muốn nắm bắt cơ hội “tăng uy tín” với dư luận quốc tế, và quan trọng hơn là với người dân trong nước, ông Andrew Davies, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, đánh giá.
Ngoài máy bay, Trung Quốc đã gửi tàu chiến đến khu vực tìm kiếm và đã điều động 21 vệ tinh rà quét khu vực nghi máy bay rơi để lùng tìm mảnh vỡ, theo Wall Street Journal.
“Chưa bao giờ Trung Quốc, gồm lực lượng hải quân hay tuần duyên, tiến hành một chiến dịch có quy mô lớn cỡ này. Tốc độ triển khai lực lượng của họ khá ấn tượng. Chúng ta đã quen với việc người Trung Quốc không thích mạo hiểm”, ông Gary Li, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc hãng nghiên cứu hàng hải IHS Maritime (Mỹ), cho hay.
Trước khi vụ máy bay Malaysia mất tích diễn ra, chiến dịch lớn nhất mà hải quân Trung Quốc từng tiến hành trong vài năm đó là tham gia các hoạt động tuần tra chống hải tặc cùng các nước khác tại Vịnh Aden, theo ông Li.
Tuy nhiên, các hoạt động tuần tra nói trên chỉ đòi hỏi sự tham gia của 2 tàu chiến và 1 tàu hậu cần. Và chiến dịch tìm kiếm máy bay số hiệu MH370 có quy mô vượt xa các chiến dịch trước đây, theo chuyên gia Li.
Nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, thông qua việc điều động 2 máy bay vận tải quân sự Ilyushin Il-76, vốn không có khả năng chuyên biệt nào có ích cho cuộc tìm kiếm, Bắc Kinh cũng để lộ sự hạn chế trong sô trình diễn sức mạnh quân sự của mình.
“Một máy bay tuần tra biển hiện đại có tầm bay xa, với radar tối tân là thứ mà dường như họ đang thiếu”, chuyên gia Davies thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc nói.
Hai máy bay Ilyushin Il-76 của Không quân Trung Quốc tham gia tìm kiếm máy bay MH370 - Ảnh: Reuters |
Còn ông Li thuộc IHS Maritimes thì chỉ ra rằng Trung Quốc mới chỉ gửi một tàu hậu cần để hỗ trợ các tàu tham gia tìm kiếm máy bay MH370, đồng nghĩa với việc các tàu Trung Quốc sẽ sớm gặp khó khăn trong việc hoạt động xa nhà.
Giới quan sát còn nhận định thêm rằng Trung Quốc cũng để lộ một số hạn chế khi tham gia tìm kiếm máy bay MH370 tại Ấn Độ Dương.
Cụ thể, một máy bay vận tải Ilyushin Il-76 của Trung Quốc đã đáp nhầm xuống đường băng sân bay thành phố Perth (Úc) vào hôm 22.3, thay vì hạ cánh theo dự kiến xuống căn cứ không quân Pearce nằm cách đó 42 km về phía bắc.
Các chuyên gia nhận định vụ việc trên cho thấy không quân Trung Quốc không quen đi xa về phía nam đến như vậy để hoạt động cùng với lực lượng từ Úc, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ, vốn là các nước quen với việc gửi quân đi xa.
Hoàng Uy
No comments:
Post a Comment