theo Infonet | 31/03/2014 07:44
“Tôi thấy ngày xưa, tướng rất ít, nhưng tướng ra tướng, người ta
điều binh khiển tướng người ta gương mẫu, bây giờ tướng thì nhiều quá,
nhưng không hiệu quả”, ông Cuông nói.
Cơ quan soạn thảo cũng đưa vào dự thảo quy định GĐ Công an thành phố Hà Nội, TPHCM mang cấp hàm Trung tướng. 3 thành phố trực thuộc TƯ khác là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 3 tỉnh có địa bàn rộng lớn, phức tạp là Thanh Hóa, Đồng Nai, Bình Dương được đề xuất cấp hàm Thiếu tướng dành cho GĐ Công an. GĐ Công an các tỉnh còn lại mang cấp hàm Đại tá.
Trao đổi với PV về việc thêm tướng trong dự án luật, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa 12 cho rằng nhà nước phong nhiều tướng quá nhưng phẩm chất và năng lực chưa tương xứng.
Ông Cuông cho biết: Ngày xưa những người mang quân hàm cấp tướng rất ít nhưng công việc hiệu quả, rất tốt, những người được đề bạt từ cấp tá trở lên được người dân rất trân trọng, rất quý và những người được phong hàm cấp tướng cũng rất tự hào, cố gắng phấn đấu để giữ gìn hình ảnh, danh dự của mình. Nhưng gần đây qua dư luận tôi thấy rằng nhà nước phong nhiều tướng quá, trở thành hiện tượng "lạm phát về tướng". Các cục, tổng cục đua nhau lên tướng. Trước đây, ở cấp tỉnh chỉ có cấp tá thôi, bây giờ cũng lên cấp tướng. Đề bạt tướng ồ ạt, theo kiểu phong trào như thế dẫn đến chất lượng không tương xứng.
“Việc Bộ Công an xin thêm quá nhiều tướng như báo chí đưa tin, tôi thấy đây việc này không cần thiết. Việc cần thiết bây giờ là cần đi sâu vào chuyên môn, nghiệp vụ vấn đề tu dưỡng đạo đức và phải có công lao mới được phong quân hàm, bây giờ quy định như vậy thành ra lãnh đạo nhiều quá, toàn cấp tướng, nhưng công việc vẫn vậy, thậm chí không hiệu quả”, ông Cuông nói.
Ông Lê Văn Cuông (Ảnh: Xuân Hải)
“Tôi cho rằng không những không nên tăng số lượng cấp tướng mà cần giảm bớt đi so với hiện nay để cho tướng thì ra tướng, chứ tôi đi đâu cũng gặp tướng, cuối cùng không giải quyết được vấn đề gì mà còn gây ra những dư luận không tốt. Lên tướng thì thêm lương mà tiền thuế là do dân đóng góp chứ có phải tự nhiên mà có đâu, cần tập trung vào các vấn đề rèn luyện tư dưỡng đạo đức, phẩm chất cán bộ, năng lực chuyên môn hơn là việc phong cấp tướng, theo tôi việc phong tướng như vậy là không cần thiết”, ông Cuông nhấn mạnh.
Ông Cuông băn khoăn, dự án luật cũng đề nghị phong cấp trung tướng cho giám đốc công an 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, và một số tỉnh cũng đề xuất giám đốc công an tỉnh cũng là thiếu tướng rồi cấp tổng cục cũng đề nghị tăng nhưng hiệu quả công việc có tương xứng với cấp bậc anh được phong không?
“Tôi thấy ngày xưa, tướng rất ít, nhưng tướng ra tướng, người ta điều binh khiển tướng người ta gương mẫu, làm nghiêm lắm, bây giờ tướng thì nhiều, nhưng không hiệu quả. Theo tôi trước tiên hãy đi sâu vào chuyên môn nghiệp vụ để phát hiện những vấn đề tiêu cực, phòng chống tội phạm, những vấn đề nổi cộm trong xã hội để mà ngăn chặn đấy là việc cần quan tâm. Còn lên tướng thì công việc có gì khác không bởi khi anh có chức vụ quản lý thì anh vẫn lãnh đạo được công việc chứ không phải gắn tướng cho anh thì anh mới điều hành được”, ông Cuông cho hay.
Theo ông Cuông, song song với dự án luật Công an nhân dân sửa đổi thì dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sỹ quan Quân đội nhân dân cũng có nhiều điểm mới và ông rất đồng tình với việc Bộ Quốc phòng sẽ giảm 3,1% cấp tướng so với hiện nay
“Tôi nghĩ rằng việc Bộ Quốc phòng giảm cấp tướng so với hiện nay như vậy là rất nghiêm, Chính phủ và Quốc hội cũng nên nghiên cứu giảm bớt số lượng cấp tướng, không nên tăng, để tướng ra tướng. Chứ nhiều tướng quá, ra ngõ là gặp tướng, như thế không có giá trị”, ông Cuông nói.
No comments:
Post a Comment