ĐĂNG BỞI  - 
Đầu tháng 2.2014, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thí điểm cho thuê xe đạp công cộng ở các thành phố lớn để giảm ùn tắc giao thông. Ngay sau khi thông tin trên được báo chí đăng tải, dư luận có những ý kiến trái chiều…
Phải đi học và giúp thêm việc nhà kiếm tiền, đoạn đường từ Trường đại học Sư phạm Kĩ thuật, quận Thủ Đức đến ngã tư Bình Thái, quận 9 với cô sinh viên Nguyễn Thị Hiền, quê Bình Định là rất mệt mỏi.
Hiền không có xe, được nhà chủ cho mượn một chiếc xe đạp để đi lại cho tiện. Trời Sài Gòn rất nóng. Xa lộ Hà Nội lại rất nguy hiểm với nhiều loại phương tiện to lớn như xe container chạy tốc độ nhanh, chiếc xe đạp của Hiền như một thứ đồ chơi trẻ con, lọt thỏm trên đường.
Cô sinh viên này nói, mỗi khi dừng đèn đỏ, lấy đà đạp xe, bắt lại trớn để giao thông tiếp là một nỗi nhọc nhằn. Bây giờ, nếu thí điểm cho toàn dân thuê xe đạp thì sẽ không khả thi, vì bản thân Hiền sẽ không thuê xe mà… mua hẳn một chiếc xe đạp, hoặc có tiền thì mua xe máy.
Cũng có suy nghĩ như trên, anh Lộc, đang làm việc cho một công ty du lịch bộc bạch: “Ở Việt Nam, việc cho thuê xe đạp là không khả thi. Nói rõ hơn, dịch vụ cho thuê xe đạp do nhà nước quản lí sẽ đẻ thêm ban bệ, nhân viên, rồi chăm sóc, bảo dưỡng, thất thoát, hư hao… tạo thêm điều kiện gây mất niềm tin của dân với cán bộ.
Ngoài ra, giá thành một chiếc xe đạp không cao, dân Việt Nam có thói quen mua sử dụng lâu dài chứ không cần phải thuê. Mà nếu thị trường hấp dẫn, tư nhân sẽ vào cuộc, lúc đó các điểm thuê xe của nhà nước trở thành lãng phí là cái chắc.
“Tại nhiều nước văn minh trên thế giới, xe đạp chỉ để đi một đoạn ngắn, nên người dân chuộng. Hơn nữa khí hậu của người ta mát mẻ nên thích hợp. Còn ở Việt Nam, xứ nhiệt đới, đạp 10 cây số để đi làm thì tới công sở phải mất thêm một giờ đồng hồ để thở.Tôi dẫn khách đi nước ngoài, thấy kios cho thuê xe đạp luôn ế”, Anh Lộc nói.
Ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới sau chuyến công tác tại thành phố Đài Bắc (Đài Loan), có hơn 160 điểm cho thuê xe đạp tự động nhưng nhu cầu sử dụng của người dân rất ít. Những chiếc xe đạp chỉ đi được một người và tốn thời gian nằm phơi mưa nắng trên rất nhiều tuyến đường.
Trong khi đó, hệ thống tàu điện ngầm (RMT) ở Đài Bắc rất phát triển, giá lại cực rẻ, chỉ tương đương đi xe buýt ở Việt Nam nên đa số người dân chọn để đi lại.
Đi xe đạp là văn minh, bảo vệ môi trường và tập luyện thể chất, nhưng khi mà hệ thống giao thông chưa thực sự thuận lợi, chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp và phương tiện công cộng kém như hiện nay thì ý tưởng cho thuê xe đạp vẫn cứ phải… chờ xem.
Chờ như từng chờ lệnh cấm hàng rong, cấm xe tự chế, cấm quan tài có kính… có đi vào thực tế hay không.
Thanh Nhã
Ảnh: Xe đạp ở Đài Bắc khóa cảm ứng, mua thẻ tự động, xe đẹp, màu sặc sỡ mà dân còn chê…