Wednesday, February 15, 2017

Bình Thuận: Điều tra vụ tráo máy nông cụ dỏm cho nông dân nghèo

Bên ngoài là nhãn hiệu Honda nhưng bên trong lại có nhãn hiệu máy Trung Quốc. (Hình minh họa: Viettimes.vn)
BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Thay vì giao cho những hộ nông dân nghèo ở xã máy nông cụ của Nhật, ủy ban xã La Dạ “hợp đồng” với một cơ sở để rồi bị đánh tráo bằng máy Trung Quốc có giá bán chưa tới phân nửa.
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn tin, ngày 14 Tháng Hai, ông Nguyễn Ngọc Hai, chủ tịch tỉnh Bình Thuận, có văn bản gởi công an tỉnh này yêu cầu “nghiên cứu báo cáo của ủy ban huyện Hàm Thuận Bắc về việc nhiều hộ dân nghèo ở huyện bị đánh tráo nông cụ của Nhật thành hàng Trung Quốc mà báo chí đã phản ảnh để tham mưu, đề xuất ủy ban tỉnh xem xét, giải quyết. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì tiến hành điều tra. Kết quả thực hiện vụ việc phải phúc trình ủy ban tỉnh trước ngày 5 Tháng Ba.”
Tin cho biết, đầu năm 2017, ủy ban xã La Dạ cùng đại diện các ban, ngành của huyện Hàm Thuận Bắc cấp phát nông cụ trị giá 5 triệu đồng/hộ cho hơn 300 hộ nghèo ở xã. Tuy nhiên, khi ký nhận máy mang về nhà thì mọi người phát hiện hầu hết các nông cụ đã nhận đều là vỏ của hãng Honda nhưng ruột là của Trung Quốc, thậm chí có nhiều máy cũ và mang nhãn hiệu rất lạ.
Tức giận, nhiều người đi dò thử giá và biết được nếu là máy cắt cỏ, máy xịt thuốc hoặc máy bơm nước của Trung Quốc cũng chỉ có giá bán khoảng từ 1.5- 2.2 triệu đồng/cái. Nhiều hộ dân nghèo đã yêu cầu cán bộ xã/huyện làm rõ việc đánh tráo và ăn bớt tiền của dân. Sau khi báo chí phản ánh, thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ sự việc.
Theo phúc trình của tỉnh Bình Thuận, cuối năm 2016, ủy ban xã La Dạ đã ký hợp đồng với cơ sở nông cơ Minh Thắng để mua máy móc, nông cụ sản xuất phát cho dân. Tổng giá trị hợp đồng hơn 1.5 tỷ đồng.
Sau khi ký hợp đồng, ông Hồ Minh Thắng, chủ cơ sở nông cơ Minh Thắng, đến cơ sở nông cơ Tôn Sơn, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, để mua máy móc nông cụ theo hợp đồng với tổng số tiền 812 triệu đồng. Cuối Tháng Mười Hai, 2016, ủy ban xã La Dạ đã chi trả trực tiếp bằng tiền mặt toàn bộ số tiền theo hợp đồng đã ký cho ông Thắng.
Sau khi cấp phát máy và người dân phát hiện vỏ của hãng Honda nhưng ruột là của Trung Quốc, ông Thắng kiểm tra và thừa nhận “không đúng như trong hợp đồng.”
Để né tội, ông Thắng đến cơ sở nông cơ Tôn Sơn mua mới và đổi lại máy móc nông cụ cho dân. Việc mua máy móc nông cụ giữa ông Thắng và cơ sở nông cơ Tôn Sơn (hai lần) không có hợp đồng và hóa đơn bán hàng theo quy định. Trong khi đó, cơ sở nông cơ Tôn Sơn không thừa nhận có bán số máy móc trên cho ông Thắng.
Trả lời với báo Pháp Luật TP.HCM về một số vấn đề cần phải làm rõ như có dấu hiệu “ăn chặn” hay không? Vì sao ông Thắng “tự khắc phục” đổi lại máy nông cụ với số lượng lớn trong khi chỉ một vài hộ dân phát hiện máy không đúng chất lượng? Vì sao cơ sở Tôn Sơn không thừa nhận việc có bán máy cho ông Thắng?… thì ủy ban tỉnh Bình Thuận cho biết “để trả lời những câu hỏi trên phải chờ công an làm rõ.” (Tr.N)

No comments:

Post a Comment