Tuesday, February 14, 2017

Quốc hội bắt đầu ‘siết’ chính phủ?

Quốc hội bắt đầu ‘siết’ chính phủ?
Quốc hội CSVN từng nổi tiếng là nơi… ngủ ngày! Ảnh: Báo Lao Động
Cuối năm 2016, lần đầu tiên ủy ban thường vụ quốc hội ban hành nghị quyết quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm.
Nếu so sánh việc thời ông Nguyễn Sinh Hùng – chủ tịch trước đây của Quốc hội Việt Nam – đã chưa từng có được nghị quyết thuộc loại trên, nay có vẻ chủ tịch mới là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đang biểu thị nguyện vọng có nhiều quyền lực hơn.
Dự thảo nghị quyết giám sát thu chi này từng được ủy ban thường vụ quốc hội cho ý kiến từ phiên họp tháng 9/2016. Nhưng khi đó, dự thảo nghị quyết được chính phủ trình lại chưa có quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch đầu tư 5 năm.
Khi đó, tân bộ trưởng tài chính là Đinh Tiến Dũng đã nại ra một lý do: kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là định hướng, và xem xét việc này phải vô cùng thận trọng. Bởi nếu thông qua khung và định hướng trên cơ sở dự toán không đúng thì vô cùng nguy hiểm, có thể 5 năm sau sẽ có cả đống dự án đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát.
Nhưng phó chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng càng như vậy (tức càng “vô cùng nguy hiểm”) thì càng phải kiểm soát, nên nghị quyết này vẫn cần phải quy định về căn cứ, thẩm quyền, nội dung báo cáo… liên quan đến kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm.
Vậy là lần đầu tiên quốc hội gửi cho chính phủ một hệ thống bảng biểu, theo đó phải phản ánh được tổng mức vay của ngân sách Nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách Nhà nước từng là yêu cầu được Uỷ ban Tài chính – ngân sách nêu khi thẩm tra dự thảo nghị quyết Chính phủ trình.
Nghị quyết chính thức của quốc hội có danh mục đi kèm đến 76 mẫu biểu, trong đó có khá nhiều mục liên quan đến nợ công.
Cũng là lần đầu tiên quốc hội mới có được một công cụ nào đó để ràng buộc trách nhiệm Chính phủ, tự đứng trên đôi chân của mình, mà không hẳn là “bù nhìn”.
Cần nhắc lại, quốc hội thời ông Nguyễn Sinh Hùng đã bị coi là ‘bù nhìn” vì “gật”
quá nhiều. Rất nhiều kế hoạch thu – chi tài chính của phía chính phủ đã chỉ được đưa ra quốc hội cho có sau khi đã “tiền trảm hậu tấu”. Ngay cả vào thời gian suy thoái trầm kha kéo dài đặc biệt từ năm 2011 đến cuối kỳ đại hội 12 – năm 2015, quốc hội cũng chỉ biết “gật” trước những kế hoạch PR vĩ đại, chẳng hạn như dự án sân bay Long Thành, mà ước toán sơ bộ đã “nuốt” vốn ODA và vốn trong nước đến ít nhất 15 tỷ USD.

Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment